16:18 21/09/2008

Giá sữa nguyên liệu: Cùng phương thức, khác giá thành

Hoa Minh

Trong cùng một khu vực có hai đơn vị thu mua là Dutch Lady và Vinamilk, nhưng nông dân “phản ứng” với Vinamilk

Vinamilk hiện có trên 200 mặt hàng sữa và giữ vị trí số 1 về thị phần trong thị trường nội địa.
Vinamilk hiện có trên 200 mặt hàng sữa và giữ vị trí số 1 về thị phần trong thị trường nội địa.
Các hộ giao sữa cho Vinamilk và Dutch Lady không có khác biệt trong phương thức chăm sóc, nuôi dưỡng bò sữa.

Thế nhưng, giá thu mua sữa lại khác nhau giữa hai công ty.

Đi tìm nguyên nhân

Khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại khu vực xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi (Tp.HCM), cho thấy, cùng nguồn thức ăn như nhau, không có sự khác biệt về phương thức chăm sóc và nuôi dưỡng bò sữa giữa các hộ giao sữa cho Vinamilk và Dutch Lady.

Tuy nhiên, đối với Dutch Lady, giá thu mua gần như ổn định giữa các tuần ở mức 7.500 đồng/kg, trong khi giá thu mua của Vinamilk biến động từ 5.600 đồng/kg đến 7.100 đồng/kg. Nếu tính giá là 7.000 đồng/kg thì người nuôi bị mất 800 - 1.350 đồng/kg.

Phân tích nguyên nhân ảnh hưởng giá thu mua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp.HCM đã khảo sát tại hai xã Tân Thạnh Đông và Phú Hòa Hưng. Kết quả cho thấy, Tân Thạnh Đông có tỷ lệ vắt sữa thuê là 30%, còn Phú Hòa Đông là 10%. Giá bình quân tại Tân Thạnh Đông là 7.000 đồng/kg so với Phú Hòa Đông là 7.300 đồng/kg.

Sở cũng cho biết, Vinamilk lấy sữa hàng ngày nhưng chỉ kiểm tra 1 tuần/lần mẫu của người dân tại nhà máy, không phân biệt sữa buổi sáng hay chiều. Vinamilk chỉ thưởng cho người chăn nuôi có mức vật chất khô cao, còn với chất béo chỉ có mức trừ. Đối với chỉ tiêu béo, vật chất khô, công ty không phân biệt sữa buổi sáng hay buổi chiều, kết quả tính chung cho cả ngày. Như vậy, người chăn nuôi bị thiệt vì vật chất khô của sữa buổi sáng luôn thấp hơn buổi chiều.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng phân tích cách thức lấy mẫu tại trạm trung chuyển ảnh hưởng giá thu mua. Chẳng hạn, tại trạm thu mua ở Hóc Môn, ống nghiệm thử Blue Methylen được nhà máy giao vào buổi chiều hôm trước. Trạm lấy mẫu thử buổi sáng, ghi nhận kết quả. Sau đó, ống nghiệm rửa tại trạm, không hấp vô trùng và gửi về phòng thí nghiệm của công ty.

Điều này ảnh hưởng đến kết quả phân tích vào buổi chiều, người dân sẽ bị trừ tiền vì bị vấy nhiễm ngay trong ống nghiệm.

Nhiều người chăn nuôi cũng thắc mắc về cách phân tích sữa của Vinamilk, có một số tuần lễ giá giảm đột ngột nhưng một tuần sau đó ổn định, trong khi người chăn nuôi không thay đổi chất lượng thức ăn, cách chăm sóc nuôi dưỡng.

Nên hài hòa lợi ích

Đại diện Vinamilk cho biết, để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng sữa tươi, Vinamilk thực hiện phương pháp tính tiền dựa trên chất lượng sữa cùng mức đánh giá nghiêm ngặt hơn.

Chẳng hạn, xu hướng chung của thế giới là giảm béo trong sữa. Mặt hàng sữa tươi nguyên chất được chế biến từ 100% sữa tươi thu mua không được thêm hoặc lấy bớt bất kỳ thành phần nào trong sữa. Vì vậy, Vinamilk không khuyến khích tăng tỷ lệ béo trong sữa và không thưởng cho sữa có tỷ lệ béo cao.

Vinamilk cho rằng việc nuôi dưỡng chăm sóc của các hộ có giá bán sữa thấp không phù hợp, tỷ lệ thức ăn tinh quá cao và phương pháp cho ăn không phù hợp. Tp.HCM thiếu thức ăn thô xanh. Diện tích trồng cỏ tại Tp.HCM chỉ đạt 2.400 ha, năng suất 200 tấn/ha, đủ cho 44.000 bò sữa (trong khi số lượng bò sữa tại Tp.HCM là trên 60.000 con).

Vì thế, nhiều hộ chăn nuôi đã sử dụng quá nhiều thức ăn tinh dẫn chất lượng sữa giảm và không hiệu quả kinh tế. Ngoài ra, yếu tố bệnh viêm vú tiềm ẩn cũng là một trong những nguyên nhân chính làm chất lượng sữa thay đổi.

Hiện giá thức ăn, phụ phế phẩm và các nguyên liệu đầu vào khác trong chăn nuôi bò sữa tăng cao. Vinamilk đã chủ động ký hợp đồng với một số công ty thức ăn hỗn hợp và hèm bia để kìm chế nguy cơ tăng giá, giảm bớt gánh nặng cho người dân. Theo công ty này, vấn đề quan trọng để nâng cao hiệu quả chăn nuôi là giải quyết các tồn tại và nâng cao việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, chủ động nguồn thức ăn thô xanh.

Tuy nhiên, tại cuộc họp với UBND Tp.HCM, có ý kiến cho rằng, trong cùng một khu vực có hai đơn vị thu mua là Dutch Lady và Vinamilk, nhưng nông dân “phản ứng” với Vinamilk. Đó là điều mà Vinamilk nên xem xét lại.

Ông Nguyễn Trung Tín, Phó chủ tịch UBND Tp.HCM, đã đề nghị các doanh nghiệp thu mua sữa tiếp tục đầu tư, hỗ trợ cho nông dân; xem xét lại khâu trung gian thu mua, điều chỉnh mặt bằng giá cả theo hài hòa lịch giữa người sản xuất nguyên liệu và người chế biến, có thể lãi không nhiều nhưng để hỗ trợ nông dân trong lúc khó khăn này.