11:22 14/07/2009

Hiệu quả hỗ trợ lãi suất: Ghi nhận từ doanh nghiệp Đà Nẵng

Phùng Nghị

Chương trình hỗ trợ lãi suất vốn vay cho các doanh nghiệp đã có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh

Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng cũng ghi nhận: cùng với những nỗ lực của các doanh nghiệp, việc hỗ trợ lãi suất vay cho các doanh nghiệp đã góp phần làm khởi sắc tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2009.
Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng cũng ghi nhận: cùng với những nỗ lực của các doanh nghiệp, việc hỗ trợ lãi suất vay cho các doanh nghiệp đã góp phần làm khởi sắc tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2009.
Chương trình hỗ trợ lãi suất vốn vay cho các doanh nghiệp đã có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Kết quả cuộc khảo sát vừa được tiến hành tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, do TS. Võ Thị Thuý Anh và các cộng sự tại Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng thực hiện, đã chứng minh điều này.

Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng cũng ghi nhận: cùng với những nỗ lực của các doanh nghiệp, việc hỗ trợ lãi suất vay cho các doanh nghiệp đã góp phần làm khởi sắc tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2009.

Vốn vay đã đến tay doanh nghiệp

Số liệu tổng hợp từ các tổ chức tín dụng trên địa bàn cho biết: đến cuối tháng 6/2009, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cho vay hỗ trợ lãi suất được 7.842 tỷ đồng, với khách hàng là doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân và cả nông dân, số tiền lãi đã hỗ trợ lên tới gần 51 tỷ đồng.

Trong đó, hỗ trợ lãi suất cho vay ngắn hạn được triển khai từ đầu tháng 2/2009 đến cuối tháng 6/2009, có dư nợ đạt 7.204 tỷ đồng, số tiền lãi vay được hỗ trợ gần 50 tỷ; hỗ trợ lãi suất vốn vay trung dài hạn triển khai từ đầu tháng 4/2009 đến cuối tháng 6/2009, dư nợ cho vay đạt 637 tỷ đồng, số tiền lãi vay đã được hỗ trợ là 575 tỷ đồng; cho vay hỗ trợ lãi suất để mua máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn, đến cuối tháng 6/2009 đã thực hiện cho vay với trổng dư nợ 834 triệu đồng...

Khảo sát của nhóm tác giả trên 180 doanh nghiệp đang nhận hỗ trợ lãi suất vốn vay 4% thuộc đủ các thành phần kinh tế trên địa bàn cho biết: có 114/180 (63,3%) doanh nghiệp đuợc hỗ trợ lãi suất đối với vốn vay ngắn hạn; 2/180 (1,1%) doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất vốn vay trung và dài hạn, trong đó có 19/180 (10,6%) doanh nghiệp có cả vay ngắn, trung và dài hạn; và 45/180 (25%) doanh nghiệp không trả lời câu hỏi này.

Điều này cho thấy các gói vay ngắn hạn được hỗ trợ lãi suất chiếm tỷ lệ lớn hơn các gói vay trung và dài hạn, nguyên do là các gói cho vay trung và dài hạn mới chỉ được bắt đầu thực hiện từ đầu tháng 4/2009.

Kết quả khảo sát cũng cho biết các doanh nghiệp thuộc ngành thương mại chiếm tỷ lệ được nhận hỗ trợ vốn vay cao nhất (29,82%); tiếp theo là các ngành: xây dựng (12,39%), công nghiệp chế biến (11,93%), vận tải-kho bãi và thông tin liên lạc (7,8%), thuỷ sản (5,05%), nông-lâm nghiệp (4,13%), sản xuất phân phối điện-nước (2,75%), công nghiệp khai thác mỏ (0,92%) và các ngành khác (25,23%)...

Đã có 74,86% số doanh nghiệp tham gia cuộc khảo sát xác nhận là vốn vay hỗ trợ lãi suất mà doanh nghiệp tiếp cận được đã thực sự đáp ứng yêu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh của mình, trong đó có 11,7% đánh giá là rất tốt.

“Hầu hết đều cho rằng hiện nay các doanh nghiệp được tiếp cận dễ dàng, và giải ngân nhanh chóng hơn đối với nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại, cộng với lãi suất vay thấp và chương trình hỗ trợ lãi suất đã góp phần làm giảm chi phí vốn, kích thích doanh nghiệp vay vốn ngân hàng để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh”, TS Thuý Anh nhận định.

Bằng số vốn vay được từ chương trình hỗ trợ lãi suất vốn vay, phần lớn doanh nghiệp dùng để duy trì hay mở rộng sản xuất kinh doanh (chiếm 86,92%): cụ thể có 50,63% sử dụng vốn vay để duy trì và 36,29% doanh nghiệp dùng để mở rộng sản xuất kinh doanh; 9,7% doanh nghiệp dùng để sử dụng giải quyết tiền lương nhân công, việc này cũng góp phần ổn định tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng vẫn có một số rất nhỏ (1,69%) doanh nghiệp được hỗ trợ vốn vay, dùng nguồn hỗ trợ này để trả nợ vay cũ, đồng thời một tỷ lệ rất nhỏ khác nữa đã sử dụng vốn vay hỗ trợ lãi suất cho các mục đích khác.

Những tác động tích cực nhiều mặt

Có tới 95,56% số doanh nghiệp được khảo sát cho rằng gói hỗ trợ lãi suất 4% đã góp phần làm giảm giá thành sản phẩm của doanh nghiệp. Tuy nhiên mức độ tác động là khác nhau đối với từng doanh nghiệp.

Theo kết quả có được thì đa số các doanh nghiệp (69,8%) đánh giá rằng mức hỗ trợ của Chính phủ có tác đụng đáng kể trong việc giảm giá thành. Bên cạnh đó, có 14,5% đánh giá là có tác dụng rất đáng kể. Tuy nhiên vẫn có 15,7% cho là có rất ít hay không có tác dụng gì trong giảm giá thành.

Do giảm được giá thành nên các doanh nghiệp đã hạ giá bán sản phẩm. Có 45,8% doanh nghiệp được khảo sát có giá bán giảm ngay sau khi nhận được hỗ trợ lãi suất vốn vay.

Trong đó giảm dưới 10% (33,3% số doanh nghiệp), giảm từ 10% đến 20% (7,6%) và giảm trên 20% (4,9%). Có nhiều nguyên nhân khác nhau tác động làm giảm giá bán sản phẩm (như do sức ép cạnh tranh, chi phí nguyên nhiên vật liệu giảm,..) nhưng có đến 48,47% doanh nghiệp xác nhận: chính việc hỗ trợ lãi suất vốn vay có tác động lớn.

Nhiều doanh nghiệp còn đánh giá gói hỗ trợ lãi suất cho vay có tác dụng tích cực trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp đối với thị trường trong và ngoài nước. Lãi suất cho vay hiện nay ở các ngân hàng thương mại đang ở mức 10,5%/năm và do nhận được hỗ trợ lãi suất chỉ còn 6,5%/năm.

Lãi suất này là rất thấp so với trước đây khi đỉnh điểm lãi suất cho vay lên tới 21-22%/năm. Chi phí vốn vay rẻ sẽ giúp các doanh nghiệp dễ dàng cân nhắc trong chiến lược kinh doanh: tìm kiếm thị trường mới, đầu tư sản phẩm mới, hạ giá thành sản phẩm.

83,9% số doanh nghiệp được khảo sát cho biết đã cải thiện được khả năng cạnh tranh trên thị trường nội địa, và 76,7% số doanh nghiệp cho biết khả năng cạnh tranh của mình trên thị trường quốc tế đã được cải thiện sau khi được hỗ trợ lãi suất.

Khả năng tạo việc làm cho người lao động của các doanh nghiệp cũng có những biến động tích cực. So với thời điểm trước khi nhận được hỗ trợ lãi suất vốn vay, tại thời điểm khảo sát (nửa cuối tháng 6/2009) có 43,24% doanh nghiệp có số lao động tăng, 45,95% doanh nghiệp số lao động không đổi, chỉ có 10,815 số doanh nghiệp có giảm lao động.

Các tác giả cũng ghi nhận là sau khi được hỗ trợ lãi suất vốn vay, số lượng các doanh nghiệp trả đủ lương và đóng đủ bảo hiểm xã hội đã tăng từ 77,3% lên tới 90,1%. Số lượng các doanh nghiệp nợ lương nhưng đã nộp bảo hiểm xã hội giảm từ 1,2% xuống còn 0,6%.

Đặc biệt hơn nữa là sau khi được hỗ trợ lãi suất, không còn doanh nghiệp nào ở tình trạng nợ lương cũng như chưa đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.