15:50 16/11/2009

Làm điện từ... trấu

Ái Vân

Nếu sử dụng được một lượng lớn trấu dư thừa không những giải quyết được chất thải nông nghiệp mà còn thu được nguồn lợi lớn

Vẫn còn một lượng lớn trấu dư thừa đang thải ra môi trường.
Vẫn còn một lượng lớn trấu dư thừa đang thải ra môi trường.
Nếu sử dụng được một lượng lớn trấu dư thừa không những giải quyết được chất thải nông nghiệp mà còn thu được nguồn lợi lớn.

Đây là ý kiến mà ông Hironori Kawamura, Giám đốc Văn phòng đại diện Tổ chức Phát triển năng lượng mới và công nghệ công nghiệp (NEDO) ở châu Á đã đưa ra tại hội thảo về “Năng lượng trấu” do Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ Công Thương tổ chức ngày 13/11 tại Tp.HCM.

Ông Nguyễn Quang Cử, nhà tư vấn của IFC cho biết, trấu được coi là nguồn thay thế sạch và kinh tế hơn so với các nhiên liệu truyền thống như than để phát điện hiện nay. Việt Nam có nhiều điều kiện để xây dựng nhà máy điện năng từ vỏ trấu. Ngành xay xát gạo phát triển mạnh mẽ, với 3 vụ lúa/năm và đứng vị trí thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu gạo.

Năm 2010, lượng trấu thải ra từ ngành xay xát ở mức hơn 7 triệu tấn, trong đó 50% là tập trung ở 10 tỉnh gồm An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Thanh Hóa, Tiền Giang, Cần Thơ, Thái Bình và Nam Định.

Ở Việt Nam chỉ một phần nhỏ khối lượng trấu được dùng để làm thức ăn gia súc, sản xuất phân bón, ván ép, dùng để nấu ăn trong các gia đình nông thôn và trong nhiều cơ sở công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp như: lò nung gạch truyền thống, nung vôi, nung gốm. Từ trấu có thể sản xuất thành than bánh nhưng vẫn còn hạn chế, nhưng xu hướng cũng đang tăng. Vẫn còn một lượng lớn trấu dư thừa đang thải ra môi trường.

Trong khi đó, các nước trong khu vực như Thái Lan, Campuchia, Malaysia đã có nhà máy nhiệt điện đốt vỏ trấu, tận dụng triệt để nguồn phế liệu này. Nhà máy điện trấu có công suất nhỏ hơn hoặc bằng 30 MW. Những địa phương có nhà máy điện trấu sẽ được hưởng lợi trực tiếp, nguồn điện trấu sẽ đấu nối trực tiếp vào mạng lưới điện địa phương, giúp giảm áp lực về khả năng thiếu điện.

Vụ phó Vụ Năng lượng (Bộ Công Thương), ông Lê Tuấn Phong cho biết, trong chiến lược và quy hoạch quốc gia về phát triển năng lượng tái tạo cho giai đoạn đến năm 2015, có xem xét đến năm 2025 có đề cập đến việc thúc đẩy phát triển tất cả các loại năng lượng tái tạo, bao gồm sản xuất điện từ trấu. Nếu điện trấu thành công tại Việt Nam sẽ mở ra nhiều cơ hội tận dụng nhiều loại nhiên liệu sinh khối khác như vỏ hạt điều, vỏ đậu phộng, rơm rạ, mùn cưa, bã mía, xác khoai mì...

Có thể nói rằng sản xuất điện từ trấu là giải pháp khả thi để giải quyết vấn đề nguồn phế  thải, hơn thế còn có thêm một nguồn nhiên liệu mới và nguồn tài nguyên mới. Theo thông tin của ông Cử, một dự án điện trấu đang triển khai ở Khu công nghiệp Trà Nóc (Cần Thơ); một dự án 10 MW dự tính sẽ triển khai tại Đồng Tháp. Ở tỉnh Tiền Giang có một nhà máy điện trấu 10 MW đang nghiên cứu khả thi.

Làm điện trấu ở Việt Nam được đánh giá là nhiều tiềm năng nhưng mọi người e ngại còn có rất nhiều khó khăn phải đối mặt, nhất là trong việc thu gom và cung cấp trấu. Theo khảo sát của IFC, hệ thống nhà máy xay xát lúa gạo đều có quy mô nhỏ, của tư nhân, thời gian hoạt động không ổn định phụ thuộc theo mùa vụ. Đa số các nhà ở đồng bằng sông Cửu Long đều nằm cạnh sông, rạch để thuận lợi trong việc vận chuyển lúa, gạo. Nhưng độ sâu của sông, rạch hạn chế về công suất chuyên chở của ghe thuyền, làm phát sinh chi phí.

Lượng trấu dư  thừa rất lớn nhưng tập trung vào các mùa xay xát cao điểm từ tháng 3-5 và tháng 9-10. Vào mùa cao điểm, nhà máy vừa bán vừa cho tiền công xúc, chở trấu nhưng không ai mua để làm gì và chở đi đâu. Các hợp đồng cung cấp trấu đa số áp dụng theo mùa hoặc theo năm. Để dự trữ trấu các nhà máy điện trấu phải có nhà kho lớn. Quy mô càng nhỏ, hiệu suất càng thấp, khi đó suất đầu tư và chi phí sản xuất điện trên 1 kWh càng cao, trong khi giá bán điện cho tập đoàn điện lực thấp hơn chi phí đầu tư.

Ông Harsh Singhal, chuyên viên đầu tư của IFC cho rằng, vấn đề lo lắng nhất hiện nay của các nhà đầu tư là nguồn cung cấp trấu và giá bán điện. Vấn đề đặt ra là làm sao thiết lập được chuỗi cung cấp trấu ổn định, lâu dài. Hãy cho những người làm khâu cung ứng trấu một phần quyền lợi trong nhà máy, từ đó họ sẽ đảm bảo nguồn nhiên liệu cho nhà máy hoạt động vì nó liên quan trực tiếp đến quyền lợi của mọi người. Cần xây dựng biểu giá bán điện chuẩn và duy trì 2-3 năm. Theo nhiều ý kiến đề xuất, cần có cơ chế hỗ trợ cho nguồn năng lượng tái tạo, khi đó mới khuyến khích được sự tham gia của các nhà đầu tư.

Ông Lê Simon Hoàng, Giám đốc Công ty Aerogie Plus Solutions Việt Nam cho rằng, dùng trấu để phát điện là vấn đề rất hay, nhưng e rằng ở Việt Nam để đưa vào thực tiễn là rất khó. Trong khi đó, nguồn nhiên liệu trong sản xuất rất cao nhưng do không có công nghệ lò đốt tốt nên không thể dùng trấu thay thế cho các loại nhiên liệu truyền thống. Bởi vậy cũng rất cần quan tâm để có công nghệ đốt an toàn, công nghệ nén khối lớn hơn để giảm thiểu chi phí vận chuyển. Hiện tại để có một mét khối vỏ trấu ép cần 120 kg vỏ trấu.