23:12 12/05/2008

“Không để giá sách giáo khoa tăng”

Văn Thành

Ý kiến của Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân về đề xuất tăng giá sách giáo khoa

"Tất cả các đối tượng được miễn giảm từ trước tới nay là vẫn được tiếp tục miễn giảm, tinh thần chung là không để một trường hợp nào vì giá sách tăng lại không mua được sách".
"Tất cả các đối tượng được miễn giảm từ trước tới nay là vẫn được tiếp tục miễn giảm, tinh thần chung là không để một trường hợp nào vì giá sách tăng lại không mua được sách".
Ý kiến của Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân về đề xuất tăng giá sách giáo khoa.

>>Giá sách giáo khoa sẽ tăng 9,8% / “Không tán thành tăng giá sách giáo khoa”

 

Xin Phó thủ tướng cho biết quan điểm về kế hoạch tăng giá sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục trong năm nay?

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ báo cáo Chính phủ, trước Chính phủ cho phép tăng, nhưng sẽ theo quy trình.

Vấn đề bây giờ phải nói tới là các biện pháp khác đi kèm. Ví dụ như tất cả các đối tượng được miễn giảm từ trước tới nay là vẫn được tiếp tục miễn giảm, tinh thần chung là không để một trường hợp nào vì giá sách tăng lại không mua được sách.

Mức tăng giá sách cụ thể là 10% hay 15%, thưa Phó thủ tướng?

Văn bản của Thủ tướng Chính phủ cho phép mức tăng giá không quá 10%. Ví dụ một bộ sách tiểu học khoảng 30.000 đồng/bộ, giờ lên 33.000 đồng/bộ.

Đặt trong bối cảnh giá tiêu dùng tăng cao, có nên tăng giá sách giáo khoa vào thời điểm này không?

Phải nói rõ rằng đây không phải chủ trương của riêng Bộ Giáo dục và Đào tạo, mà đã báo cáo Chính phủ từ trước rồi. Tuy nhiên, trong tuần này Bộ cũng sẽ báo cáo lại Chính phủ để xin ý kiến.

Nhưng khi Bộ báo cáo với Chính phủ thì vấn đề giá cả chưa căng thẳng như bây giờ?

Không, cũng tương đối căng rồi đấy. Bởi vì các nhà in họ không chịu đựng được và không in sách nữa nếu để giá như cũ; mà yêu cầu của mình là sách phải ra kịp thời đến tay người tiêu dùng, và yêu cầu tất cả những người nào, học sinh có nhu cầu mua sách nhưng gặp khó khăn thì vẫn phải có sách.

Xưa nay chúng ta vẫn làm dưới ba hình thức để hỗ trợ những trường hợp khó khăn. Diện vùng khó khăn, đồng bào dân tộc đã phát không sách từ lâu rồi; loại khó khăn thứ hai là trường mua sách rồi cho học trò mượn; loại thứ ba là phát phiếu giảm giá mua sách. Còn lại là mua bình thường.

Tinh thần chung là không để vấn đề vì giá sách tăng khoảng từ 3.000 -10.000 đồng/bộ/năm mà dẫn tới không mua được sách.

Phó thủ tướng cho biết hiện Nhà xuất bản Giáo dục đã có cơ cấu giá chưa?

Có, trong tuần này Bộ sẽ làm văn bản báo cáo lên Chính phủ.

Có kiến nghị xoá bỏ tình trạng độc quyền của Nhà xuất bản Giáo dục, nếu không thì sẽ không giảm giá sách giao khoa được. Ý kiến của Phó thủ tướng như thế nào về kiến nghị này?

Hiện nay, quy trình làm sách là mình phải có Hội đồng quốc gia cho nội dung sách giáo khoa là chương trình chuẩn. Còn cho đến nay, chúng ta từ chương trình đó mà đặt hàng một tập thể viết một bộ, sắp tới chúng ta thống nhất phương châm là sau khi chúng ta làm bộ sách từ lớp 1 đến lớp 12 xong một vòng rồi thì tiến tới sẽ đặt hàng có nhiều người viết sách trên một nội dung chương trình. Cái đó là phải có lộ trình.