02:26 02/04/2007

Giá cả tăng cao, thu nhập tăng chậm: Mối lo lớn

Đức Thọ

Trong khi mặt bằng thu nhập nói chung tăng rất chậm thì giá cả tiêu dùng và các mặt hàng thiết yếu vẫn bất ổn

Các sản phẩm "rau sạch" vẫn chưa phải là "đối tượng" cho người dân có thu nhập thấp - Ảnh: Việt Tuấn
Các sản phẩm "rau sạch" vẫn chưa phải là "đối tượng" cho người dân có thu nhập thấp - Ảnh: Việt Tuấn
Trong khi mặt bằng thu nhập nói chung tăng rất chậm thì giá cả tiêu dùng và các mặt hàng thiết yếu vẫn bất ổn.

Điều này đang trở thành một mối lo lớn, khi nó có những tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến đời sống của hàng triệu nông dân và những người làm công ăn lương khắp cả nước.

Theo báo cáo tổng hợp của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cử tri và nhân dân cả nước cũng đã gửi gắm mối quan ngại này đến kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XI.

Giá cả bất ổn

Báo cáo trước Quốc hội, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm, cho biết tình trạng bất ổn về giá cả, đặc biệt là tình trạng bấp bênh của giá nông sản đang khiến người nông dân gặp nhiều khó khăn, bị động trong sản xuất; nhiều loại sản phẩm năm trước được giá nhưng năm sau lại biến động ngược lại.

Tình trạng giá nông sản quá thấp, trong khi giá vật tư nông nghiệp quá cao dẫn đến người nông dân sản xuất không có lãi hoặc lãi rất thấp.

Nhiều chuyên gia đã nhận định, xu hướng tăng giá mạnh, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực – thực phẩm, đang ngày càng đe dọa trực tiếp đến mức sống của người dân có thu nhập thấp. Tính toán của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng CPI trong tháng 2/2007 đã tăng vọt với mức 2,17% so với tháng trước và chỉ “hạ nhiệt” vào tháng 3/2007 song mức giảm cũng chỉ ở mức khiêm tốn 0,22%.

Có thể nhận thấy rõ “mối nguy” kể trên từ một góc cạnh nhỏ trong đời sống thường nhật của người dân là chuyện mớ rau. Nếu như cách đây khoảng 2 năm, một mớ rau muống tại các chợ phường ở Hà Nội chỉ 500-700 đồng thì hiện nay, để mua được mớ rau như thế, người dân phải bỏ ra đến 1.500 đồng/mớ. Đó là với mặt hàng rau xanh không có “tem”, còn với rau an toàn, rau sạch thì mức giá dăm nghìn đồng/mớ rõ ràng không phải là “đối tượng” của nhiều người dân.

Thiếu việc làm, thu nhập thấp

Ngược lại, trong khi giá cả tăng vùn vụt thì thu nhập của người dân dù có tăng cũng không đáng kể. Đây chính là một trong những mối lo mà nhiều cử tri “gửi gắm” đến Quốc hội.

“Cử tri và nhân dân nhiều địa phương đã và đang rất bức xúc trước tình trạng giá cả các mặt hàng thiết yếu liên tục tăng, trong khi đó việc thực hiện lộ trình cải cách tiền lương còn chậm, việc tăng lương của cán bộ công chức và cán bộ hưu trí vẫn không đáp ứng đủ mức sống tối thiểu dẫn đến đời sống của người hưởng lương, người lao động gặp nhiều khó khăn”, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm nói.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu việc làm cho người lao động hiện nay đang diễn ra hết sức bức thiết, đặc biệt là đối với lao động nông thôn, lao động phải chuyển đổi nghề nghiệp do quá trình đô thị hoá và bị thu hồi đất để xây dựng khu công nghiệp...

Mức sống của người lao động tại các khu công nghiệp thấp, sinh hoạt văn hoá rất khó khăn; tình trạng đình công, tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng; nhiều nơi chưa có tổ chức Công đoàn để đại diện cho người lao động… cũng đang là một mối lo lớn.

Từ đó, cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ có chính sách bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu và giá các loại vật tư nông nghiệp, tạo điều kiện cho nông dân yên tâm sản xuất và cải thiện đời sống. Đồng thời Chính phủ cũng cần khẩn trương kiểm tra, chấn chỉnh về quy hoạch sử dụng đất và xây dựng các khu công nghiệp tập trung; có chiến lược đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập.