18:26 26/04/2024

Năm 2023, thương mại điện tử Việt Nam đã dùng 170 nghìn tấn bao bì, vật liệu nhựa

Bảo Bình

Năm 2023, thương mại điện tử Việt Nam đã sử dụng 170 nghìn tấn bao bì, vật liệu nhựa các loại. Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, dự đoán tới năm 2030, lượng rác thải nhựa phát sinh từ thương mại điện tử sẽ rất lớn…

Bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục TMĐT và kinh tế số, cho rằng mặc dù tăng trưởng nhanh và liên tục, thương mại điện tử Việt Nam vẫn đối mặt với một số hạn chế và tồn tại.
Bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục TMĐT và kinh tế số, cho rằng mặc dù tăng trưởng nhanh và liên tục, thương mại điện tử Việt Nam vẫn đối mặt với một số hạn chế và tồn tại.

Rác thải nhựa đang trở thành một vấn đề môi trường nghiêm trọng trong kỷ nguyên thương mại điện tử, nơi mà việc mua sắm trực tuyến ngày càng phổ biến. Mỗi đơn hàng online thường đi kèm với các bao bì nhựa như túi bọc, màng bọc và hộp đựng, tạo ra lượng rác thải nhựa khổng lồ.

RÁC THẢI NHỰA TỪ THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TĂNG NHANH

Theo ông Đỗ Hữu Hưng, CEO Accesstrade, thị trường nền tảng thương mại điện tử toàn cầu xét về mặt doanh thu ước tính trị giá 6,8 tỷ USD vào năm 2023 và sẵn sàng đạt 21,0 tỷ USD vào năm 2032, tăng trưởng với tốc độ CAGR là 13,7% từ năm 2023 đến năm 2032.

Nền kinh tế kỹ thuật số Việt Nam đang trên đà đạt xấp xỉ 45 tỷ USD vào năm 2025 (CAGR 20%), nhờ kỳ vọng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Thương mại điện tử (B2B, B2C) dự kiến đạt khoảng 24 tỷ USD vào năm 2025 với CAGR 22%.

Mặc dù thương mại điện tử mang lại nhiều tiện ích và sự thuận tiện cho người tiêu dùng, nhưng tác động tiêu cực của nó đối với môi trường là không thể bỏ qua. 

Theo một nghiên cứu được thực hiện trong khuôn khổ Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) và Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đồng triển khai, năm 2023 thương mại điện tử nước ta đã sử dụng 170 nghìn tấn bao bì, vật liệu nhựa các loại. Với tốc độ tăng trưởng trung bình duy trì trên 25% mỗi năm, có thể thấy tới năm 2030 lượng rác thải nhựa phát sinh từ thương mại điện tử sẽ rất lớn. Tác động xấu tới môi trường không dừng ở quy mô rác thải nhựa mà còn ở vị trí và tính chất của rác thải. 

Thứ nhất, phần lớn thương mại điện tử tập trung ở các thành phố lớn ven sông, biển như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hài Phòng, Cần Thơ, Nha Trang làm tăng nguy cơ rác thải nhựa đồ trực tiếp ra biển.

Thứ hai, bao bì, vật liệu nhựa sử dụng trong thương mại điện tử chủ yếu là túi nilon và các dụng cụ nhựa như ống hút nhựa, thìa dĩa nhựa, hộp xốp... Đây là các sản phẩm nhựa khó phân huỷ sinh học và dùng một lần.

Thứ ba, hầu hết các bưu kiện hàng hoa do hàng trăm nghìn thương nhân trực tiếp đóng gói nên công nghệ lạc hậu và không chú trọng tới các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường.

NHỮNG THÁCH THỨC CỦA THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ VIỆT NAM 

Trong mười năm qua, thương mại điện tử tại Việt Nam đã phát triển vô cùng mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng từ 16-30% mỗi năm. Theo Sách trắng Thương mại điện tử năm 2023 của Việt Nam, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam tăng 25% so với năm 2022, đạt 20,5 tỷ USD. Tuy nhiên, theo bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục TMĐT và kinh tế số, mặc dù tăng trưởng nhanh và liên tục, thương mại điện tử Việt Nam vẫn đối mặt với một số hạn chế và tồn tại. 

Theo ông Đỗ Hữu Hưng, CEO Accesstrade, thị trường nền tảng thương mại điện tử toàn cầu xét về mặt doanh thu ước tính trị giá 6,8 tỷ USD vào năm 2023 và đạt 21,0 tỷ USD vào năm 2032, tốc độ CAGR là 13,7% từ năm 2023 đến năm 2032.
Theo ông Đỗ Hữu Hưng, CEO Accesstrade, thị trường nền tảng thương mại điện tử toàn cầu xét về mặt doanh thu ước tính trị giá 6,8 tỷ USD vào năm 2023 và đạt 21,0 tỷ USD vào năm 2032, tốc độ CAGR là 13,7% từ năm 2023 đến năm 2032.

Thứ nhất, doanh thu thương mại điện tử chỉ chiếm 8% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước, thấp hơn mức trung bình của thế giới là 19,4%. Thứ hai, thương mại điện tử chỉ phát triển tập trung ở một số thành phố lớn, trong khi các địa phương khác cần thu hẹp khoảng cách này. Thứ ba, vi phạm quyền của người tiêu dùng trong thương mại điện tử khá phổ biến, ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng và sự phát triển của thương mại điện tử. 

Và thứ tư, theo bà Oanh, thương mại điện tử còn chưa phát triển bền vững do hạn chế về nguồn nhân lực và tác động xấu đến môi trường, đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến với khâu giao hàng và đóng gói.

Theo lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, thương mại điện tử đang phát triển theo xu hướng toàn cầu, với sự tập trung vào thương mại xanh và thương mại điện tử bền vững. “Chúng ta đang chứng kiến một số xu hướng mới, và nếu Việt Nam không theo kịp, thương mại điện tử của chúng ta có thể sẽ chững lại và không phát huy được hết tiềm năng của nó”, bà Oanh cho biết.

Quay trở lại vấn đề sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân huỷ sinh học, Luật Bảo vệ môi trường của Việt Nam đã có những quy định chặt chẽ.

Từ ngày 01/01/2026 không sản xuất và nhập khẩu túi nilon khó phân huỷ sinh học có kích thước nhỏ hơn 50cm x 50cm và độ dày một lớp màng nhỏ hơn 50 µm, trừ trường hợp sản xuất đề xuất khẩu hoặc sản xuất, nhập khẩu để đóng gói sản phẩm, hàng hóa bán ra thị trường.

Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân huỷ sinh học phải thực hiện trách nhiệm tái chế, xử lý theo quy định 

Tuy nhiên, theo khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), rất ít doanh nghiệp thương mại điện tử và thương nhân biết tới và có các kế hoạch phù hợp để sử dụng các bao bì, vật liệu thay thế.

Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng bảo vệ môi trường và giảm rác thải nhựa trên môi trường trực tuyến cần có sự chung tay của nhiều bên liên quan. 

Được biết, cuối năm nay, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số của Bộ Công Thương sẽ tư vấn để Bộ Công Thương trình Chính phủ kế hoạch phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2026-2030. Nội dung chính tập trung vào việc phát triển thương mại điện tử bền vững, bao gồm tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thu hẹp khoảng cách phát triển thương mại điện tử giữa các vùng miền, và đề xuất các giải pháp để thúc đẩy thương mại điện tử xanh và bền vững.