22:08 02/11/2009

Kênh phân phối nội địa thua vì... lợi nhuận?

Y Nhung

“Saigon Co.opMart đã phát triển được nhiều siêu thị, nhưng chúng tôi vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng nông thôn”

Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), thị trường nông thôn là nơi sinh sống của 70% dân số nước ta và chiếm từ 14-25% tổng thị trường bán lẻ - Ảnh: TT.
Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), thị trường nông thôn là nơi sinh sống của 70% dân số nước ta và chiếm từ 14-25% tổng thị trường bán lẻ - Ảnh: TT.
“Saigon Co.opMart đã phát triển được nhiều siêu thị, nhưng chúng tôi vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng nông thôn”.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Saigon Co.opMart, đã thẳng thắn thừa nhận như vậy tại một hội nghị có chủ đề về giải pháp chiếm lĩnh thị trường nội địa, diễn ra sáng 2/11 tại Hà Nội.

Tại Việt Nam, hàng tiêu dùng hiện vẫn đến tay người mua chủ yếu qua các kênh truyền thống, như chợ, cửa hàng và các hộ kinh doanh cá thể... Cách phân phối này đã tạo ra nhiều khe hở cho hàng gian, hàng giả phát triển cũng như các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm… Hơn 10 năm nay, cũng đã có những doanh nghiệp trong nước xây dựng được chuỗi phân phối bán lẻ hiện đại, nhưng vẫn chưa thể “với tay” tới khu vực nông thôn.

Trong khi đó, theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), thị trường nông thôn là nơi sinh sống của 70% dân số nước ta và chiếm từ 14-25% tổng thị trường bán lẻ.

Nhưng để xây dựng được hệ thống phân phối rộng khắp cả nước là điều không hề đơn giản đối với các doanh nghiệp nội địa. Chia sẻ những khó khăn của một đơn vị vừa sản xuất, vừa lo khâu phân phối, ông Lương Vạn Vinh, Tổng giám đốc Công ty Hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo nói mặc dù doanh nghiệp ý thức rõ hệ thống phân phối là “huyết mạch”, nhưng đầu tư cho việc này không chỉ cần nguồn kinh phí rất lớn, mà yêu cầu về nhân sự cũng có những đòi hỏi rất khắt khe.

Do vậy, “để giải quyết phần nào bài toán trên, các nhà sản xuất ở những lĩnh vực khác nhau nếu có thể kết hợp thì nên hợp tác cùng nhau để giảm bớt các chi phí trong quá trình phân phối sản phẩm”, ông Vinh đề xuất.

Đáng chú ý, ông Nguyễn Ngọc Hòa phân tích: hầu hết các đơn vị phân phối ở nước ta đều hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, do đó lợi nhuận hàng năm luôn là vấn đề đè nặng lên vai người quản lý. Thêm nữa, các cổ đông không thể chấp nhận “đồng cam cộng khổ” cùng ban lãnh đạo nếu hai năm liên tục đều lỗ.

Trong khi đó, với tiềm năng và chiến lược phát triển dài hạn, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thường không đặt ra vấn đề lợi nhuận ngay từ những năm đầu.

Ngoài ra, theo quy định, các doanh nghiệp chỉ được đầu tư tối đa 10% chi phí cho hoạt động quảng bá. Tới đây, quy định này có “nới” hơn là 15%, nhưng nhìn chung các doanh nghiệp phân phối trong nước vẫn rất “yếu” so với doanh nghiệp nước ngoài.

“Tuy doanh nghiệp trong và ngoài nước đều phải tuân thủ theo các quy định này, nhưng các doanh nghiệp nước ngoài vẫn có thể nhận sự hỗ trợ về mặt quảng bá, giới thiệu sản phẩm mà không hề phạm luật”, ông Hòa than thở.