15:26 21/07/2008

"Không tăng giá xăng, sẽ phải bù lỗ khoảng 70.000 tỷ đồng"

Mạnh Chung - Thúy Nhung

"Nếu cứ giữ giá xăng dầu như hiện nay, theo ước tính đến cuối năm, Chính phủ sẽ phải bù lỗ từ 67.000-72.000 tỷ đồng"

"Riêng đối với dầu diezel, hiện Chính phủ vẫn hỗ trợ tới 70% giá và người sử dụng chỉ phải chia sẻ khoảng 30%."
"Riêng đối với dầu diezel, hiện Chính phủ vẫn hỗ trợ tới 70% giá và người sử dụng chỉ phải chia sẻ khoảng 30%."
"Nếu cứ giữ giá xăng dầu như hiện nay, theo ước tính đến cuối năm, Chính phủ sẽ phải bù lỗ từ 67.000-72.000 tỷ đồng".

Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, tại cuộc họp báo về điều hành giá xăng dầu sáng 21/7. VnEconomy đã có cuộc trao đổi cùng ông xung quanh việc điều chỉnh giá lần này.
 
Hết tháng 6/2008, rất nhiều người đã lo ngại việc điều chỉnh giá xăng dầu sẽ được thực hiện. Lý do gì đã khiến việc điều chỉnh giá lại được lùi tới thời điểm hiện nay?

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, một số mặt hàng thiết yếu sẽ được kiềm chế giá đến hết tháng 6. Nhưng khi bước sang tháng 7, tình hình kinh tế vẫn chưa có nhiều những con số lạc quan được công bố nên việc điều chỉnh giá đã được tạm ngừng cho tới thời điểm này.

Xăng tăng 4.500 đồng/lít, dầu hoả tăng 6.100 đồng/lít. Mức tăng giá lần này là rất cao so với những lần điều chỉnh trước đây, ông lý giải như thế nào về điều này?

Giá xăng dầu thế giới gần đây liên tục lập những kỷ lục mới. Trước những sự biến động lớn này, 6 tháng đầu năm Chính phủ đã phải bù lỗ tới 14.500 tỷ. Nếu cứ giữ giá như hiện nay, theo ước tính đến cuối năm Chính phủ sẽ phải bù lỗ từ 67.000-72.000 tỷ (khoảng 38% tổng nguồn thu trong nước).

Thêm vào đó, hiện giá xăng dầu ở Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Điều này đã khiến cho việc buôn lậu xăng dầu ngày càng phức tạp và khó kiểm soát.

Điều chỉnh giá xăng dầu lần này cũng là từng bước đưa việc kinh doanh xăng dầu hoạt động theo cơ chế thị trường.

Theo tính toán vịệc tăng giá xăng dầu lần này sẽ ảnh hưởng trực tiếp như thế nào đối với chỉ số CPI?

Việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu lần này sẽ làm cho chỉ số CPI tăng từ 0,5 - 0,7%. Dù vây, trên thực tế, mức giá các nhiên liệu này vẫn còn tiếp tục được Chính phủ bù lỗ. Theo ước tính 6 tháng cuối năm, Nhà nước vẫn phải bù lỗ khoảng 52.948 tỷ đồng nếu giá dầu bình quân ở mức 145 USD/thùng.
Riêng đối với dầu diezel, hiện Chính phủ vẫn hỗ trợ tới 70% giá và người sử dụng chỉ phải chia sẻ khoảng 30%.
 
Đó là chưa kể ngân sách nhà nước bị giảm thu khoảng 25.000 tỷ đồng do thuế nhập khẩu xăng dầu là 0%. Như vậy, Nhà nước vẫn phải hỗ trợ cho việc kinh doanh xăng dầu đảm bảo nguồn cung. Mục tiêu kiềm chế lạm phát vẫn được đặt lên hàng đầu.

Nhưng chắc chắn việc điều chính giá lần này sẽ làm cho các loại hàng hoá tăng giá mạnh?

Để triển khai thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu như phương án nói trên, Thủ tướng đã chỉ đạo các ngành liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm nguồn cung, kiểm soát thị trường, thực hiện an sinh xã hội.
 
Nhà nước hỗ trợ đối với đồng bào dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo và ngư dân. Cụ thể, tiếp tục cấp bằng tiền tương đương 5 lít dầu hỏa/năm (dầu thắp sáng) cho các hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sách và hộ nghèo ở những nơi chưa có điện lưới theo giá mới.

Nước sạch, điện, than sẽ không tăng giá đến hết năm 2008. Chính phủ cũng đã có chỉ đạo không để các doanh nghiệp thiếu vốn để ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, để thực hiện kiềm chế lạm pháp trong tình hình hiện nay rất cần có sự nỗ lực tham gia của tất cả các bộ ngành, đơn vị, doanh nghiệp và cả mỗi người dân.

Xăng dầu tăng giá sẽ làm cho chi phí đầu vào của các doanh nghiệp bị đẩy lên. Kinh doanh thua lỗ sẽ có doanh nghiệp phải phá sản. Chính phủ đã tính tới việc hỗ trợ cho những đối tượng này?

Về chủ trương, Chính phủ đã giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng cơ chế để hỗ trợ những đối tượng này. Nhưng tất cả vẫn còn đang trong quá trình xây dựng.