15:11 22/09/2010

EVN: Thấy rõ sẽ thiếu điện, nhưng bất lực

Bảo Anh

Chủ tịch Hội đồng Thành viên EVN nói về nguyên nhân thiếu điện và thực tế đầu tư trong ngành điện

Chủ tịch Hội đồng Thành viên EVN Đào Văn Hưng.
Chủ tịch Hội đồng Thành viên EVN Đào Văn Hưng.
“Để xảy ra tình trạng thiếu điện như hiện nay có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân của giá điện thấp. Ngay từ bây giờ, đã thấy rõ năm 2012 sẽ rất thiếu điện, nhưng EVN cũng không làm gì được”.

Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đào Văn Hưng đã phát biểu như vậy với báo giới, trước những ý kiến cho rằng, EVN đã thiên về những lợi ích của tập đoàn này, hơn là tập trung cao độ để giải bài toán thiếu điện hiện nay.

Ông Hưng nói:

- Một dự án điện bình thường, muốn có điện hôm nay phải chuẩn bị từ 5 - 7 năm trước, từ việc lo đủ vốn, khảo sát, thi công... Nếu chúng ta thực hiện giá điện theo thị trường sớm hơn, thì chắc chắn đã có thể đầu tư vào điện nhiều hơn, và khó khăn về điện bây giờ cũng không đến nỗi quá căng thẳng.

Bên cạnh đó, có nhiều hộ tiêu dùng điện lớn như sản xuất thép, xi măng... nhưng vừa qua chúng tôi có ý kiến về cung ứng điện cho các nhà máy thép ngoài quy hoạch, thì ngay lập tức Hiệp hội Thép đã có ý kiến phản hồi.

Tôi cho rằng, chúng ta đang thừa thép, thiếu điện, trong khi nhiều nhà máy thép vẫn vào Việt Nam làm rồi bán ra nước ngoài. EVN cho rằng, điều này chỉ là nhằm tận dụng giá điện rẻ của Việt Nam.

Giả dụ, giờ chúng ta thực hiện cơ chế giá bán cho điện cho các nhà máy thép khoảng 5.000 đồng/kWh liệu họ có đầu tư sản xuất thép ở Việt Nam nhiều như thế không? Nên nhớ, việc tiêu thụ điện nhiều sẽ tạo gánh nặng đầu tư và thiếu điện rất lớn mà nền kinh tế phải chịu, chứ không phải chỉ riêng EVN.

Cắt điện hay không, trông chờ vào nước

Thưa ông, mấy ngày qua trên nhiều địa bàn trong cả nước lại xảy ra tình trạng cắt điện. Tại sao đến lúc này EVN vẫn chưa công bố lý do?

Theo tôi thì những sự cố vừa qua là có thật, song chưa đến mức là cắt điện luân phiên như hồi đầu mùa hè. Trong biểu đồ thể hiện nhu cầu điện của hệ thống hiện nay đúng là có nhiều ngày, vào lúc cao điểm, nhu cầu tăng cao quá, vượt khả năng cung ứng của hệ thống từ 5-10%. Vì vậy, buộc phải cắt điện cục bộ một số nơi, nếu không hệ thống không chịu nổi.

Sắp tới, nếu lượng nước tại các hồ chứa khả quan hơn thì tình hình sẽ được cải thiện.

Vậy nếu năm nay lượng nước tại các hồ thủy điện không như kỳ vọng thì liệu có khả năng sắp tới phải cắt điện trên diện rộng hơn, thưa ông?

Điều này chưa thể khẳng định được. Đến cuối tháng 9 này, chúng tôi sẽ có văn bản gửi Bộ Công Thương hoạch định các phương án về cấp điện.

Tôi cho rằng, tình hình sẽ không đến mức cắt điện luân phiên, nhưng, nếu nước vẫn không về thì sẽ phải yêu cầu các nhà máy thép, xi măng tính toán chuyển thời điểm sản xuất cho phù hợp. Hiện hai hộ tiêu thụ điện này chiếm tỷ trọng tiêu dùng điện không nhỏ, riêng thép đang sử dụng khoảng 1.900 MW, xi măng khoảng 1.500 MW.
 
Bên cạnh đó, theo tôi, với tình hình hạn hán thế này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cần chủ động với những phương án chống hạn do các hồ thủy điện khó khăn trong việc xả nước phục vụ nông nghiệp trong mùa khô tới.

Nhiệt điện: Nhiều lúc nghĩ không dám làm

Thưa ông,có ý kiến cho rằng, nếu EVN tập trung đầu tư vào nhiệt điện thì sẽ không có tình trạng thiếu điện như hiện nay. Bởi đầu tư vào thủy điện thì sẽ có lợi nhuận hơn, song lại phụ thuộc quá nhiều vào thiên nhiên?

Đúng là làm thủy điện thì có phụ thuộc vào hạn hán, thời tiết. Song nếu làm nhiệt điện chúng ta sẽ phải đối mặt nhiều nguy cơ hơn về lâu dài.

Việt Nam có nhiều nguồn năng lượng như than, khí, dầu... Nhưng đó đều là những nguồn hữu hạn. Dự báo than đến năm 2015 phải nhập khẩu. Để xây một nhà máy nhiệt điện phải có vốn tối thiểu 1 tỷ USD, trong khi các nước mà EVN đàm phán mua than chỉ cam kết cung ứng cho ta thời gian tối đa ba năm.

Điều này cũng đồng nghĩa, những năm sau đó, nhà máy nhiệt điện có nguy cơ hoạt động cầm chừng, không phát được điện nếu không mua được than hoặc mua chậm. Khí đốt cũng vậy, Việt Nam có khí đốt, nhưng chỉ khoảng trên 10 năm sau nữa ta sẽ phải nhập. Lúc đó, với khoảng cách vận chuyển vài ngàn km, liệu chúng ta có chịu nổi giá thành không?

Đầu tư một nhà máy không thể chỉ để hoạt động 5 - 10 năm rồi bỏ được, như thế quá lãng phí. Chúng ta có tiềm năng thủy điện, ưu tiên đầu tư thủy điện theo tôi là đúng.

Hơn nữa, thủy điện mỗi năm sản xuất khoảng 40 tỷ kWh điện, tiết kiệm được 20 triệu tấn than, lại có lợi rất lớn về đầu tư và môi trường.

Vậy có nghĩa là EVN vẫn sẽ "trung thành" với các nhà máy thủy điện mà sẽ không phát triển các nhà máy nhiệt điện trong tương lai?

Đến nay, những địa điểm có thể làm nhà máy thủy điện lớn cơ bản đã không còn, chỉ duy nhất Thủy điện Lai Châu là lớn và chúng ta sẽ phải làm.

Những năm gần đây, Chính phủ cũng đã chú trọng đầu tư mạnh cho nhiệt điện, đã có trung tâm nhiệt điện được đầu tư với quy mô công suất gấp đôi Thủy điện Sơn La. Cơ cấu nguồn điện của Việt Nam tới đây sẽ chủ yếu phát triển nhiệt điện, vì thủy điện có muốn làm cũng không làm được nữa.

Nhưng theo tôi, đầu tư nhiệt điện có hai vấn đề, một là về nguồn nhiên liệu và hai là vốn quá lớn. Vừa rồi chúng tôi đầu tư dự án Nhiệt điện Duyên Hải 1, cần 1,6 tỷ USD, và không có ngân hàng trong nước hay đại diện ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam nào thu xếp vốn nổi.

Bên cạnh đó, nếu xây một nhà máy hoạt động 30 năm mà anh chỉ đảm bảo nguyên liệu được ba năm, thì nói thật, nhiều lúc nghĩ không dám làm.