07:08 27/03/2024

Đường bộ cần quy chuẩn và tiêu chuẩn cụ thể còn với lưu trữ điện tử phải có lộ trình phù hợp

Hà Lê

Ngày 26/3, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 đã thảo luận một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Đường bộ và Dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi)…

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Quốc hội
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Quốc hội

Theo Báo cáo một số nội dung lớn về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ, sau khi chỉnh lý, dự thảo Luật có 86 điều, giảm 6 điều so với dự thảo Luật Chính phủ trình. Còn Dự thảo Luật Lưu trữ  sau khi được tiếp thu, chỉnh gồm có 08 chương, 65 điều, về cơ bản đã bám sát các chính sách lớn được Quốc hội thông qua tại đề nghị xây dựng Luật.

LUẬT ĐƯỜNG BỘ CẦN XÁC ĐỊNH PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH GỌN, RÕ, TRÁNH TRÙNG LẶP VỚI CÁC LUẬT LIÊN QUAN

Trước đó tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự án Luật Đường bộ với 105 lượt ý kiến phát biểu. Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần này, các đại biểu đánh giá cao sự cầu thị, nghiêm túc của các cơ quan trong việc tổng hợp đầy đủ và tiếp thu tối đa các ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Có ý kiến cho rằng Luật Đường bộ là luật về tiêu chuẩn, thủ tục đầu tư, khai thác, sử dụng đường bộ, phương tiện giao thông đường bộ. Do đó, cần xác định phạm vi điều chỉnh của luật gọn hơn, rõ hơn, tránh trùng lặp với quy định của các luật liên quan.

Phần lớn các quy định liên quan hoặc phụ thuộc vào quy định của các luật như: Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đê điều, Luật Công trình an ninh quốc phòng, Luật Giao dịch điện tử, Luật Phí và lệ phí…cần rà soát để có báo cáo tổng hợp và chỉ dẫn đến quy định của luật có liên quan. Một số nội dung về vận tải đường bộ trong dự thảo Luật có sự giao thoa với Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và Luật Xử lý vi phạm hành chính chưa được quy định rõ. Để tránh có lỗ hổng trong thực thi, đại biểu đề nghị cần rà soát, làm rõ.

Nguyễn Ngọc Sơn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. Ảnh: Quốc hội
Nguyễn Ngọc Sơn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. Ảnh: Quốc hội

Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho biết qua khảo sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho thấy còn nhiều bất cập trong việc áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn trong lĩnh vực đường bộ. Hiện Bộ Giao thông Vận tải đang xây dựng quy chuẩn kỹ thuật đường cao tốc mới nhưng do chưa áp dụng nên chưa biết vận hành tiêu chuẩn, quy chuẩn đường bộ cao tốc có mang lại hiệu quả tích cực hay không? Cần đánh giá kỹ lưỡng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, để làm sao áp dụng vào Luật Đường bộ mang lại hiệu quả, phù hợp với phát triển của thế giới.

Còn đại biểu Trần Văn Lâm, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cho rằng tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật đường cao tốc là rất cần thiết. Tuy nhiên, cũng theo đại biểu, khi áp dụng quy chuẩn theo dự thảo Luật, một số tuyến đường hiện nay không còn là cao tốc nữa. Ví dụ, quy định đường cao tốc là có dải phân cách hai chiều xe riêng biệt. Hiện có một số tuyến cao tốc không có dải phân cách hai chiều xe thì không còn gọi là đường cao tốc nữa. Do đó, đại biểu đặt vấn đề về việc quy định điều khoản chuyển tiếp trong những trường hợp này.

Trần Văn Lâm, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Quốc hội
Trần Văn Lâm, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cũng cho rằng quy chuẩn và tiêu chuẩn đường cao tốc cần phải được quy định cụ thể; cần quy định rõ vào Luật là đường cao tốc phải như thế nào, sau đó áp dụng sẽ đồng bộ. Trước bất cập hiện nay một số tuyến cao tốc nhưng không có trạm dừng chân và chưa biết thời điểm nào những tuyến này có trạm dừng nghỉ để phục vụ người tham gia giao thông, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị việc xây dựng trạm dừng nghỉ ở đường cao tốc cần phải thực hiện song song với xây dựng đường.

Cũng tại buổi thảo luận, các đại biểu góp ý về đầu tư xây dựng công trình đường bộ; công tác giải phóng mặt bằng khi xây dựng đường cao tốc, thu phí đường cao tốc do nhà nước đầu tư; đề nghị có giải pháp quản lý tổ chức lại giao thông ở 17 tuyến cao tốc hợp lý, khoa học, hiệu quả, đảm bảo tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhân dân.

CẦN RÀ SOÁT CÁC QUY ĐỊNH ĐẢM BẢO THỐNG NHẤT VỚI LUẬT DI SẢN VĂN HÓA

Tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã chủ trì, phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Nội vụ) và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, tổ chức khảo sát thực tế, làm việc với một số cơ quan, địa phương để có thêm thông tin, cơ sở thực tiễn phục vụ chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật; trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 30 (tháng 02/2024) và tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật để tiếp tục xin ý kiến tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách.

Tại hội nghị lần này, các đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) lần này đã bổ sung quy định về tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt là bảo vật quốc gia tại Điều 38- đây là một nội dung hết sức cần thiết và quan trọng để vừa giúp quản lý chặt chẽ, vừa sử dụng quản lý có hiệu quả các tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt.

Các đại biểu tại Hội nghị.
Các đại biểu tại Hội nghị.

Quan tâm đến nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước Phan Viết Lượng cho biết tại Khoản 5 Điều 38 trình Hội nghị lần này quy định: Tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt được quản lý, sử dụng và phát huy giá trị theo quy định của Luật này; trường hợp được công nhận, ghi danh là bảo vật quốc gia hoặc danh hiệu khác theo quy định của Luật Di sản văn hóa thì còn phải thực hiện theo quy định của Luật Di sản văn hóa.

Theo đại biểu Phan Viết Lượng, quy định này có thể hiểu là việc quản lý, bảo vệ, phát huy giái trị tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt là bảo vật quốc gia được thực hiện ở cả hai Luật (Luật Lưu trữ (sửa đổi) và Luật Di sản văn hóa). Đại biểu cho rằng, quy định như vậy chưa thực sự tường minh, chính xác, có thể gây chồng chéo, chưa thống nhất, vướng mắc trong thực hiện.

Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga đã cho rằng vẫn còn sự chồng chéo về nội dung liên quan đến tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt giữa Luật Lưu trữ (sửa đổi) và Luật Di sản văn hóa. Do vậy, cần thiết phải rà soát lại để đảm bảo tránh chồng chéo, trùng lắp, mâu thuẫn giữa quy định của hai Luật này. “Chính phủ cũng đang xây dựng dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) để trình Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, nhất thiết cần phải rà soát song song đồng thời hai Luật này để tránh chồng chéo và mâu thuẫn”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.

Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga
Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga

Về lưu trữ tài liệu điện tử, một số ý kiến đề nghị quy định lộ trình thực hiện lưu trữ điện tử phù hợp với khả năng nguồn lực và lồng ghép nội dung lưu trữ điện tử vào các quy định có liên quan.

Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng việc quản lý, khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ số là yêu cầu khách quan, cần thiết để xây dựng Chính phủ số, xã hội số.

Tuy nhiên, để phù hợp với thực tế công tác lưu trữ (hiện vẫn chủ yếu là lưu trữ tài liệu giấy), nhất là khả năng đáp ứng của nguồn lực để bảo đảm tính khả thi, dự thảo Luật được thiết kế theo hướng quy định việc lưu trữ tài liệu giấy song song với lưu trữ tài liệu số và việc chuyển đổi từ lưu trữ tài liệu giấy sang lưu trữ tài liệu số được thực hiện theo lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử và định hướng Chính phủ số, chính quyền số.

Đại biểu Lý Thị Lan đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang cho rằng việc sửa đổi luật này là cần thiết nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, khắc phục kịp thời những bất cập, hạn chế trong thực tiễn công tác lưu trữ hiện nay, đáp ứng yêu cầu thời đại chuyển đổi số và xây dựng một xã hội hiện đại, xã hội công nghệ điện tử.

Về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ, có ý kiến đề nghị quy định tài liệu lưu trữ ở cấp xã là nguồn nộp lưu vào lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở cấp tỉnh. Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng ý kiến của đại biểu Quốc hội là xác đáng.

Qua khảo sát thực tế tại một số địa phương cho thấy, khối lượng hồ sơ, tài liệu được lưu trữ tại cấp xã rất lớn, chủ yếu là tài liệu chuyên môn nghiệp vụ chuyên ngành thuộc lĩnh vực hộ tịch, đất đai và tài liệu hình thành trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của chính quyền cấp xã, bao gồm cả tài liệu lưu trữ vĩnh viễn đã hết giá trị hiện hành.

Trong khi đó, nguồn lực về con người và cơ sở vật chất cho công tác lưu trữ tại cấp xã còn hạn chế dẫn đến việc lưu trữ tại nhiều địa phương không bảo đảm, tài liệu bị hư hỏng, thất thoát. Vì vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo quy định tài liệu lưu trữ vĩnh viễn của cấp xã thuộc nguồn nộp vào lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở cấp tỉnh (khoản 4 Điều 10 của dự thảo Luật)…