09:14 19/06/2009

Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước có hiệu lực từ 1/1/2010

Minh Thúy

Ngày 18/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2010

Đa số đại biểu Quốc hội đồng ý thông qua Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước - Ảnh: TTXVN.
Đa số đại biểu Quốc hội đồng ý thông qua Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước - Ảnh: TTXVN.
Ngày 18/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2010.

Gồm 8 chương với 67 điều, luật này quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án; thủ tục giải quyết bồi thường thiệt hại; quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại; kinh phí bồi thường và trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại.

Cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, tổn thất về tinh thần  trong các trường hợp quy định tại luật này thì được Nhà nước bồi thường.

Theo luật này, người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Trường hợp nhiều người thi hành công vụ gây ra thiệt hại thì những người đó có  nghĩa vụ liên đới hoàn trả; cơ quan có trách nhiệm bồi thường chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý những người thi hành công vụ gây ra thiệt hại thống nhất xác định mức hoàn trả cho từng cá nhân có nghĩa vụ hoàn trả.

Về thủ tục, hồ sơ yêu cầu bồi thường, luật quy định kèm theo đơn yêu cầu bồi thường phải có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ và tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc yêu cầu bồi thường.

Được đánh giá là một dự án luật rất phức tạp, quá trình hoàn thiện dự án luật này đã có không ít ý kiến lo ngại về tính khả thi của luật khi ban hành. Phần biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo luật sáng nay có 4 đại biểu không đồng ý và 2 đại biểu không nhấn nút.

Sau khi luật này có hiệu lực, Nghị quyết số 388/2003/NQ - UBTVQH11 ngày 17/ 3/ 2003 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra và các văn bản hướng dẫn thi hành; Nghị định số 47/CP ngày 03/5/1997 của Chính phủ về việc giải quyết bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra và các văn bản hướng dẫn thi hành sẽ hết hiệu lực thi hành.