08:20 09/05/2008

Giá theo thị trường, nhưng vẫn phải kiểm soát

Từ Nguyên

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trả lời báo giới trước những lo ngại giá cả sẽ “bùng nổ” sau thời điểm 1/6

"Khi tình hình lạm phát đã ổn định và có thể kiểm soát được ở mức độ nào đó thì Chính phủ sẽ phải có lộ trình trả lại giá thị trường. Chính phủ không thể bao cấp tràn lan như thế được vì ngân sách cũng có hạn."
"Khi tình hình lạm phát đã ổn định và có thể kiểm soát được ở mức độ nào đó thì Chính phủ sẽ phải có lộ trình trả lại giá thị trường. Chính phủ không thể bao cấp tràn lan như thế được vì ngân sách cũng có hạn."
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trả lời báo giới trước những lo ngại giá cả sẽ “bùng nổ” sau thời điểm 1/6.

Sẽ đưa giá trở lại giá thị trường


Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng, việc kiềm chế giá một số mặt hàng đến thời điểm 1/6 là trái với quy luật thị trường và nó sẽ tiềm ẩn nhiều vấn đề mà chúng ta không thể lường trước được?


Nền kinh tế của chúng ta vận hành theo cơ chế thị trường, trong đó quan trọng nhất là giá. Chính vì vậy, nếu phải bán dưới giá thành chẳng ai muốn sản xuất làm gì. Hiện nền kinh tế của chúng ta đang có dấu hiệu giá cả và lạm phát ngày một leo thang, nên buộc Chính phủ phải miễn cưỡng dùng biện pháp hành chính để kìm giá của một số nhóm, mặt hàng (mặc dù mặt bằng giá thế giới và trong nước đang tăng mạnh).

Tuy nhiên, Chính phủ cũng xác định việc kìm giá cũng không thể thực hiện được quá lâu bởi nếu như vậy sẽ trái với quy luật thị trường. Trong thời gian tới, nếu lạm phát được kìm chế ở một mức độ nhất định, chắc chắn Chính phủ sẽ xem xét để đưa giá các mặt hàng này trở về với giá trị trường.

Còn việc nền kinh tế của chúng ta sẽ như thế nào trong thời gian tới thì cũng không ai dám khẳng định điều gì, nhưng chắc chắn nó sẽ phụ thuộc rất nhiều vào sự điều hành của Chính phủ.

Nhưng sau tháng 6, khi các mặt hàng thiết yếu được phép tăng giá, liệu chúng ta sẽ phải đối mặt với một cơn sốt giá mạnh hơn, thưa Bộ trưởng?


Thật ra, đối với nhiều mặt hàng, nếu Chính phủ không tiến hành bù khoản lỗ rất lớn cho các doanh nghiệp thì chắc chắn giá còn tăng cao hơn mức hiện nay.

Điều này là không đúng với cơ chế thị trường, song do lạm phát cao nên buộc Chính phủ vẫn phải chung lưng gánh vác cùng doanh nghiệp. Nhưng về lâu dài, chắc chắn việc hỗ trợ giá sẽ được bãi bỏ.

Chẳng hạn, hiện Chính phủ đang phải bù lỗ 1.000 đồng/lít xăng và hơn 3.000 đồng/lít dầu nên giá xăng dầu trong nước thấp hơn các nước láng giềng như Lào, Campuchia. Kết quả là xăng dầu trong nước đang bị buôn bán ồ ạt qua biên giới và Nhà nước lại phải chịu thiệt.

Tuy nhiên, khi tình hình lạm phát đã ổn định và có thể kiểm soát được ở mức độ nào đó thì Chính phủ sẽ phải có lộ trình trả lại giá thị trường. Chính phủ không thể bao cấp tràn lan như thế được vì ngân sách cũng có hạn.

Do đó, nếu sau thời điểm tháng 6 và cả sau này nữa, khi Chính phủ không bù lỗ nữa và giá cả có tăng lên thì cũng là theo thị trường. Tất nhiên là cái gì cũng phải có giới hạn của nó và đương nhiên là Chính phủ sẽ phải có những biện pháp để có thể tránh được sự bùng nổ về giá.

Bộ Tài chính đã có danh sách những mặt hàng nào được tăng giá sau tháng 6 chưa, thưa Bộ trưởng?

Hiện nay chúng tôi đang tính toán và sẽ báo cáo Chính phủ trong thời gian tới. Còn danh sách các mặt hàng thì chưa thể công bố bây giờ được vì sẽ không có lợi cho tình hình chung.

Bội chi vẫn ở ngưỡng an toàn

Bội chi ngân sách đang được xem là một trong những tác nhân chính dẫn đến lạm phát. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?


Vấn đề bội chi ngân sách không phải là chuyện của riêng chúng ta mà hầu hết các nước gặp phải tình trạng này. Tuy nhiên, điều quan trọng là khoản bội chi ấy dùng làm gì và nó có phát huy hiệu quả hay không.

Bội chi của chúng ta hiện nay chủ yếu là chi cho các lĩnh vực liên quan đến đầu tư. Vì vậy, Chính phủ xác định, tất cả những khoản bội chi dùng cho đầu tư nhưng không hiệu quả mới gây lạm phát, còn nếu được dùng cho đầu tư hiệu quả thì không vấn đề gì.

Đó cũng chính là lý do khiến Chính phủ kiên quyết rà soát lại các dự án lãng phí, chậm tiến độ…để tránh thất thoát ngân sách nhà nước.

Như vậy có nghĩa là chúng ta không cần cắt giảm bội chi ngân sách mà chỉ cần giám sát làm sao để các dự án có hiệu quả, thưa Bộ trưởng?


Theo tôi thì không hẳn thế, bởi nếu giảm được bội chi ngân sách thì tốt quá. Nhưng nếu cần thiết thì chúng ta có thể đi vay, bởi theo tôi thì nhiều khi đi vay cũng là một cơ hội cho phát triển. Nếu những khoản vay nằm trong giới hạn an ninh tài chính quốc gia cho phép thì có thể tăng vay để đẩy nhanh tốc độ đầu tư cho cơ sở hạ tầng trong bối cảnh kỹ thuật hạ tầng của ta còn yếu kém như hiện nay thì có khi lại là điều tốt.

Hiện nay, bội chi ngân sách của Việt Nam đang nằm trong ngưỡng an toàn an ninh tài chính, tức là trong khoảng giới hạn 5% GDP và các khoản vay hiện nay đều có khả năng thanh toán. Nếu vay mà không trả được thì mới là đáng lo, bởi nó sẽ dẫn đến đổ vỡ nền tài chính.

Chính vì vậy ,để đẩy lùi lạm phát thì cần phải kết hợp rất nhiều biện pháp chứ không chỉ là việc nâng cao hiệu quả các dự án. Nếu tất cả các biện pháp đều phát huy tác dụng thì chắc chắn bội chi ngân sách cũng sẽ giảm và lạm phát cũng theo đó mà đi xuống.

Bộ trưởng vừa nói bội chi ngân sách của chúng ta là 5% GDP, nhưng theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thì bội chi ngân sách của Việt Nam là 6,6% GDP, tức là đã vượt ngưỡng an toàn. Xin Bộ trưởng lý giải điều này?


Số liệu của IMF đưa ra vừa đúng vừa không đúng, bởi cách tính của họ có khác với chúng ta. Tuy nhiên, tôi dám khẳng định rằng, bội chi ngân sách của chúng ta vẫn nằm trong ngưỡng an toàn, tức là vẫn trong giới hạn cho phép là 5%.