15:15 18/03/2024

Nhiều sai phạm bị xử lý, doanh nghiệp thẩm định giá sợ rủi ro không dám định giá đất

Ánh Tuyết

Nhiều đại biểu Quốc hội phản án tình trạng một số công ty thẩm định giá sai phạm, cố ý thông đồng, câu kết làm sai lệch kết quả thẩm định giá. Sau khi xử lý sai phạm, doanh nghiệp thẩm định giá lại sợ rủi ro, từ chối thẩm định giá đất...

Theo Bộ trưởng, nhiều quy định mang tính "rào cản" khi cấp phép doanh nghiệp được ban hành trong Luật Giá 2023, song cốt lõi phải nâng được chất lượng và năng lực của thẩm định viên.
Theo Bộ trưởng, nhiều quy định mang tính "rào cản" khi cấp phép doanh nghiệp được ban hành trong Luật Giá 2023, song cốt lõi phải nâng được chất lượng và năng lực của thẩm định viên.

Phát biểu tranh luận tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc ngày 18/3, đại biểu Tạ Văn Hạ, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, cho rằng trong thời gian qua, các công ty thẩm định giá không những có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế mà ngay trong các vụ án sai phạm vừa qua nổi lên vai trò của công ty thẩm định giá, trong đó, nhiều công ty tiếp tay dìm giá hoặc nâng giá tài sản. 

THẨM ĐỊNH GIÁ TIẾP TAY, SAI PHẠM TĂNG NÓNG

Theo đại biểu, có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân quan trọng là thời gian qua, các doanh nghiệp thẩm định giá gia tăng quá nóng về số lượng, đạo đức nghề nghiệp có vấn đề, dẫn đến việc tiếp tay và sai phạm. 

"Tuy nhiên, sau khi xử lý sai phạm, doanh nghiệp thẩm định giá lại không dám làm cho nên gây khó khăn trong hoạt động của nền kinh tế", ông Hạ cho biết.

Đại biểu Tạ Văn Hạ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Quochoi.vn.
Đại biểu Tạ Văn Hạ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Quochoi.vn.

Khẳng định vai trò của doanh nghiệp thẩm định giá rất quan trọng, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ Tài chính và giải pháp khắc phục được những hạn chế trên trong thời gian tới, đảm bảo doanh nghiệp hoạt động bình thường, không ảnh hưởng đến hoạt động của nền kinh tế.

Tham gia chất vấn tại phiên họp, đại biểu Trần Thị Thanh Hương, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, cho biết còn tình trạng một số dịch vụ thẩm định giá sai phạm trong việc cố ý thông đồng, câu kết làm sai lệch kết quả thẩm định giá.

Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Hồ Đức Phớc có giải pháp nhằm tăng cường quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng hoạt động thẩm định giá. Qua đó, góp phần củng cố, nâng cao niềm tin của người dân đối với lĩnh vực này. 

Trả lời chất vấn đại biểu, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, cả nước chỉ có mấy trăm công ty thẩm định giá. Bộ Tài chính cũng quản lý rất chặt chẽ quy trình thi chứng chỉ đối với thẩm định viên. Những sai phạm trong thời gian qua chủ yếu do thẩm định viên cố tình làm sai.

Bộ trưởng lấy ví dụ về giá đất, thẩm định giá chủ yếu áp dụng theo phương pháp thặng dư dựa trên việc ước tính, giả định dữ liệu đầu vào, đầu ra nên dễ sai lệch. Khi tham số khác nhau, xảy ra sai phạm, cơ quan thẩm định giá cũng phải chịu trách nhiệm.

Chẳng hạn, một ngôi nhà hình thành tài sản trong tương lai, khi thẩm định giá ước tính 20 triệu đồng/m2, khi bán thực là 25 triệu/m2, chênh lệch 5 triệu thì kết quả định giá là sai, cơ quan thảm định giá phải chịu trách nhiệm.

Do vậy, nguyên nhân một phần do quy định của pháp luật nhưng cũng có một phần nguyên nhân do cán bộ cố tình làm sai. Nếu làm sai thì cần xử lý kỷ luật hoặc xử lý hình sự.

NGĂN TÌNH TRẠNG THAO TÚNG, BIẾN DOANH NGHIỆP THẨM ĐỊNH GIÁ THÀNH CÔNG CỤ

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hương về giải pháp xử lý khi thẩm định giá sai phạm, Bộ trưởng khẳng định, tại Luật Giá năm 2023 khắc phục những tồn tại hạn chế của Luật Giá năm 2012 với nhiều nội dung mới ngằm ngăn chặn tình trạng kê khai giá không chính xác, phát hành thẩm định giá khống, tình trạng cấu kết của thẩm định viên với đối tác để nâng giá...

Liên quan về những điểm mới trong Luật Giá năm 2023, chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính, đại biểu Nguyễn Đại Thắng, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên, nêu rõ để nâng cao chất lượng thẩm định giá, luật bổ sung một số nội dung mới về rào cản kỹ thuật gia nhập thị trường của doanh nghiệp như nâng số lượng thẩm định viên từ 3 lên 5, quy định về tỷ lệ vốn điều lệ…

"Tuy nhiên, nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngờ về hiệu quả của quy định nêu trên vì nâng được lượng chưa chắc nâng được chất", đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên đặt vấn đề.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng lý giải về tình trạng doanh nghiệp bị đình chỉ và thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá có xu hướng tăng nhanh, từ đó, cho biết nguyên nhân và giải pháp thời gian tới khắc phục tình trạng này. 

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên, nêu tình trạng doanh nghiệp bị đình chỉ và thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ thẩm định giá tăng nhanh.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên, nêu tình trạng doanh nghiệp bị đình chỉ và thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ thẩm định giá tăng nhanh.

Liên quan đến vấn đề thẩm định giá, đại biểu Hoàng Đức Thắng, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp căn cơ và có kiến nghị với Chính phủ để tạo sự chuyển biến căn bản nhằm nâng cao năng lực, trình độ, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ thẩm định viên cũng như nâng cao chất lượng cấp quản lý thẻ thẩm định viên về giá trong điều kiện hiện nay. 

Trả lời câu hỏi chất vấn về chất lượng thẩm định giá, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết theo quy định, các chi nhánh của công ty thẩm định giá phải tăng từ 2 - 3 người. Về số vốn góp, trường hợp thành viên góp vốn hoặc cổ đông là tổ chức, người đại diện theo ủy quyền của của tổ chức góp vốn phải là người có thẻ thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề thẩm định giá tại doanh nghiệp; tổng phần vốn góp của các thành viên là tổ chức không quá 35% vốn điều lệ. 

Còn tổng số vốn góp của các thành viên hoặc cổ đông là người có thẻ thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề thẩm định giá tại doanh nghiệp phải chiếm trên 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng, vừa qua chưa có trường hợp các công ty thẩm định giá bị các cổ đông chi phối để thực hiện hành vi sai trái.

Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng thẩm định giá, việc thực hiện kiểm tra chéo, siết chặt quản lý, nâng cao tiêu chuẩn là cần thiết.

"Đây cũng là một trong nhiều nội dung để đảm bảo chất lượng thẩm định giá; đồng thời, dự phòng trường hợp các công ty không có chức năng thẩm định giá nhưng bỏ tiền để trở thành cổ đông chính trong công ty thẩm định giá, để biến công ty thẩm định giá thành công cụ, làm mất tính độc lập trong hoạt động thẩm định giá", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, công ty thẩm định giá là công ty kinh doanh có điều kiện, hoạt động trong lĩnh vực có chuyên môn sâu. Điều đó đòi hỏi những người giỏi chuyên môn phải làm nghề nên các cổ đông đó phải chiếm trên 50%, đó là một giải pháp.

Tuy nhiên, muốn thực hiện đúng phải bắt đầu từ chất lượng, năng lực của thẩm định viên, phương tiện, thiết bị của thẩm định viên, phương pháp công tác, đạo đức, phẩm chất của thẩm định viên.

Bộ Tài chính sẽ thường xuyên cập nhật về mặt công nghệ, hoàn thiện về mặt pháp luật, thường xuyên đào tạo, đào tạo lại, thi chứng chỉ, thực hiện kiểm tra theo đúng chức năng, vai trò của Bộ.

Khẳng định vấn đề thẩm địnhh giá liên quan đến con người, luật pháp và công nghệ, trong đó, con người là quan trọng nhất, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định Bộ Tài chính sẽ tăng cường năng lực, đạo đức, công tác tuyên truyền, vận động thuyết phục, kiểm tra, thanh tra, đào tạo và cấp chứng chỉ...