00:45 01/03/2024

Lãnh đạo các hãng hàng không nói về việc tăng trần giá vé máy bay nội địa từ ngày 1/3

Ánh Tuyết

Lãnh đạo nhiều hãng bay cho rằng việc tăng trần giá vé máy bay nội địa từ 1/3 là cơ hội giúp các hãng hàng không phần nào giảm nhẹ áp lực do nhiều chi phí đầu vào như tỷ giá, nhiên liệu tăng cao thời gian qua. Điều này cũng giúp dải giá vé được mở rộng hơn và đáp ứng nhu cầu hành khách...

Các hãng kỳ vọng trong tương lai, giá vé máy bay sẽ do thị trường điều tiết khi sự cạnh tranh trong ngành gia tăng.
Các hãng kỳ vọng trong tương lai, giá vé máy bay sẽ do thị trường điều tiết khi sự cạnh tranh trong ngành gia tăng.

Ngày 1/3/2024, Thông tư số 34/2023/TT-BGTVT ngày 30/11/2023 của Bộ Giao thông vận tải về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT ngày 3/5/2019 về ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa (Thông tư số 34) chính thức có hiệu lực.

HÃNG BAY GIẢM NHẸ ÁP LỰC CHI PHÍ, LINH HOẠT ĐIỀU CHỈNH GIÁ VÉ

Sau nhiều năm chi phí đầu vào của hãng bay biến động, "vòng kim cô" giá vé chính thức được nới cho các hãng hàng không. Theo quy định tại Thông tư số 34, khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa tăng từ 2,27% - 6,67% so với trước đây.

Lãnh đạo các hãng hàng không nói về việc tăng trần giá vé máy bay nội địa từ ngày 1/3 - Ảnh 1

Theo đó, với đường bay dưới 500 km, giá dịch vụ vận chuyển được giữ nguyên, trong đó, các đường bay có khoảng cách dưới 500 km có mức giá trần là 1.600.000 đồng/vé/chiều với đường bay phát triển kinh tế - xã hội và 1.700.000 đồng/vé/chiều với các đường bay khác dưới 500 km.

Các nhóm đường bay còn lại có mức tăng giá từ 50.000 - 250.000 đồng/vé/chiều so với quy định cũ, phụ thuộc vào độ dài từng đường bay.

Cụ thể, với đường bay từ 500 km - dưới 850 km có mức giá trần là 2.250.000 đồng/vé/chiều. Đường bay có khoảng cách từ 850 km - dưới 1.000 km có giá vé tối đa là 2.890.000 đồng/vé/chiều. Đường bay từ 1.000 km - dưới 1.280 km có giá trần là 3.400.000 đồng/vé/chiều.

Đường bay có khoảng cách từ 1.280 km trở lên có mức tăng giá trần cao nhất là 200.000 đồng, lên mức 4.000.000 đồng/vé/chiều. Như vậy, giá vé một số chặng bay có hành trình dài trên 1.280 km như Hà Nội - Phú Quốc có thể tăng lên mức tối đa 4.000.000 đồng/vé/chiều.

Mức giá tối đa đã bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả cho một vé máy bay, trừ thuế giá trị gia tăng và các khoản thu hộ cho cảng hàng không (bao gồm giá phục vụ hành khách và giá đảm bảo an ninh hành khách, hành lý; khoản giá dịch vụ với các hạng mục tăng thêm).

Bình luận về việc nới trần giá vé máy bay tới đây, lãnh đạo Vietravel Airlines, cho biết căn cứ theo số liệu doanh thu năm 2022 của hãng cho thấy hoạt động khai thác trên các chặng bay nội địa với khung giá hiện tại chưa đảm bảo được chi phí vận hành cũng như hiệu suất lợi nhuận của hãng trong dài hạn.

 

"Việc tăng giá trần đảm bảo quyền lợi của khách hàng luôn ở mức cao nhất cùng với trải nghiệm trên mỗi chuyến bay. Về phía các hãng hàng không có thể cân đối được các khoảng chi phí trực tiếp và gián tiếp, đảm bảo được hoạt động khai thác trong dài hạn, bên cạnh đó các dải giá vé cũng được mở rộng", lãnh đạo Vietravel Airlines đánh giá.

"Chỉ số chi phí/hành khách.km được ghi nhận đã vượt quá 150% với chỉ số doanh thu bay trên toàn bộ chặng bay nội địa", lãnh đạo Vietravel Airlines bày tỏ.

Bước vào giai đoạn thấp điểm để kích cầu, nhiều chương trình ưu đãi giá vé tiếp tục được Vietravel Airlines triển khai như săn vé 8K (8.000 đồng) từ thứ hai đến thứ 6 trong khung giờ từ 12h00 – 14h00, chương trình săn sale cuối tuần giá 9K9 (9.900 đồng) từ 09:09 đến 21:09.

Dưới góc nhìn của hãng hàng không quốc gia, ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, cho rằng rất nhiều chi phí đầu vào với ngành hàng không thay đổi suốt thời gian vừa qua, đặc biệt giá nhiên liệu và tỷ giá do ngành hàng không sử dụng tiền ngoại tệ rất nhiều trong cơ cấu chi phí.

"Trần giá vé được điều chính là điều kiện để cho các hãng hàng không bù đắp được chi phí trong suốt gần 10 năm vừa qua; đồng thời, giúp các hãng hàng không tiếp tục điều chỉnh dải giá trên hệ thống mạng đường bay nội địa", lãnh đạo Vietnam Airlines nhận định.

Các hãng hàng không xây dựng và thực hiện kê khai dải giá với nhiều mức giá từ thấp đến cao tùy theo điều kiện vé, thời điểm xuất vé, tình hình thị trường… 

Theo đó, việc nới giá trần Vietnam Airlines có cơ hội tiếp tục đầu tư cho chất lượng dịch vụ ở phân khúc giá, khách hàng có khả năng chi trả cao. Trần giá vé mới cũng giúp các hãng hàng không có thể kéo được mức giá xuống thấp hơn để có thể phục vụ được những nhu cầu của hành khách ở phân khúc có khả năng chi trả thấp hơn hoặc vào những giai đoạn thấp điểm, thị trường có thể có thêm nhiều những chương trình khuyến mại hơn.

“Điều này nhằm đảm bảo hài hòa được lợi ích của chính bản thân của các hãng hàng không cũng như của khách hàng đi lại bằng đường hàng không”, ông Hà nói.

ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG ĐẾN MẶT BẰNG GIÁ VÉ 2024

Cũng theo đánh giá của Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà, trong bối cảnh sức cầu thị trường nội địa yếu, các hãng bay đang cạnh tranh gay gắt nên mức giá vé của năm 2024 sẽ tương đương với 2023, chưa có sự thay đổi lớn.

Hơn nữa, giá vé sẽ phụ thuộc vào cung cầu của thị trường, do đó, khá khó khăn khi đánh giá liệu mặt bằng giá vé sẽ biến động ra sao trong năm, nhất là trong những nhịp thay đổi của thị trường vận tải hàng không nội địa.

Ông Hà thông tin thêm trong giai đoạn Tết Nguyên đán vừa qua, thị trường vận tải hàng không nội địa giảm 13% so với cùng kỳ nhưng so với Tết 2019, 2020 vẫn duy trì đà tăng trưởng.

"Như vậy, mặt bằng giá vé phụ thuộc diễn biến của thị trường, của nhu cầu hành khách cũng như khả năng tải cung ứng của các hãng không trong điều kiện máy bay phải đưa vào bảo dưỡng, do điều kiện đứt gãy chuỗi cung ứng. Đây là một quá trình tiếp tục cần theo dõi tiếp để đánh giá", lãnh đạo Vietnam Airlines đánh giá.

Trước đó, Bộ Giao thông vận tải cho biết, việc điều chỉnh tăng khung giá vé máy bay nội địa là do sự thay đổi của các yếu tố hình thành giá vé, đặc biệt là giá nhiên liệu tăng và tỷ giá đều tăng cao. 

Điển hình là theo số liệu cập nhật của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), giá nhiên liệu Jet A1 khu vực châu Á hồi tháng 6/2023 là 85,4 USD/thùng. Theo tính toán của Cục Hàng không Việt Nam, với giả định tỷ trọng chi phí nhiên liệu chiếm 39,5% tổng chi phí, các yếu tố chi phí khác không có biến động thì với biến động của giá Jet A1 và tỷ giá USD/VND, chi phí nhiên liệu tháng 6/2023 của các hãng hàng không tăng 23,1% so với tháng 9/2015. Tác động của giá nhiên liệu làm tổng chi phí tăng 10,9% so với tháng 8/2015.

Với Vietnam Airlines, chi phí nhiên liệu hàng không chiếm khoảng 36% chi phí vận chuyển của hãng. Giá nhiên liệu trung bình năm 2022 so với năm 2015 (thời điểm mức giá trần hiện tại được áp dụng) tăng khoảng 85% từ 67,3 USD/thùng lên 124,4 USD/thùng khiến chi phí của hãng tăng khoảng 30,5%.

Hơn nữa, chi phí vận chuyển hàng không có hơn 70% bằng ngoại tệ, trong khi doanh thu bán vé tại Việt Nam lại bằng VND. Tỷ giá tăng 6,6% từ năm 2015 - 2022 (tăng bình quân từ 21.900 VND/USD lên 23.350 VND/USD) làm chi phí của hãng tăng tương ứng 4,3%. Do đó, chi phí vận chuyển hành khách của Vietnam Airlines năm 2022 là 2.769 đồng/khách/km, cao hơn 43% so với chi phí năm 2015 (1.933 đồng/khách/km).