11:11 27/08/2010

Hội Kiến trúc sư: “Đồ án quy hoạch Thủ đô chưa đạt yêu cầu”

Bảo Anh

Hội Kiến trúc sư Việt Nam vừa có văn bản góp ý chính thức về đồ án quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Trục Hồ Tây - Ba Vì (trước đây gọi là trục Thăng Long) vẫn đang là đề tài tranh cãi của giới kiến trúc, quy hoạch.
Trục Hồ Tây - Ba Vì (trước đây gọi là trục Thăng Long) vẫn đang là đề tài tranh cãi của giới kiến trúc, quy hoạch.
Đồ án quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 chưa đạt yêu cầu, Hội Kiến trúc sư Việt Nam tỏ rõ quan điểm tại văn bản góp ý chính thức được gửi tới Văn phòng Trung ương Đảng ngày 26/8.

Theo quan điểm của Hội, việc lập bản đồ đánh giá tổng hợp đất đai, làm cơ sở để kiểm kê phân hạng quỹ đất theo mức độ thuận lợi, xác định khả năng dung nạp dân số và chọn đất là một nội dung chính rất quan trọng của đồ án quy hoạch xây dựng vùng và quy hoạch chung xây dựng đô thị, nhưng trong nội dung của báo cáo đã thiếu phần này.

Chủ tịch Hội Nguyễn Tấn Vạn cho rằng, hiện các đô thị châu Á đang trong quá trình biến đổi lấy chất lượng làm trọng tâm. Trong nghiên cứu này chưa dự báo được xu hướng phát triển đô thị trong thế kỷ 21 mà Hà Nội tiến đến. Do vậy, phương pháp và nội dung lập quy hoạch không có đổi mới, khó hy vọng về sự phát triển bền vững.

Với quy mô dân số đô thị khoảng hơn 9 triệu người vào năm 2030 và trên 10 triệu người vào năm 2050, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, sự tăng trưởng này đã vượt ngưỡng cân bằng sinh thái, biến Thủ đô thành siêu thành phố do chất tải quá lớn vào đô thị trung tâm với quy mô 4,6 triệu dân vào năm 2030 và gần 5,5 triệu dân vào năm 2050.

Các đô thị vệ tinh như Sơn Tây, Hoà Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên đều có quy mô trên 10 vạn đến 56 vạn dân vào năm 2030 và trên 70 vạn dân vào năm 2050. Như vậy, những đô thị này sẽ trở thành các thành phố loại 1 đến loại 3, do đó không thể gọi là đô thị vệ tinh. Quy hoạch này cũng trái với Hiến pháp và các quy định pháp luật về phân cấp quản lý đô thị của Việt Nam.

Ngoài ra, theo Hội Kiến trúc sư, phương án chọn đất xây dựng đô thị trong đồ án hầu hết rơi vào các vùng đất trũng, đất nông nghiệp màu mỡ, đất bị ô nhiễm hoặc các khu dân cư đông đúc, tất yếu sẽ dẫn đến các vấn nạn và nguy cơ đối với sự phát triển bền vững Thủ đô, trái với các đề xuất về tầm nhìn, quan điểm và mục tiêu đã đề xuất.

Về chọn đất và chọn hướng phát triển Thủ đô, Hội đã lưu ý hướng phát triển thuận lợi là "phía Bắc và đông bắc sông Hồng, nơi có quỹ đất cao, thuận lợi cho xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội".

Bên cạnh đó, theo Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cảnh quan Hà Nội không nên có trục đường thẳng, dài và lớn. Cũng không nên tiếp tục quy hoạch Ba Vì làm đất dự trữ, và do đó không có cơ sở để xây trục Hồ Tây - Ba Vì.

Theo Hội Kiến trúc sư, cần có quy hoạch sử dụng đất đai hợp lý hơn đối với vùng ven đô mở rộng, tại đây có thể bố trí các khu đô thị mới có quy mô nhỏ và vừa, gắn với các trung tâm chuyên ngành lớn và các công trình phục vụ cấp vùng.

Về mô hình cấu trúc đô thị, với một siêu thành phố trung tâm trên 5 triệu dân và các đô thị vệ tinh, Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhận xét đây là mô hình cấu trúc đô thị đã cũ, tạo ra các luồng giao thông con lắc mạnh, dẫn đến nhiều vấn nạn và phát triển không bền vững.

Do vậy, có thể áp dụng mô hình cấu trúc đô thị đa tâm với quy mô đô thị trung tâm hợp lý, theo cơ cấu đô thị phát triển song hành, tuyến điểm, trên cơ sở một số chuỗi đô thị “đối trọng”, làm giảm áp lực giao thông con lắc và tạo tiền đề cho quá trình nhất thể hoá đô thị - nông thôn trong vùng Thủ đô tương lai.

Việc bố trí mạng lưới các trung tâm chuyên ngành, các khu công nghiệp tập trung và hạ tầng kỹ thuật phải xuất phát từ chiến lược phát triển bền vững của Thủ đô. Một khi, các định hướng chiến lược về kinh tế, dân số, không gian, cấu trúc đô thị của Thủ đô chưa phù hợp, thì việc phân tích chi tiết các quy hoạch xây dựng hệ thống các công trình này là chưa cần thiết.

Hội Kiến trúc sư Việt Nam đánh giá, dù đã rất cố gắng, nhưng do Quy hoạch xây dựng Thủ đô là một nhiệm vụ khó, mà chỉ được nghiên cứu trong một thời gian quá ngắn, nên đồ án Quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 chưa đạt yêu cầu.

Cơ quan này cũng kiến nghị Bộ Chính trị chỉ đạo việc tổ chức nghiên cứu, lấy ý kiến và thẩm định Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô phải đảm bảo chất lượng và phù hợp với các quy định của pháp luật.

Cũng liên quan đến đồ án quy hoạch Thủ đô, đến thời điểm hiện tại, giữa Bộ Xây dựng và UBND thành phố Hà Nội vẫn có quan điểm trái chiều về chủ trương xây dựng trục Hồ Tây - Ba Vì. Trong khi lãnh đạo Hà Nội cho rằng, trục này không cần thiết nếu không dời trung tâm hành chính quốc gia lên Ba Vì thì lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng, vẫn cần phải có trục Hồ Tây – Ba Vì để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.