Thêm một nút thắt được gỡ bỏ, chứng khoán Việt Nam tiến gần hơn với nâng hạng
Trong kịch bản cơ sở, BSC Research dự báo thị trường chứng khoán Việt Nam có thể được MSCI xem xét đưa vào danh sách theo dõi Watch list trong tháng 6/2025 và FTSE Russell ra thông báo chấp thuận nâng hạng vào tháng 9 năm nay.

Ngày 18/05/2025, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 03/2025/TT-NHNN ngày 29/04/2025 quy định về việc mở và sử dụng tài khoản bằng đồng Việt Nam để thực hiện hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài. Thông tư số 03/2025/TT-NHNN sẽ có hiệu lực kể từ ngày 16/06/2025.
Như vậy, Bộ Tài chính đã phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước thay thế Thông tư số 05/2014/TT-NHNN ban hành ngày 12/03/2014 nhằm hiện thực hóa mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong 9 nhóm giải pháp và lộ trình Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đưa ra vào tháng 3/2025, cơ quan quản lý đã thực hiện đúng các cam kết với 7/9 giải pháp.
Cụ thể, 7/9 giải pháp đã được thực thi với nhóm liên quan Thông tư 68 gồm (1) room ngoại, (2) công bố thông tin, giải pháp NPF; nhóm giải pháp về chính sách (4) thành lập nhóm đối thoại và (5) sửa quy định về mở tài khoản FII; cũng như nhóm giải pháp về hạ tầng công nghệ (6) triển khai KRX và (7) vận hành hệ thống giao dịch tiếp điện tử giữa công ty chứng khoán và Ngân hàng lưu ký (STP).
Còn 2 giải pháp nữa là triển khai OTA và CCP. Với OTA, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước dự kiến sẽ triển khai tài khoản giao dịch tổng cho phép công ty quản lý quỹ thực hiện mua/bán đồng thời với tất cả các quỹ mà không phải thực hiện mua/bán riêng lẻ trên từng tài khoản, giúp công ty quản lý quỹ, nhà đầu tư nước ngoài đơn giản hóa việc đặt lệnh, thuận tiện hơn. Dự kiến sẽ triển khai trước tháng 8/2025.
Với CCP, dự kiến trong 2026 sẽ vận hành CCP. Các công việc cần triển khai trong tương lai: Thành lập công ty con chuyên trách CCP trực thuộc VSDC; Hoàn thiện quy trình thanh toán giữa VSDC với các thành viên thị trường và Ngân hàng Nhà nước trở thành thành viên bù trừ.

Theo BSC, việc hiện thực hóa Thông tư 03/2025/TT-NHNN và giải pháp OTA (Omnibus trading account) do Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước triển khai sẽ tạo thuận lợi lớn cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Nhìn lại lộ trình cải cách của Saudi Arabia, BSC Research nhận thấy Việt Nam đang từng bước hiện thực hóa từng bước các giải pháp để tiến gần hơn đế mục tiêu nâng hạng.
Trong kịch bản cơ sở, BSC Research dự báo thị trường chứng khoán Việt Nam có thể được MSCI xem xét đưa vào danh sách theo dõi (Watch list trong tháng 6/2025) và FTSE Russell ra thông báo chấp thuận nâng hạng vào tháng 9 năm nay.
Trước đó, hồi tháng 4, FTSE Russell vừa công bố báo cáo phân loại thị trường với việc giữ nguyên Việt Nam trong danh sách theo dõi nâng hạng từ thị trường cận biên (Frontier Markets) lên thị trường mới nổi loại 2 (Secondary Emerging Markets). Việt Nam đã nằm trong danh sách theo dõi nâng hạng từ tháng 9/2018 tới nay.
Theo đánh giá của FTSE Russell, Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được tiêu chí “Chu kỳ thanh toán (DvP)” và “Thanh toán – chi phí liên quan đến các giao dịch không thành công”. Cả hai tiêu chí này hiện đều được xếp hạng là “Hạn chế”.
Vào tháng 11/2024, các cơ quan quản lý thị trường Việt Nam đã triển khai mô hình không cấp vốn trước (Non Pre-funding - NPF), cho phép các công ty chứng khoán trong nước cung cấp cho các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài (FII) một mức vốn phù hợp để hỗ trợ lệnh mua chứng khoán của họ, qua đó loại bỏ yêu cầu cấp vốn trước đối với FII.
Với sự phát triển này, FTSE Russell tiếp tục theo dõi thị trường và tìm kiếm phản hồi từ các bên tham gia thị trường về mô hình NPF và việc quản lý các giao dịch thất bại.
FTSE Russell cho biết sẽ cung cấp cập nhật về tình trạng danh sách theo dõi của Việt Nam trong kỳ đánh giá tiếp theo vào tháng 9 năm 2025.
Theo Chứng khoán BSC, FTSE Russell phần lớn ra thông báo chấp thuận nâng hạng thị trường vào thời điểm tháng 9 hàng năm – mốc thời gian quan trọng trong việc đánh giá phân loại – với tổng cộng 21/25 lần cho 19 quốc gia ra thông báo trong 17 năm.