10:44 10/11/2009

Quốc hội có thể ra nghị quyết về giám sát tập đoàn

Nguyên Hà

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về việc ra nghị quyết về vấn đề giám sát tập đoàn

Quốc hội thảo luận về kết quả giám sát tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.
Quốc hội thảo luận về kết quả giám sát tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về việc ra một nghị quyết về vấn đề giám sát, sử dụng chính sách pháp luật trong việc quản lý vốn và tài sản Nhà nước trong các tập đoàn và tổng công ty.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đã phát biểu như trên khi kết thúc phiên giám sát tối cao của Quốc hội về tập đoàn, tổng công ty ngày 9/11. Theo Phó chủ tịch, ý kiến của đại biểu sẽ là cơ sở để xây dựng một dự thảo nghị quyết và trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp này.

Phần thảo luận, một số đại biểu cũng đã “tha thiết đề nghị” Quốc hội thông qua nghị quyết về vấn đề này, vì “đây là một vấn đề rất quan trọng mà cử tri và nhân dân cả nước rất quan tâm”.

Kết thúc một ngày thảo luận về kết quả giám sát tập đoàn, tổng công ty đã có 34 đại biểu Quốc hội, trong đó có 2 vị bộ trưởng, phát biểu ý kiến. Vị đại biểu cuối cùng đăng ký và cũng là người duy nhất không được phát biểu do hết thời gian là Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng.

“Chúng tôi đề nghị đại biểu Hồ Nghĩa Dũng cũng sẽ có tham gia vào trong quá trình trả lời chất vấn tại phiên họp chất vấn và bằng các hình thức khác để thông báo ý kiến đến các vị đại biểu Quốc hội”, Phó chủ tịch Nguyễn Đức Kiên nói.

Vốn Nhà nước: 30 hay 210 tỷ?

Trong suốt một ngày thảo luận, con số 30 tỷ Đô la tổng vốn Nhà nước đầu tư vào các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã khiến nhiều vị đại biểu đề nghị cần có riêng một luật để quản lý.

Tuy nhiên, phát biểu chiều qua, Tiến sỹ Mai Xuân Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đưa ra con số gấp... 7 lần.

Theo phân tích của đại biểu này, với cách tính hiện nay và theo cơ chế thị trường, sau khi thị trường chứng khoán ra đời và các doanh nghiệp Nhà nước đổi mới thông qua việc đấu giá lên sàn chứng khoán thì thông thường tăng gấp 2,7 đến 3,5 lần về tổng tài sản Nhà nước.

“Như vậy ước tính thông qua con đường vốn hóa mà xếp sắp doanh nghiệp sớm, nhanh được thì rõ ràng hiện nay vốn Nhà nước, tài sản Nhà nước ở hơn 90 tập đoàn và tổng công ty này phải trên 4 triệu tỷ, tôi đang tính tương đương gấp 3 lần, tức là tương đương với 210 tỷ Đô la”, đại biểu Hùng quả quyết.

Từ đó, đại biểu Hùng cho rằng, phần hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước đang đánh giá trên vốn chủ sở hữu hiện nay là tương đương với khoảng12% bình quân. Nhưng nếu như tính theo tổng tài sản mà chúng ta đánh giá được thì lợi nhuận không phải là 12% mà lợi nhuận chỉ đạt được 0,5% cho đến 1,5% trên tổng tài sản. Bởi vì các doanh, nghiệp tư nhân, các nhà đầu tư nước ngoài khi vào doanh nghiệp Việt Nam hay kinh doanh tại bất cứ thị trường nào trên thế giới thì tất cả lợi nhuận người ta được đánh giá trên tổng tài sản người ta đầu tư vào doanh nghiệp đó.

Cũng theo đại biểu Hùng, vấn đề khó của đoàn giám sát của Quốc hội là hiện nay chưa đánh giá được tổng tài sản mà đã giao cho các doanh nghiệp Nhà nước nói chung. “Chúng tôi cũng biết điều này mà chúng tôi không thể làm được”, đại biểu Hùng nói.

Ông Hùng cho rằng, phải làm sao để toàn bộ tài sản của Nhà nước phải thực sự trở thành vốn của Nhà nước được đưa vào tập đoàn, tổng công ty giống như các nhà đầu tư, giống như các doanh nghiệp tư nhân.

Chấn chỉnh đầu tư ngoài ngành

“Gói” lại nội dung giám sát, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên  nhấn mạnh một số nội dung được các đại biểu tập trung thảo luận.

Theo đó, việc đánh giá hiệu quả hoạt động của tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải được xem xét một cách toàn diện, đó là hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội. Trong đó hiệu quả góp phần vào ổn định vĩ mô về kinh tế, xã hội là rất quan trọng lúc bình thường cũng như trong điều kiện khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay.

Tuy nhiên, xét về hiệu quả kinh tế, ngoài chỉ tiêu lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cần xem thêm chỉ tiêu lợi nhuận trên tổng số vốn đầu tư kinh doanh trong điều kiện giá cả còn dừng ở mức cao trong điều kiện vốn chủ sở hữu Nhà nước ít, vốn vay nhiều, trong quan hệ giữa các khoản nợ phải thu và nợ phải trả.

Về quan hệ và hệ số an toàn vốn phải có sự phân biệt trong từng ngành, từng lĩnh vực. Việc thực hiện một số nhiệm vụ chính trị của Nhà nước để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống nhân dân ổn định vĩ mô... Do đó phải có tiêu chí đồng bộ, rõ ràng để đánh giá kết quả hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước trong đó có các tập đoàn và tổng công ty.

Cũng theo Phó chủ tịch, về mặt pháp luật cũng như trong thực tế cần xác định rõ ràng giữa chức năng hành chính của Nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và trách nhiệm của người trực tiếp đại diện chủ sở hữu vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp để vừa quản lý vốn và tài sản Nhà nước có hiệu quả cao, vừa tôn trọng tính năng động, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước hoạt động đa ngành là cần thiết nhưng trong đó phải xác định ngành chính, nhiệm vụ chính, việc mở ra ngành khác phải được lựa chọn kỹ phù hợp với thực lực và khả năng quản lý của mình trong đó có sự định hướng của Nhà nước với tư cách Nhà nước là một nhà đầu tư vốn nói riêng và nguồn lực của Nhà nước nói chung.

"Từ thực tế vừa qua, cần sớm chấn chỉnh theo hướng này để tập đoàn tổng công ty Nhà nước phát triển bền vững đầu tư kinh doanh có hiệu quả, bảo toàn và phát triển được vốn của Nhà nước", Phó chủ tịch nói.