10:08 09/06/2010

Dự báo CPI tháng 6: Tăng 0,1% hay 0,35%?

Anh Quân

Chưa bao giờ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lại được “bình luận” sớm như tháng 6 này

Với mức giảm giá xăng dầu khoảng 3%, trong khi mặt hàng này chiếm khoảng 3,17% tổng chi tiêu của người dân, thì tác động trực tiếp làm giảm CPI khoảng 0,095% - Ảnh: Reuters.
Với mức giảm giá xăng dầu khoảng 3%, trong khi mặt hàng này chiếm khoảng 3,17% tổng chi tiêu của người dân, thì tác động trực tiếp làm giảm CPI khoảng 0,095% - Ảnh: Reuters.
Chưa bao giờ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lại được “bình luận” sớm như tháng 6 này. Từ ngày 26/5, đã có những nguồn tin cho biết, dự báo của Tổ điều hành thị trường trong nước trong buổi họp cùng ngày cho rằng, CPI tháng 6 sẽ chỉ tăng trong khoảng 0,1-0,2%.

Có thể, diễn biến khá ổn định của chỉ số giá trong những tháng gần đây khiến cơ quan quản lý “tự tin” hơn khi đưa ra dự báo? Tuy nhiên, cách đây vài ngày, một số trang báo mạng đã dẫn nguồn từ Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đưa nhận định, CPI tháng 6 sẽ tăng khoảng từ 0,3-0,35%.

Nhưng theo thông tin mới nhất VnEconomy nhận được, một lãnh đạo của Cục Quản lý giá vào ngày hôm qua, 8/6, cho biết, chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 dự kiến sẽ chỉ tăng khoảng 0,2-0,25%.

Đáng lưu ý, cùng ngày, Bộ Tài chính đã có công văn yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối giảm giá 200-500 đồng/lít (kg đối với dầu mazut) đối với các mặt hàng xăng dầu.

Với mức giảm giá xăng dầu khoảng 3% như trên (xăng giảm khoảng 3%, dầu diezen giảm 1,5%, dầu hỏa giảm 2% và dầu mazút giảm khoảng 4%), trong khi mặt hàng này chiếm khoảng 3,17% tổng chi tiêu của người dân, thì tác động trực tiếp làm giảm CPI khoảng 0,095%.

Nếu tính thêm tác động lan tỏa ở vòng sau thì chỉ giảm khoảng 0,4-0,5%, nhưng sẽ thể hiện chủ yếu vào CPI các tháng 7 và 8.

Trên thực tế, những con số thống kê và dự báo mới đây cũng cho thấy, tình hình giá cả đang khá ổn định. Ở chiều tác động quốc tế, giá hàng hóa xuất khẩu đã tăng bình quân 13% trong 5 tháng đầu năm; xuất khẩu tăng khoảng 8%, có một phần nguyên nhân do tỷ giá được điều chỉnh trong giai đoạn trước.

Tuy nhiên, nhiều mặt hàng đang trong xu hướng đứng giá và có thể giảm nhẹ trong tháng 6, đặc biệt là một số nhóm hàng nguyên, nhiên liệu nhập khẩu đầu vào sản xuất.

Với thị trường trong nước, sự ổn định giá cả có được nhờ tốc độ tăng trưởng khá tốt của khối sản xuất. Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, GDP quý 2 có thể tăng 6,2-6,3%; quý 3 có khả năng sẽ đạt khoảng 6,5-7%.

Nếu so với tốc độ tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán (M2) 7,8% và tín dụng 7,5% so với tháng 12/2009, quan hệ tiền - hàng đang khá cân đối.

Trong khi đó, chi phí đầu vào sẽ không còn tác động nặng nề lên giá cả hàng hóa như các tháng 3 và 4. Giá điện, nước tăng kể từ đầu tháng 3 sẽ không còn ảnh hưởng đến mặt bằng giá tháng 6; giá bán than, khí hóa lỏng dự báo sẽ ổn định trong thời gian tới; xăng dầu giảm giá liên tục 2 lần trong vòng hơn 10 ngày qua; lãi suất cũng đang trong xu hướng giảm…

Các phân tích của Tổ điều hành thị trường trong nước cho thấy, trong 12 mặt hàng trọng yếu trong rổ hàng hóa tính CPI, đa số sẽ ổn định về giá trong tháng 6.

Ở chiều tác động làm tăng giá hàng hóa tiêu dùng, các nhân tố như độ trễ chính sách tiền tệ, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, và tăng lương từ ngày 1/5 vẫn còn ảnh hưởng nhẹ đến chỉ số giá tháng này.

Trong khi đó, tiêu dùng đang có xu hướng tăng cao. Trong 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã tăng trên 27% so với cùng kỳ, mức cao nhất kể từ đầu năm. Nếu loại trừ yếu tố giá vẫn tăng khoảng 17%.

Trở lại với con số dự báo của vị đại diện Cục Quản lý giá nêu trên, nếu CPI tháng 6 tăng trong khoảng 0,2-0,25%, tốc độ tăng giá tiêu dùng có xu hướng giảm nhẹ so với mức tăng 0,27% của tháng 5, nhưng vẫn cao hơn mức 0,14% của tháng 4.

Nhưng dù nằm trong khoảng nào của các dự báo kể trên, CPI đang diễn biến khá ổn định, hỗ trợ niềm tin thị trường.

So với mức tăng chỉ số giá bình quân mỗi tháng cho 7 tháng còn lại là 0,5%, nếu chỉ tiêu cho CPI là 8%, thì tháng 6 đang “để dành” khá nhiều “không gian lạm phát” cho những tháng tới, được dự báo sẽ chịu áp lực lớn từ việc tăng tổng phương tiện thanh toán theo mục tiêu đề ra, áp lực từ tăng đầu tư và giải ngân vốn ngân sách, cũng như tăng chi cho sản xuất các tháng cuối năm…