15:20 01/03/2024

Mặc triển vọng tăng lãi suất, đồng yên Nhật vẫn lao dốc trong 2 tháng đầu năm

An Huy

Đồng USD tăng giá tháng thứ hai liên tiếp, còn đồng yên Nhật giảm trong cả hai tháng đầu năm, khi giới đầu tư toàn cầu lùi kỳ vọng về thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tiến hành đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên, và bất chấp việc các quan chức Nhật Bản liên tục đưa ra cảnh báo đối với hoạt động của giới đầu cơ tiền tệ...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác đã hoàn tất tháng 2 với mức tăng 0,6%, đạt khoảng 104 điểm. Tính từ đầu năm, chỉ số này đã tăng 2,7% - theo dữ liệu từ trang MarketWatch.

TRIỂN VỌNG LÃI SUẤT CAO HƠN LÂU HƠN NÂNG ĐỠ USD

Động lực tăng giá cho đồng bạc xanh trong tháng 2 này là các số liệu kinh tế Mỹ nóng hơn kỳ vọng. Các báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tháng 1 công bố trong tháng này đều cao hơn dự báo của giới chuyên gia. Một thước đo lạm phát khác - chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - công bố ngày 29/3 phù hợp với dự báo, nhưng cho thấy lạm phát đi ngang và còn cao so với mục tiêu 2% của Fed.

Theo Bộ Thương mại Mỹ, PCE tháng 1 tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Cả mức tăng trên cơ sở tháng và cơ sở năm đều phù hợp với dự báo mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. PCE lõi - chỉ số không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm, tăng 0,3% trong tháng và tăng 2,4% cả năm, cũng bằng với các mức dự báo. Mục tiêu lạm phát cả năm của Fed là 2%.

Vào đầu năm, thị trường kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất từ tháng 3 và sẽ có 6 đợt giảm trong cả năm. Nhưng hiện tại, giới đầu tư tin Fed sẽ không giảm lãi suất trước tháng 6, và cả năm sẽ chỉ có 3 đợt giảm lãi suất. Khả năng Fed giữ lãi suất cao hơn lâu hơn có lợi cho đồng USD.

Hôm 13/2, khi báo cáo CPI tháng 1 nóng hơn dự báo của Mỹ được công bố, Dollar Index đạt mức cao nhất trong 3 tháng. Sau đó, chỉ số chuyển sang trạng thái giằng co nhưng vẫn giữ được trạng thái tăng khi kết thúc tháng 2.

Trong bối cảnh kỳ vọng Fed giảm lãi suất vào tháng 6 đã được phản ánh hết vào tỷ giá USD, báo cáo PCE không nằm ngoài dự báo công bố ngày 29/2 đã khiến xung lực tăng giá của bạc xanh giảm bớt.

“Nỗi lo ngại của giới đầu tư đã được giải toả sau báo cáo PCE này. Sau báo cáo CPI, nhiều nhà đầu tư đã lo lắng rằng các số liệu khác cũng nóng hơn dự báo, nhưng số liệu PCE đã không như vậy”, chiến lược gia trưởng Karl Schamotta của công ty Corpay nhận định với hãng tin Reuters.

Một số chuyên gia cho rằng có thể sẽ biến động không rõ phương hướng trong ngắn hạn. Chẳng hạn, chiến lược gia Shaun Osborne của ngân hàng Scotiabank ở Toronto nhận định tỷ giá USD “có vẻ đã phản ánh đầy đủ các yếu tố nền tảng ở thời điểm hiện tại”.

Một số khác dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ giảm tốc trong những tháng sắp tới và lạm phát tiếp tục giảm về gần hơn mục tiêu 2% của Fed. Khi đó, Fed có cơ sở vững chắc hơn để bắt đầu giảm lãi suất, và đồng USD sẽ đương đầu với áp lực giảm gia tăng. “Đang có các dấu hiệu từ các số liệu kinh tế cho thấy sự giảm nhiệt của nền kinh tế Mỹ. Điều này có thể gây trở ngại cho các giao dịch dựa vào sự vượt trội của kinh tế Mỹ, và sẽ dẫn tới sự thoái vốn khỏi đồng USD”, ông Schamotta nhận định.

Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng trên 60% Fed giảm lãi suất từ tháng 6.

ÁP LỰC MẤT GIÁ ĐEO BÁM ĐỒNG YÊN

Về phần mình, đồng yên Nhật đã giảm giá khoảng 6% so với USD từ đầu năm đến nay, kết thúc tháng 2 ở mốc 150 yên đổi 1 USD, rất gần với mức đáy kể từ thập niên 1990 đến nay là 152 yên/USD. Với mức giảm này, yên Nhật đang là đồng tiền lớn mất giá mạnh nhất thế giới trong năm 2024. Trung tuần tháng 2, đồng yên tụt xuống gần 151 yên đổi 1 USD, mức thấp nhất trong 3 tháng.

So với đồng yên, mức tăng giá của đồng USD trong tháng 2 là gần 2,1%.

Áp lực mất giá đối với đồng yên tiếp tục đến từ sự trái chiều chính sách tiền tệ giữa Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Trong khi các nền kinh tế phương Tây còn giữ lãi suất ở mức đỉnh để chống lạm phát, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vẫn chưa đưa lãi suất khỏi trạng thái âm. Do chênh lệch lãi suất, đồng yên vẫn đang là một đồng tiền phổ biến trong các giao dịch “carry trade” - trong đó các nhà giao dịch bán hoặc vay đồng yên để đầu tư vào những đồng tiền có lãi suất cao hơn.

Đầu năm, giới phân tích dự báo đồng yên sẽ tăng giá mạnh trong năm nay do Fed, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) bắt đầu hạ lãi suất và BOJ bắt đầu tăng lãi suất. Tuy nhiên, tín hiệu lãi suất cao hơn lâu hơn từ Fed, cộng thêm việc BOJ được cho là phải đến tháng 4 mới bắt đầu tăng lãi suất khiến áp lực mất giá đối với đồng yên duy trì.

Để hạn chế sự giảm giá của đồng yên, giới chức Nhật Bản liên tục đưa ra cảnh báo về can thiệp vào thị trường ngoại hối, cũng như đưa ra các tín hiệu rằng lãi suất sắp tăng. Phát biểu hôm thứ Năm tuần này, ông Hajime Takata, một thành viên hội đồng thống đốc BOJ nói rằng ông nhận thấy triển vọng sớm đạt được mục tiêu lạm phát 2% một cách bền vững, mở đường cho việc tăng lãi suất ngắn hạn khỏi trạng thái âm và chấm dứt chính sách kiểm soát đường cong lợi suất (YCC).

Hiện tại, thị trường đang nghiêng về khả năng BOJ nâng lãi suất vào tháng 4, khi đã có kết quả rõ ràng về cuộc đàm phán tiền lương mùa xuân. Tuy nhiên, “phát biểu của ông Takata cho thấy không thể loại trừ khả năng BOJ tăng lãi suất vào tháng 3” - theo chiến lược gia Christopher Wong của ngân hàng OCBC.

Trước đó vào hôm thứ Tư, Thứ trưởng phụ trách vấn đề quốc tế của Bộ Tài chính Nhật Bản, ông Masato Kanda, cảnh báo Nhật Bản sẵn sàng có biện pháp phù hợp để xử lý biến động tỷ giá quá mức. “Tôi không bình luận về biến động tỷ giá gần đây. Nhưng biến động tỷ giá phù hợp với các yếu tố nền tảng là điều được mong đợi”, ông Kanda phát biểu trước báo giới bên lề hội nghị bộ trưởng tài chính nhóm G20 tại Sao Paulo, Brazil.

“Chúng tôi đang theo dõi các biến động tỷ giá với một tinh thần cấp bách và sẵn sàng phản ứng một cách phù hợp nếu có những biến động quá mức” ông Kanda nói.

Lần gần đây nhất Nhật Bản can thiệp vào thị trường tiền tệ để bảo vệ tỷ giá yên là vào năm 2022, với 3 đợt can thiệp bán USD mua yên. Việc can thiệp diễn ra khi đồng yên rớt xuống mức thấp nhất 32 năm gần 152 yên đổi 1 USD. Từ đó đến nay, nước này chưa có thêm đợt can thiệp nào mới vào thị trường tiền tệ, nhưng giới đầu tư đang thận trọng với khả năng có sự can thiệp vì tỷ giá đang ở vùng nhạy cảm 150 yên/USD.