09:01 12/11/2011

Giá dầu thô lên gần 100 USD/thùng, vì sao?

Diệp Anh

Tính chung cả tuần qua, giá xăng quốc tế đã giảm 2,3%, trong khi dầu thô tăng 5% và đang hướng về mốc 100 USD/thùng

Dầu thô tiếp tục tăng giá mạnh, bất chấp dự báo lượng tiêu thụ thời gian tới yếu kém.
Dầu thô tiếp tục tăng giá mạnh, bất chấp dự báo lượng tiêu thụ thời gian tới yếu kém.
Với kết quả đêm qua (11/11) và trên bảng thanh toán điện tử sáng nay, giá dầu thô quốc tế tại New York đang tiến gần tới mốc 100 USD/thùng, bất chấp nhiều tổ chức năng lượng quốc tế đưa ra dự báo ảm đạm về triển vọng tiêu thụ xăng dầu thời gian tới.

Chốt phiên giao dịch ngày 11/11, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 12 trên sàn hàng hóa New York tăng 1,21 USD, tương ứng 1,2%, lên 98,99 USD/thùng. Trong phiên, có lúc giá dầu hợp đồng loại này vọt lên tới 99,59 USD/thùng, mức cao nhất kể từ hôm 26/7 tới nay.

Trên bảng thanh toán điện tử sáng nay (12/11), tính tới 8h30 phút, giá dầu kỳ hạn đang đứng ở 99,22 USD, tăng thêm 1,44 USD so với giá chốt ngày 11/11, tương ứng với mức tăng là 1,47%. Như vậy, giá dầu vượt qua ngưỡng kỹ thuật 100 USD/thùng có khả năng xảy ra trong tương lai gần.

Với mức tăng mạnh vài phiên gần đây, tính chung cả tuần qua, dầu thô New York đã tăng được 5%. Và đây là tuần tăng giá liên tiếp thứ 6 của mặt hàng này, bất chấp những nhận định u ám được các tổ chức năng lượng quốc tế đưa ra về triển vọng tiêu thụ xăng dầu.

Phiên hôm qua, giá dầu bật tăng mạnh là do hàng loạt yếu tố hỗ trợ. Trước hết là chỉ số niềm tin tiêu dùng Mỹ trong tháng 10, theo điều tra của Thomson Reuters và trường Đại học Michigan, đã tăng lên 64,2 điểm, vượt xa kỳ vọng trước đó của giới phân tích thị trường.

Yếu tố niềm tin tiêu dùng đã mang lại lạc quan nhiều hơn cho giới đầu cơ cổ phiếu, nâng các chỉ số chứng khoán Phố Wall bật tăng 2%. Việc các chỉ số trên "phong vũ biểu" của kinh tế Mỹ lên mạnh đã cộng hưởng, thúc đẩy giá các mặt hàng như dầu thô lên cao hơn.

Góp phần vào đà đi lên của thị trường dầu còn có thị trường trái phiếu chính phủ của Italy hạ nhiệt, sau khi Thượng viện nước này thông qua dự luật ổn định kinh tế đất nước, làm tăng những hy vọng về khả năng gánh nợ công ở nền kinh tế này có thể được kiểm soát.

Ngoài ra còn có sự đi xuống của đồng USD, một yếu tố rất quan trọng đối với các mặt hàng được thanh toán bằng loại tiền tệ này. Phiên cuối tuần, chỉ số đồng USD giảm khá mạnh xuống 76,949 điểm, từ mức 77.660 điểm trong phiên liền trước trên thị trường Bắc Mỹ.

Phiên liền trước, giá dầu thô cũng đã đảo chiều tăng mạnh khi các nhà đầu tư đón nhận hàng loạt thông tin lạc quan từ các nền kinh tế lớn nhất thế giới như Mỹ, Trung Quốc và châu Âu, cùng những dấu hiệu tích cực cho thấy Italy đang nỗ lực xoa dịu những lo lắng của thị trường.

Tại Mỹ, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần trước bất ngờ giảm xuống mức thấp nhất trong 7 tháng qua, trong khi thâm hụt thương mại trong tháng 9 vừa qua cũng thu hẹp lại. Hai thông tin này cho thấy kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu phục hồi thực sự.

Tại châu Âu, việc Hy Lạp chọn được thủ tướng mới và lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Italy giảm xuống dưới 7%, đã làm giảm bầu không khí nóng về vấn đề nợ công. Còn tại Trung Quốc, số liệu cho thấy lượng dầu nhập khẩu cũng tăng ngoài dự kiến.

Trái với kết quả giao dịch dầu thô, phiên cuối tuần, giá các loại năng lượng khác có sự đan xen. Cụ thể, giá xăng kỳ hạn giảm 3 xu, tương ứng 1,3%, xuống 2,60 USD/gallon, đưa mức giảm cả tuần lên 2,3%. Trong khi, dầu sưởi giao tháng 12 tăng 2 xu, lên 3,17 USD/gallon, đưa mức tăng cả tuần lên 3,3%.