11:04 15/10/2015

Nhiệm kỳ Quốc hội và “chén mừng” của Tổng bí thư

Châu Minh

Nhiều công việc lần đầu tiên nhiệm kỳ Quốc hội khóa này làm được trong lịch sử Quốc hội

Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 13, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hẹn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng "chén mừng..." - Ảnh: Tuổi Trẻ.<br>
Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 13, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hẹn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng "chén mừng..." - Ảnh: Tuổi Trẻ.<br>
Tháng 8/2011, tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa 13, chúc mừng Chủ tịch mới của Quốc hội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mượn ý thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du “Chén vui nhớ bữa hôm nay/Chén mừng xin hẹn ngày này… 5 năm sau”.

Khi đó, Tổng bí thư còn nói vui, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng có một “đội hình đẹp”, với bộ tứ phó chủ tịch Quốc hội (hai nam, hai nữ), Hai nữ, “bà thì bề thế, bà thì xinh đẹp”. Hai nam, một người phụ trách về luật pháp, một phụ trách an ninh quốc phòng.

Quốc hội khóa 13 đang đi vào những ngày cuối của nhiệm kỳ và gần đến cái hẹn “5 năm chén mừng” của Tổng bí thư. Nhiều công việc lần đầu tiên nhiệm kỳ Quốc hội khóa này làm được trong lịch sử Quốc hội. 

Một trong số đó là việc lấy phiếu tín nhiệm 47 chức danh chủ chốt trong bộ máy Nhà nước hồi tháng 6/2013 và tiếp tục thực hiện vào tháng 11/2014.

Cuộc lấy phiếu đầu tiên trong lịch sử Quốc hội đã kết thúc khá thành công, khi đúng như sự chấm điểm từ cử tri, những lĩnh vực mà nhân dân thấy còn nhiều điểm chưa hài lòng nhất, thì tư lệnh của ngành đó, có số lượng lá phiếu “tín nhiệm thấp” nhiều nhất. 

Quốc hội nhiệm kỳ khóa 13 cũng chứng kiến lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội, có tới 3 ủy viên Bộ Chính trị có mặt trong bộ máy lãnh đạo, gồm Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, và Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân - người được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị tại hội nghị Trung ương 7, tháng 5/2013.

Tại khóa 13, cũng ngày càng có nhiều hơn đại biểu tự vấn về trách nhiệm của mình cũng như của cả Quốc hội trước các vấn đề quốc kế dân sinh.

Gần 15 năm có mặt ở Nghị trường, đại biểu Dương Trung Quốc là người đầu tiên mở màn cho “phong trào” tự vấn này, khi tại phiên thảo luận kinh tế xã hội hồi Kỳ họp thứ 6, tháng 11/2013.

Ông nói: “Quốc hội và đại biểu Quốc hội luôn tự cho mình vô can trong những sai phạm của bộ máy hành pháp”

“Nhưng lòng tin của nhân dân vẫn đòi hỏi Quốc hội chúng ta phải cẩn trọng hơn nữa, không phải là bó tay Chính phủ mà ủng hộ Chính phủ bằng chính trách nhiệm của mình”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng luôn nhấn mạnh rằng trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội thì không phải Quốc hội “đề nghị” Chính phủ làm, mà là “yêu cầu” Chính phủ làm.

Một trong những công việc nổi bật và để lại ấn tượng sâu sắc của sự ủng hộ Chính phủ bằng chính trách nhiệm của mình mà Quốc hội khóa 13 làm được, đó là minh bạch hóa nợ công, cũng như làm rõ được thực trạng của túi tiền quốc gia.

Kỳ họp thứ 8, tháng 11/2014 đã trở thành kỳ họp “thu hoạch” được nhiều nhất từ trước đến nay các báo cáo về nợ công và đi cùng với đó là sự đăng đàn giải trình của cả Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. 

Hay trong việc sửa đổi Hiến pháp, Quốc hội khóa 13 cũng đã làm được tròn sứ mệnh, mặc dù, khi mới bắt tay vào công việc này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhiều băn khoăn vì “sửa đổi Hiến pháp là việc trọng đại mà tác động của nó có thể thúc đẩy hoặc cản trở bước tiến của lịch sử, hậu thế sẽ đánh giá Quốc hội khóa 13 đã làm gì để thúc đẩy chứ không cản trở sự phát triển của dân tộc”.

Nhưng Quốc hội khóa 13 cũng để lại những khoảng trống buồn.

Đi vào những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ này, Quốc hội không bao giờ còn gặp lại đại biểu Nguyễn Bá Thanh, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, người luôn được nhớ tới với những phát biểu đầy chất “lửa”.