16:25 21/07/2010

Khoảng 350 dịch vụ khám, chữa bệnh có thể tăng giá

Y Nhung

Khoảng 350 dịch vụ khám, chữa bệnh, chiếm 12% tổng số dịch vụ của ngành y tế tới đây sẽ bị điều chỉnh tăng

Theo dự thảo, tới đây, giá ngày giường nằm điều nội khoa, ngoại khoa sẽ tăng mạnh.
Theo dự thảo, tới đây, giá ngày giường nằm điều nội khoa, ngoại khoa sẽ tăng mạnh.
So với khung giá quy định tại Thông tư liên bộ số 14/TTLB, ban hành năm 1995, 12% số dịch vụ khám, chữa bệnh của ngành y tế tới đây sẽ bị điều chỉnh giá từ 2,5-10 lần.

Theo nội dung dự thảo điều chỉnh giá viện phí đang được Bộ Y tế biên soạn, tới đây khoảng 350 dịch vụ khám, chữa bệnh sẽ bị điều chỉnh tăng giá.

70 dịch vụ tăng từ 7 - 10 lần

Trong số này khoảng 220 dịch vụ sử dụng ít vật tư, hóa chất, điện, nước mà chủ yếu là do công sức của cán bộ tế thực hiện như châm cứu, các dịch vụ về y học dân tộc, có mức tăng tối đa chỉ tương đương với mức trượt giá hiện nay (2,5 lần).

Song, có khoảng 60 dịch vụ dự kiến mức tăng tối đa từ 2,5-5 lần; khoảng 70 dịch vụ y tế sử dụng nhiều thuốc, vật tư, hóa chất, điện nước thì mức tăng tối đa là 7-10 lần so với hiện nay.

Riêng đối với tiền khám bệnh, tiền ngày giường điều trị có mức tăng cao hơn với mức điều chỉnh tối đa là 30.000 đồng/lần khám (tăng 10 lần). Theo tính toán của Bộ Y tế, với giá điện nước, găng tay, khẩu trang và các chi phí khác phục vụ khám bệnh hiện nay chi phí hết khoảng 10.000- 30.000 đồng/lần khám (tùy thuộc vào chuyên khoa và hạng bệnh viện). Vì vậy, mức đề xuất tại tuyến huyện, xã có thấp hơn, chỉ khoảng 10.000-15.000 đồng/lần.

Tiền ngày giường nằm điều trị theo quy định tại Thông tư 14 chỉ từ 4.000-18.000 đồng đối với bệnh viện hạng I, từ 2.500- 16.000 đồng đối với bệnh viện hạng II…. Dự kiến mức giá mới là từ 10.000 đồng đối với trạm y tế xã và tối đa là 100.000 đồng đối với ngày điều trị nội khoa thì mới có thể bù đắp các chi phí trực tiếp như điện, nước, chăn, ga, gối, đệm, bông băng, xử lý chất thải…

Tăng cao nhất theo dự thảo là ngày giường điều trị ngoại khoa sau các phẫu thuật đặc biệt (bỏng độ 3, 4 trên 70% diện tích cơ thể) là 150.000 đồng do phải theo dõi, chăm sóc đặc biệt, sử dụng điều hòa 24/24h, có chạy máy thở, monitor…

Tại buổi gặp gỡ với báo chí sáng 21/7, ông Nguyễn Huy Quang, Phó vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế) cho biết: khung giá của các dịch vụ, kỹ thuật y tế kèm theo Thông tư liên bộ số 14/TTLB được ban hành từ năm 1995, dựa trên nguyên tắc chỉ tính một phần các chi phí trực tiếp để thực hiện dịch vụ y tế, kỹ thuật y tế. Do đó, phần lớn các dịch vụ này mới chỉ thu từ 30-50% chi phí trực tiếp để thực hiện dịch vụ tại thời điểm năm 1995. Tới nay, khung giá này không còn phù hợp với tình hình giá cả và chi phí để thực hiện các dịch vụ.

Mặt khác, nhiều dịch vụ kỹ thuật y tế ban hành kèm theo thông tư nêu trên được xây dựng trên cơ sở thực hiện theo phương pháp thủ công. Trong khi hiện nay thực hiện bằng các thiết bị hiện đại, tự động, bán tự động, nhất là các loại xét nghiệm, chiếu chụp. Chất lượng đảm bảo chính xác hơn nên chi phí về vật tư, hóa chất tăng rất nhiều lần, nếu thu theo mức giá cũ thì không thể thực hiện được dịch vụ.

Còn theo bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế): Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, toàn bộ người thuộc hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sống tại vùng kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn (khoảng 14,7 triệu người) đã được ngân sách Nhà nước chi mua thẻ Bảo hiểm y tế. Khi đi khám, chữa bệnh được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 95% chi phí và tiền vận chuyển trong trường hợp phải chuyển tuyến điều trị từ tuyến huyện, chỉ còn phải đóng 5% chi phí.

Theo đó, việc điều chỉnh viện phí lần này về cơ bản cũng không làm ảnh hưởng nhiều đến khoảng 53 triệu người hiện nay đã có bảo hiểm y tế (khoảng 62% dân số), gồm cả người làm công ăn lương, các đối tượng hưu trí, chính sách xã hội, người thuộc hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi….

Đối với các đối tượng có thu nhập từ mức trung bình khá trở lên, tuy dịch vụ y tế có điều chỉnh nhưng giá dịch vụ so với các nước trong khu vực còn rất thấp, do vậy các đối tượng này cũng không bị ảnh hưởng nhiều.

“Hiện ban soạn thảo vẫn đang thu thập ý kiến đóng góp từ các đơn vị có liên quan. Sau đó hội đồng thẩm định sẽ có ý kiến. Khi tất cả đã thống nhất, Liên bộ Tài chính- Y tế mới ký ban hành. Nhưng đó cũng chỉ là quy định khung, căn cứ vào tình hình thực tế, Bộ trưởng Bộ Y tế, chủ tịch ủy ban Nhân dân các tỉnh sẽ quy định cụ thể về mức áp dụng tại các cơ sở y tế”, ông Nguyễn Nam Liên, Phó Vụ trưởng Vụ kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho biết thêm.

Chất lượng có được cải thiện?

Giá nhiều dịch vụ khám, chữa bệnh tăng, khiến nhiều người đặt cậu hỏi: liệu chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh và tình trạng quá tải tại các bệnh viện có được cải thiện.

Trả lời về vấn đề này ông Trần Quý Tường, Phó cục trưởng Cục quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng:  hiện nay, số giường của các bệnh viện (không tính giường trạm y tế xã) tính trên một vạn dân ở nước ta mới đạt 20,5. Trong khi các nước vào khoảng 30-40 giường/một vạn dân. Trình độ chuyên môn và đầu tư cho các bệnh viện tuyến dưới trong thời gian qua còn thấp nên có tình trạng người bệnh đi điều trị vượt tuyến, dẫn đến tình trạng quá tải, phải nằm ghép 2-3 người/giường bệnh ở tuyến trên.

Việc điều chỉnh viện phí lần này, vẫn thực hiện theo nguyên tắc thu một phần chi phí, chỉ tính các chi phí trực tiếp, chưa tính tiền lương, khấu hao nên không dùng nguồn đầu tư này để xây dựng bệnh viện.

Về thái độ phục vụ bệnh nhân, chất lượng dịch vụ ông cho rằng sẽ không thể thay đổi ngay “một sớm, một chiều”. Nhưng tới đây, khi vấn đề y đức của các y, bác sỹ được quan tâm hơn, máy móc được đầu tư nhiều nên tình hình sẽ có những cải thiện đáng kể.