17:07 29/02/2024

Những bác sỹ ghi danh Việt Nam bản đồ nhi khoa thế giới

Hoài Phương

Với sự tiến bộ vượt bậc của y học trong nước, các bác sỹ Việt Nam đã làm chủ nhiều kỹ thuật cao, thu hút người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài cũng như người nước ngoài đến Việt Nam điều trị những ca bệnh khó...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Năm 2023 đánh dấu nhiều thành tựu trong khám chữa bệnh ở Việt Nam khi các bác sĩ làm chủ những kỹ thuật mới như ghép gan bất đồng nhóm máu cho trẻ lớn, pha chế thành công thuốc phóng xạ mới hay nuôi thành công bé sơ sinh chỉ 400g... Từ những cuộc hội chẩn - phẫu thuật xuyên biên giới đến mỗi cuộc co kéo với tử thần giành lấy sự sống cho bệnh nhân, tất cả đều là hành trình khẳng định tài năng và y đức của ngành y tế Việt Nam.

MỔ NỘI SOI ỐNG MẬT CHỦ

Tháng 10/2023 một gia đình người Úc (hiện đang sinh sống tại Bali, Indonesia) phát hiện con gái 4 tuổi của mình bị nang ống mật chủ. Lo lắng cho con gái, gia đình đã đưa cô bé đến nhiều bệnh viện lớn nhỏ ở nhiều khác như Úc, Singapore, Pháp... và được các bác sĩ tư vấn phương pháp điều trị là mổ mở. 

Thế nhưng, cha của bé gái vẫn luôn tìm kiếm một phương pháp nào đó ít xâm lấn hơn vì thương con còn quá nhỏ. Tình cờ, người cha này đã đọc được một bài báo của PGS.TS Trần Ngọc Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật Nhi, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) về kỹ thuật mổ nội soi một lỗ điều trị nang ống mật chủ nên quyết định gửi email cho PGS Sơn để trao đổi về tình trạng con gái mình.

Sau khi được bác sỹ Sơn giải thích, ông Warren đã quyết định cả gia đình bay sang Việt Nam và đăng ký mổ cho con gái tại Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Chính PGS.TS Trần Ngọc Sơn cũng là người phẫu thuật viên chính của ca mổ này.

Cũng giống như hơn 300 ca phẫu thuật khác trên trẻ em Việt Nam, ca mổ cho bệnh nhi nước ngoài đã thành công ngoài mong đợi của gia đình. Sau mổ 7 ngày, cháu bé đã được xuất viện, trở về nước. Bệnh nhi phục hồi nhanh và vài ngày sau đã có thể chạy nhảy.

Gia đình bệnh nhi người Úc cùng đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.
Gia đình bệnh nhi người Úc cùng đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.

“Với một đứa trẻ, ca mổ mở sẽ là sang chấn rất lớn, khi thực hiện vết rạch dài 2/3 khoang bụng, cắt qua nhiều cơ rất đau đớn, khiến quá trình phục hồi chậm và tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng", bác sỹ Sơn nói. “Còn với mổ nội soi một lỗ, không gian quá chật hẹp, các thao tác tay phải tính toán kỹ và đạt độ chính xác từng milimet. Chỉ cần chệch vài ly, dụng cụ đã chạm vào nhau, kẹt cứng".

Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, kỹ thuật khâu nối ở nội soi thông thường đòi hỏi các phẫu thuật viên rất lành nghề mới có thể thực hiện. Với nội soi một lỗ, khâu nối khó hơn rất nhiều và cũng chính là một trong những thử thách "khó nhằn" nhất. Ca phẫu thuật nội soi một lỗ nang ống mật chủ đầu tiên do ông trực tiếp đứng mổ kéo dài đến 6 tiếng. Tuy nhiên, chỉ sau 10 - 15 ca, thời gian mổ rút xuống đáng kể và sau đó chỉ bằng thời gian mổ nội soi 4 lỗ thông thường.

Bác sĩ Sơn cùng các đồng nghiệp đã có báo cáo tại Hội nghị quốc tế về phương pháp phẫu thuật nội soi một lỗ điều trị u nang ống mật ở trẻ em. Báo cáo này đã gây tiếng vang lớn, được giới y khoa đánh giá cao và ghi nhận Việt Nam là một trong hai nơi trên thế giới đi đầu về phương pháp phẫu thuật này.

Đây là ca mổ đặt ra nhiều thách thức cho bác sĩ phẫu thuật, đòi hỏi bác sĩ phải có kỹ năng thao tác dụng cụ rất chuyên nghiệp.
Đây là ca mổ đặt ra nhiều thách thức cho bác sĩ phẫu thuật, đòi hỏi bác sĩ phải có kỹ năng thao tác dụng cụ rất chuyên nghiệp.

Cho đến nay, ông đã có hơn 100 lượt báo cáo kỹ thuật trên thế giới về phương pháp mổ nội soi, trong đó có nhiều báo cáo về phương pháp nội soi một lỗ trên nang ống mật chủ. "Tới đây, chúng tôi chuẩn bị báo cáo thế giới công trình nghiên cứu thứ 4 về phẫu thuật nội soi một lỗ điều trị thoát vị bẹn", bác sĩ Sơn tiết lộ.

THÀNH TỰU Y KHOA VIỆT NAM

Ngày 26/2 vừa qua, Giải thưởng Thành tựu y khoa Việt Nam 2023 do Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM và Sở Y tế TP.HCM phối hợp tổ chức chính thức vinh danh 12 thành tựu được đánh giá mang lại giá trị tích cực vì sức khỏe cộng đồng. Đây là năm thứ 4 liên tiếp giải thưởng được tổ chức nhằm tri ân, vinh danh giá trị khoa học và những cống hiến của đội ngũ thầy thuốc vì sức khỏe cộng đồng.

Trong 12 thành tựu được vinh danh, kỹ thuật thông tim trong bào thai được đặc cách (đáng ra năm 2024) và đạt được giải thưởng vì chuyên môn kỹ thuật sâu, lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam vào tháng 1/2024. Chia sẻ tại lễ vinh danh, TS.BS Đỗ Nguyên Tín, Trưởng Đơn vị Can thiệp tim mạch, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết ê kíp đã cùng nhau nỗ lực, cố gắng trong suốt thời gian dài để đạt được thành công này, bởi đây là kỹ thuật phức tạp.

Hình ảnh trong buổi thông tim can thiệp xuyên tử cung mẹ cứu sống thai nhi mắc bệnh tim bẩm sinh nặng.
Hình ảnh trong buổi thông tim can thiệp xuyên tử cung mẹ cứu sống thai nhi mắc bệnh tim bẩm sinh nặng.

Được đồng nghiệp quý là “bàn tay vàng” trong giới can thiệp tim bẩm sinh, TS Đỗ Nguyên nhấn mạnh: "Sự thành công của ca thông tim không phải ngẫu nhiên, mà phải chuẩn bị đường đi nước bước rất kỹ lưỡng và sau cùng là sự phối hợp nhịp nhàng, đảm bảo chính xác tuyệt đối lúc ca mổ diễn ra". Thông van tim bào thai là giấc mơ ấp ủ suốt nhiều năm qua của TS Tín cùng đồng nghiệp, khi ông chứng kiến các chuyên gia quốc tế đã luồn cây kim nhỏ xíu xuyên tử cung đi vào bào thai để đưa ống thông vào thông tim. TS Tín quyết tâm học hỏi kỹ thuật rất khó này.

Cho đến tháng 1 vừa qua, TS Tín cùng ê kíp lần đầu thông tim bào thai thành công, ghi lại dấu son ngành y tế khi đây là ca thông tin đầu tiên tại Việt Nam nói riêng và Đông Nam Án nói chung. Sáng 29/2, tại Bệnh viện Từ Dũ, em bé thứ hai tại Việt Nam được thông tim bào thai cũng đã chào đời an toàn, sau hơn 1,5 tháng được sửa dị tật tim bào thai. Em bé mắc dị tật hẹp van động mạch chủ bẩm sinh. Các bác sĩ quyết định đón bé chào đời sớm, bởi dự liệu nếu đợi đủ 38 tuần thai hoặc lâu hơn thì tình trạng tim của bé không tốt. May mắn, khi lọt lòng mẹ, bé hồng hào, khóc to, tự thở khí trời, không cần phải hỗ trợ hô hấp, chưa phải can thiệp gì thêm.

Cùng lúc em bé thông tim thứ hai chào đời, ê kíp hai bệnh viện cũng phối hợp nong van tim cho bào thai thứ ba. Trường hợp thứ ba này đang ở tuần thai 26, hẹp van động mạch phổi. Còn trường hợp em bé đầu tiên chào đời sau gần một tháng thông tim bào thai, sau đó trải qua một lần nong van tim hẹp, sửa triệt để dị tật tim bẩm sinh, nay đã khỏe mạnh xuất viện.

TS.BS Đỗ Nguyên Tín cùng ekip vui mừng khi ca thông tim bào thai thành công.
TS.BS Đỗ Nguyên Tín cùng ekip vui mừng khi ca thông tim bào thai thành công.

Thăm Bệnh viện Nhi đồng 1 mới đây, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng ghi nhận thành công ca thông tim bào thai là biểu hiện tinh thần dám nghĩ dám làm, vì sinh mệnh và sức khỏe của trẻ. Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho rằng đây là kỹ thuật rất phức tạp, đòi hỏi trình độ chuyên môn và sự phối hợp cao, mới chỉ được thực hiện thành công ở một số ít quốc gia có hệ thống y tế chuyên sâu phát triển. Bộ trưởng mong muốn các y bác sĩ tiếp tục phấn đấu đưa Việt Nam trở thành một trong những địa chỉ tin cậy của thế giới về kỹ thuật can thiệp dị tật tim bẩm sinh bào thai.