15:08 31/10/2022

Dự thảo Luật dân chủ cơ sở không phù hợp với doanh nghiệp tư nhân

Chu Khôi

Nếu doanh nghiệp tư nhân phải tuân thủ Luật Dân chủ ở cơ sở thì việc trao quyền cho người lao động quá nhiều, sẽ khiến cho người lao động dễ dàng phát sinh yêu sách, kết bè phái, gây nhiễu cho chủ doanh nghiệp…

Doanh nghiệp tư nhân đang thực hiện quy chế dân chủ rất tốt theo Luật pháp quy định.
Doanh nghiệp tư nhân đang thực hiện quy chế dân chủ rất tốt theo Luật pháp quy định.

Các Hiệp hội ngành hàng bao gồm: Da giày – Túi xách Việt Nam, Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Lương thực thực phẩm TP.HCM, Thực phẩm minh bạch, Dệt may Việt Nam, Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Chè Việt Nam, Các nhà sản xuất xe máy vừa có công văn gửi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở.

LUẬT DÂN CHỦ CƠ SỞ CÓ NÊN ÁP DỤNG CHO DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN?

Dự án Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở đang được lấy ý kiến tại Quốc hội và dự kiến sắp được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 10/2022. Tại dự thảo Luật này quy định mới việc thực hiện dân chủ tại tổ chức có sử dụng lao động.

Công văn kiến nghị của các Hiệp hội nêu rõ: Hiện Cộng đồng doanh nghiệp chúng tôi chỉ được biết Dự thảo Luật thông qua báo chí, truyền hình mà chưa nhận được bất cứ thông tin đề nghị, yêu cầu tham gia đóng góp ý kiến cũng như có các buổi họp, hội thảo giải thích, lấy ý kiến chính thức về Dự thảo Luật, trong khi doanh nghiệp là đối tượng chịu tác động lớn của Luật này.

Dự thảo Luật dân chủ cơ sở không phù hợp với doanh nghiệp tư nhân - Ảnh 1

Theo Điều 57, Luật số 80/2015/QH13 về ban hành văn bản quy phạm pháp luật (đã được sửa đổi bổ sung bởi Luật số 63/2020/QH14) về việc lấy ý kiến đối với dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết quy định như sau: "Trong quá trình soạn thảo văn bản, cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội chủ trì soạn thảo phải lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản và cơ quan, tổ chức có liên quan...".

Góp ý cho dự thảo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, các Hiệp hội cho rằng việc áp dụng Luật này cho doanh nghiệp tư nhân sẽ gây rất nhiều khó khăn và chưa phù hợp. Bởi vì, cơ cấu vận hành của doanh nghiệp tư nhân khác hoàn toàn với doanh nghiệp nhà nước.

 

"Với vai trò đại diện cho quyền và lợi ích của các doanh nghiệp thành viên kính đề nghị các quý Cơ quan gửi bản Dự thảo mới nhất, đồng thời tổ chức buổi giải thích, lấy ý kiến xây dựng Luật từ cộng đồng doanh nghiệp để chúng tôi được đóng góp ý kiến, góp phần xây dựng, hoàn thiện luật này”.

Trích Công văn của Các Hiệp hội.

"Doanh nghiệp tư nhân tự đầu tư để gây dựng doanh nghiệp bằng chính nguồn vốn của mình, không phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước, vì vậy doanh nghiệp tư nhân có quyền quyết định trong việc quản trị doanh nghiệp mà không cần phải hỏi ý kiến Người lao động”, Các Hiệp hội nêu quan điểm.

Luật pháp cũng quy định về việc doanh nghiệp có quyền tự chủ trong kinh doanh (Điều 7 Luật Doanh nghiệp 2020; Điều 5 Luật đầu tư 2020). Trong khi đó, các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước thì tất cả tài sản đều là của nhà nước do nhân dân đóng góp, vì thế công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan, doanh nghiệp đó có quyền có ý kiến đóng góp ý kiến trong việc điều hành/quản trị trong và đối với các Cơ quan Nhà nước/ Doanh nghiệp nhà nước.

“Vì vậy, Luật này chỉ nên áp dụng với Doanh nghiệp nhà nước và Cơ quan nhà nước. Nếu áp dụng cho Doanh nghiệp tư nhân thì chỉ áp dụng ở mặt bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động như hiện tại Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn đã có quy định dựa trên cơ chế giám sát, kiểm tra và thương lượng”, Công văn của Các Hiệp hội nhấn mạnh.

LO NGẠI XUNG ĐỘT VỚI QUYỀN TỰ CHỦ CỦA DOANH NGHIỆP

Theo các Hiệp hội, hiện nay doanh nghiệp tư nhân đang thực hiện quy chế dân chủ rất tốt theo Luật pháp quy định (Luật Lao động, Luật Công đoàn). Hiện chưa có điều tra, khảo sát doanh nghiệp, người lao động, Công đoàn để nói lên việc doanh nghiệp thực hiện không tốt theo quy định Pháp luật, chưa có dân chủ trong doanh nghiệp để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động. Vì vậy, việc thêm Luật Dân chủ ở cơ sở sẽ gây ra sự chồng chéo, trùng lặp.

Luật pháp tôn trọng quyền tự chủ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp đã có tổ chức Công đoàn, tổ chức đại diện người lao động để đại diện cho người lao động, Công đoàn được trao nhiệm vụ trách nhiệm như được quy định trong Bộ Luật lao động, Luật công đoàn và các Nghị định liên quan, có quỹ Công đoàn để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Vì vậy, tổ chức công đoàn phải phát huy hiệu quả việc thực hiện dân chủ trong doanh nghiệp trong hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, không thể phát sinh thêm 1 tổ chức mới là thanh tra nhân dân hoạt động chồng chéo nữa gây tốn chi phí, tốn nhân lực cho Công đoàn và doanh nghiệp, gây khó khăn cho vận hành của chủ doanh nghiệp khi phải đối ứng với nhiều ban, nhiều tổ chức.

 

"Đa số các doanh nghiệp đang thực hiện theo đúng luật và chăm lo cho người lao động rất tốt, không chỉ vì một vài doanh nghiệp thực hiện không tốt mà áp dụng chung Luật này cho toàn thể doanh nghiệp. Nếu có một vài doanh nghiệp chưa làm đúng thì xử lý theo cơ chế giám sát, thương lượng của Công đoàn, Thanh tra của nhà nước",

Trích Công văn của Các hiệp hội.

“Việc cung cấp và công khai hết toàn bộ thông tin của doanh nghiệp đặc biệt là những thông tin bí mật trong quản trị doanh nghiệp (tình hình sản xuất kinh doanh, tình hình hoạt động, thang lương, bảng lương...) cho toàn thể người lao động, Công đoàn, ban thanh tra nhân dân là không phù hợp, không chính đáng, đi ngược lại với quyền tự chủ của doanh nghiệp theo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp và Luật Sở hữu trí tuệ. Hơn nữa, doanh nghiệp đã vận hành và tuân thủ theo rất nhiều quy định pháp luật (Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Thuế, Hải quan, Môi trường, Luật Sở hữu trí tuệ....)”, Công văn của Các hiệp hội nhấn mạnh.

Mặt khác, đã có các đoàn thanh tra để kiểm tra việc tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, vậy nên doanh nghiệp phải được tự do vận hành, quản trị.

Việc trao quyền cho người lao động, ban thanh tra nhân dân quá nhiều, vượt quá quyền lợi hợp pháp chính đáng, khiến cho người lao động dễ dàng phát sinh ra yêu sách, kết bè phái, gây nhiễu cho chủ doanh nghiệp, bộ máy doanh nghiệp phải tiếp đón, giải thích, giải trình...gây sự xáo trộn, náo loạn, thậm chí nếu chủ doanh nghiệp không đồng ý thì có thể gây ra đình công gây bất ổn định cho doanh nghiệp và xã hội.

Vì vậy, Các hiệp hội kiến nghị: Bỏ doanh nghiệp tư nhân là đối tượng của Luật dân chủ tại cơ sở. Các Hiệp hội kính mong Chủ tịch Quốc hội thấu hiểu cho khó khăn của doanh nghiệp và sớm tổ chức buổi gặp gỡ, hội thảo với cộng đồng đoanh nghiệp để giải thích và cho chúng tôi cơ hội được đóng góp ý kiến trực tiếp.