10:00 11/04/2024

Sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chuyển đổi theo hướng xanh, giảm phát thải

Chu Khôi

Trong sản xuất nông nghiệp ngày nay, các doanh nghiệp cần thể hiện vai trò dẫn dắt các chuỗi nông sản đi theo hướng nông nghiệp xanh, an toàn và giảm phát thải. Các doanh nghiệp sản xuất phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đã bước đầu nghiên cứu công nghệ mới để chuyển đổi sản xuất “xanh hơn”, giảm phát thải từ phân bón sản xuất phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học…

Các tiến bộ nông nghiệp đã giúp nông dân sử dụng chính xác chủng loại và lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Các tiến bộ nông nghiệp đã giúp nông dân sử dụng chính xác chủng loại và lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Chiều 9/4/2024, Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp đồng hành cùng nhà nông phát triển nông nghiệp bền vững năm 2024.

DOANH NGHIỆP ĐÓNG VAI TRÒ QUAN TRỌNG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP XANH

Phát biểu tại diễn đàn, ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho biết trong 3 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 13,53 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước. Để có được kết quả đó, Doanh nghiệp đã và đang đóng vai trò hết sức quan trọng trong chuỗi giá trị ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Tuy nhiên, ông Hồ Xuân Hùng cho rằng trên thực tế tính đến cuối năm 2023, cả nước có khoảng trên 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, so với tổng số trên 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động ở nước ta thì đây là một con số khá khiêm tốn.

“Phải chăng do cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn không đủ mạnh, cách huy động, kêu gọi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chưa thật sự tốt nên vẫn chưa có sức hấp dẫn, cuốn hút doanh nghiệp. Sự gắn kết giữa doanh nghiệp với nhà nông còn chưa thật sự tốt, người nông dân vẫn bị động từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm”, ông Hồ Xuân Hùng nêu câu hỏi.

Ông Hồ Xuân Hùng: "Doanh nghiệp đã và đang đóng vai trò hết sức quan trọng trong chuỗi giá trị ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn".
Ông Hồ Xuân Hùng: "Doanh nghiệp đã và đang đóng vai trò hết sức quan trọng trong chuỗi giá trị ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn".

TS. Trần Gia Long, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết cơ cấu các lĩnh vực nông nghiệp đang có sự chuyển dịch nhanh. Trong đó, trồng trọt đã giảm tỷ trọng từ 56,9% năm 2011 xuống 43% năm 2023; trong khi thủy sản tăng từ 18,07% lên 22,11%; chăn nuôi từ 19,6% năm 2011 lên 25,2% năm 2023.

Sản xuất nông nghiệp hướng tới sản xuất bền vững, tăng cường áp dụng tiêu chuẩn sản xuất an toàn, bền vững góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm; công nghệ chế biến nhiều ngành hàng ngang trình độ khu vực và quốc tế.

“Các xu thế sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp giảm phát thải, nông nghiệp tuần… đang phát triển mạnh mẽ. Do đó, các doanh nghiệp cần thể hiện vai trò dẫn dắt các chuỗi nông sản đi theo hướng nông nghiệp xanh, an toàn và giảm phát thải”, ông Long nhấn mạnh.

TS Phùng Hà, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cho hay nông nghiệp bị ảnh hưởng bới biến đổi khí hậu, nhưng cũng là ngành phát sinh các khí gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ hai sau ngành năng lượng. Các loại khí nhà kính phát thải chính trong nông nghiệp gồm N2O, CH4 và CO2… đóng góp khoảng 13,5% tổng lượng phát thải.

 

"Các sản phẩm phân bón lá (PBL) chứa K, Ca, Mg, Si giúp cây tăng đề kháng, tăng khả năng chịu hạn, chịu căng thẳng do mặn, làm cứng cây, không bị đỗ ngã. Trong nhiều sản phẩm phân bón đã bổ sung các acid amin để tăng tính chống chịu của cây trồng đối với mặn".

TS Phùng Hà, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam.

Phát thải N2O chiếm 32% lượng phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp, chủ yếu do sử dụng phân đạm urea dư thừa. Khí CH4 phát sinh từ hoạt động canh tác lúa và sử dụng đất, từ hệ tiêu hóa của động vật nhai lại (trâu, bò, cừu, dê) trong quá trình lên men ở ruột. Khí CO2 từ đốt nhiên liệu cho máy móc hoạt động trong quá trình làm đất, gieo trồng, thu hoạch…

Theo ông Phùng Hà, các doanh nghiệp sản xuất phân bón đã có các biện pháp giảm đáng kể lượng khí thải carbon trong sản xuất và liên tục nỗ lực để cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng. Một số công ty phân bón đã bước đầu thực hiện các phương pháp sản xuất phân bón “xanh hơn”. Đó là, phát triển rộng rãi của các dạng phân bón đặc biệt như phân bón phân giải/tan chậm, kiểm soát phân giải để giúp tăng sự hấp thu phân bón của cây trồng, đồng thời giảm tác hại đến môi trường.

Cùng với đó, quản lý dinh dưỡng cây trồng, thúc đẩy sự kết hợp tốt hơn giữa các nguồn phân bón hữu cơ có sẵn tại địa phương như phân chuồng và phân ủ (compost) với phân khoáng. Đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển ammoniac xanh, hóa học xanh; tập trung vào phương thức quản lý, điều chỉnh thành phần dinh dưỡng theo nhu cầu của cây trồng nhằm giảm thất thoát ra môi trường…

GIẢI PHÁP GIẢM SỰ ĐỘC HẠI CỦA THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Sản xuất Kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam, cho biết chuyển đổi sử dụng từ thuốc bảo vệ thực vật hóa học sang các loại thuốc trừ sâu bệnh sinh học là một trong những giải pháp của nông nghiệp xanh. Một số chế phẩm chứa các hoạt chất azadirachtin, matrine, rotenone dùng để phòng trừ bọ trĩ và một số sâu hại khác trên lúa, rau, cây ăn quả, chè và nhiều cây trồng khác đã được đăng ký.

Tuy nhiên, sản phẩm hóa sinh có tính chất sinh học được đăng ký chưa nhiều. Phát triển thuốc bảo vệ thực vật sinh học vẫn còn nhiều khó khăn, do Nhà nước chưa có chính sách phù hợp và đủ mạnh để khuyến khích nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

 

"Năm 2019, thị trường thuốc bảo vệ thực vật sinh học Việt Nam ước tính đạt giá trị 30,7 triệu USD; năm 2024 dự tính sẽ đạt 65,7 triệu USD, mức tăng trưởng trên 16,4%/năm",

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Sản xuất Kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam.

Hơn nữa, thủ tục đăng ký các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật sinh học còn cồng kềnh, rườm rà, còn thiếu quy định cụ thể về yêu cầu kỹ thuật riêng cho các thuốc bảo vệ thực vật sinh học chuyên tính cao. Sử dụng thuốc bảo vện thực vật sinh học hiện vẫn có chi phí cao hơn thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Trong khi đó, chưa có sự gắn kết giữa cơ quan nghiên cứu và doanh nghiệp trong lĩnh vực phát triển thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

Từ thực tế trên, ông Nguyễn Văn Sơn khuyến nghị cần rà soát lại các thủ tục đăng ký, yêu cầu về chỉ tiêu chất lượng phù hợp với thực tế tại Việt Nam, tạo điều kiện phát triển thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

Đồng thời cần bổ sung chính sách hỗ trợ khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, phát triển nguồn nhân lực đủ mạnh để nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh hoạt.

Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại trên quy mô lớn, hạ giá thành sản phẩm để nông dân dễ tiếp nhận Hỗ trợ khuyến khích, các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, giảm lãi suất vay vốn đầu tư trang thiết bị nhà xưởng nghiên cứu sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

Ông Phan Huy Thùy – Phó giám đốc Maketing Công ty TNHH Thương Mại Kỹ Thuật Trường Thịnh (TTDRONE) cho hay trong những năm qua, các tiến bộ nông nghiệp chính xác đã cung cấp một loạt các công nghệ giúp nông dân sử dụng chính xác chủng loại và lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Trong đó, máy bay nông nghiệp là một sản phẩm công nghệ đã được ứng dụng rất rộng rãi, đã giúp giảm lượng thuốc trừ sâu sử dụng, giảm tác hại của hóa chất.  

Tuy nhiên theo ông Thùy, để sản phẩm được công nhận là sản phẩm dùng trong nông nghiệp, thì doanh nghiệp phải đem sản phẩm đó đi giám định ở một đơn vị độc lập để được xác nhận là máy bay dùng trong nông nghiệp. Nhưng lần nhập hàng tiếp theo cũng phải đem đi giám định nữa (quy định hiện nay là giám định theo lô hàng), trong khi hàng hóa cùng là sản phẩm như nhau, cùng mã hàng hóa. Do đó đề nghị Nhà nước thay đổi quy định, cho phép sản phẩm phải giám định một lần. Việc chỉ giám định một lần sẽ giúp cho doanh nghiệp hoạt động nhanh chóng và giảm chi phí.

Theo quy định, trong việc thông báo bay (hiệp đồng với cơ quan quản lý tại địa phương), cần phải liệt kê ra những địa điểm và thời gian dự kiến sẽ thực hiện dịch vụ. Tuy nhiên, đặc điểm của ngành trồng trọt là đôi khi có tính chất cấp thiết, lại khó dự đoán trước được sự phát sinh của dịch hại, nên việc phát sinh điểm bay nằm ngoài danh sách là dễ xảy ra.

“Một số địa phương (nhất là cấp huyện) thỉnh thoảng lại yêu cầu biểu mẫu riêng, khác biểu mẫu là không xem xét cấp phép. Doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước linh hoạt bỏ qua những vấn đề nhỏ (như là biểu mẫu), có thể nhắc nhở doanh nghiệp làm đúng hơn ở lần sau là được”, ông Thùy kiến nghị.