14:49 24/06/2010

Sài Gòn có công nghiệp tóc

Nhiều tiệm "nhập khẩu" thợ cắt tóc từ nước Hàn Quốc, Singapore, Nhật để hút thị hiếu khách hàng khoái "xì-tai ngoại"

Nhiều salon tóc quy mô lớn mở ra theo hình thức công ty chuyên nghiệp.
Nhiều salon tóc quy mô lớn mở ra theo hình thức công ty chuyên nghiệp.
Để chăm sóc cho phần "gốc con người”, ngoài những tiệm quen gần nhà, nhiều người Sài Gòn giờ thường tìm đến những tiệm có thương hiệu.

Có tiệm nhỏ xinh với những “cây kéo” tên tuổi, cũng có những tiệm hoành tráng với hàng trăm thợ, chia ca kíp ngày đêm, nhập khẩu cả chuyên gia nước ngoài. Chuyện cắt tóc ở Sài Gòn, dường như đã thành một nền công nghiệp.

Nhiều người than phiền bước vào một số tiệm có bề ngoài khá sang trọng, trong khi hầu hết chủ tiệm khá dễ thương thì nhiều nhân viên lại không cởi mở, thân thiện. Họ dường như tự trang bị khả năng “định giá” khách hàng tiềm năng.

Do vậy, nếu là khách mới, dù tiền có rủng rẻng trong túi nhưng ăn mặc hơi “nhà quê” một chút thì bạn cũng dễ thấy chạnh lòng khi chứng kiến các khách hàng “sộp” bên cạnh được nhân viên o bế kĩ lưỡng gấp chục lần mình.

Nhập khẩu công nghệ cắt tóc

Nắm bắt được điều này, hiện nay có nhiều salon tóc quy mô lớn mở ra theo hình thức công ty chuyên nghiệp. Với mô hình quản lí công nghiệp, các salon này xây dựng hẳn hòi chiến dịch thương hiệu, thường xuyên đưa ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá, đầu tư quy mô về cả không gian, nhân lực và chất lượng máy móc, sản phẩm. Một chiêu đặc biệt của các tiệm này là "nhập khẩu" thợ cắt tóc từ nước Hàn Quốc, Singapore, Nhật để hút thị hiếu khách hàng khoái "xì-tai ngoại".

Có thể kể đến những tên tuổi trong nhóm này như Hana, Art Hair (của Hàn Quốc), Mano Mano (của Nhật), Colorhaus (của Singapore)… Giá cắt tóc ở những tiệm như thế này dao động từ 80.000 đến 350.000 đồng, tùy định giá và đối tượng phục vụ chính của mỗi tiệm.

Về quy mô, Hana và Colorhaus có không gian nhỏ hơn, số lượng thợ ít hơn Art Hair và Mano Mano. Đơn cử, nếu hai tiệm đầu tiên chỉ khoảng trên dưới 10 thợ thì hai tiệm sau, Mano Mano có khoảng 40 thợ Việt Nam và 6 chuyên viên Nhật Bản, Art Hair có số lượng nhân viên khoảng 300 người…

Thợ ở các công ty này sẽ làm việc theo ca. Mỗi ca khoảng 8 đến 10 tiếng. Như ở Art Hair thì mỗi tiếng đều có ca mới. Thợ chính cũng có, thợ học việc cũng có, nhưng dù mô hình nào thì muốn học nghề tóc cũng phải trải qua 6 đến 10 tháng, tùy mức độ tiếp thu và năng khiếu của mỗi người.

Về phân khúc thị trường, Art Hair và Hana hướng đến đối tượng khách hàng có thu nhập thấp hơn Colorhaus và Mano Mano.

Trong đó, điểm mạnh của Art Hair là mức giá khá dễ chịu, lại thường xuyên đưa ra các chương trình giảm giá, khuyến mãi, tặng phiếu cắt tóc. Đặc biệt, khâu dịch vụ ở đây khá tốt. Khách hàng đến đây thường được phục vụ nước uống, cơm trưa, lại có sẵn máy vi tính để lướt net trong khi chờ đến lượt mình. Những người hay lui tới nơi này nhất là các bạn học sinh, sinh viên.

Tuy nhiên, so với thời đình đám mới nổi cách đây vài ba năm, mức độ “cắt tóc được chăm sóc tận răng” tại Art Hair đã giảm sút khá nhiều. Trên các diễn đàn trực tuyến, người tiêu dùng bắt đầu kêu ca là nhân viên Art Hair bây giờ bớt cười, đồng phục xuống cấp cũ mèm, các cô gái không còn trang điểm xinh tươi như phim Hàn Quốc, thành ra nom Art Hair thiếu bớt hẳn tính chuyên nghiệp xưa kia.

So với Art Hair, Hana nằm trên đường Võ Thị Sáu đưa ra mức giá cao hơn một chút nhưng quy mô nhỏ hơn và thái độ phục vụ khách hàng cũng có thể nói là thân thiện.

Sinh sau đẻ muộn hơn với hai thương hiệu vừa nói trên, mới ra đời gần một năm, Mano Mano hướng đến đối tượng khách hàng cao cấp hơn. Bước vào hair salon này, khách thường cảm nhận rõ sự sang trọng hơn và không quá ồn ào, xô bồ. Không gian nơi đây lấy mô hình từ các spa nên tạo được cảm giác thư giãn. Thợ chú trọng đến việc chăm sóc tóc và tạo kiểu đẹp.

Một hair salon khác cũng rất phong cách, đó là Colorhaus của Học viện Tạo mẫu và Trang điểm Kimage. Quy mô nhỏ hơn các beauty salon kia nhưng Colorhaus tạo ấn tượng ngay từ cách bài trí, vừa tạo cảm giác ấm cúng vừa tạo cảm giác sang trọng, thư giãn.

Nghệ nhân không sợ công ty

Mô hình thứ hai tạm gọi là mô hình nghệ nhân. Hầu hết các tiệm này đều có tên tuổi khá lâu ở đất Sài thành và lấy khách theo kiểu truyền miệng giới thiệu nhau.

Chẳng hạn như Thìn ở Hai Bà Trưng, Thoại ở Cách Mạng Tháng Tám, Hùng ở Pasteur, Lũ Đông Kinh, Khôi ở Lý Tự Trọng, Khánh Vĩnh Hoàng ở Trần Hưng Đạo, Tâm trên đường Lý Chính Thắng, Hiền Anh ở Yên Thế, MyMy ở Nguyễn Đình Chiểu, Được ở Đinh Tiên Hoàng, Sấm Lily trên đường Phan Đình Phùng, Nghĩa Bàn Cờ, Cường Hoàn Lệ…

Theo lời chủ tiệm Khánh Vĩnh Hoàng, có lịch sử cả trăm năm, thì thợ ở đây làm không hết việc. Còn theo chủ nhân của tiệm Tâm thì anh không sợ cạnh tranh với mô hình công nghiệp mới xuất hiện kia. Theo anh, những người tìm đến salon tóc dạng như của anh thường là những người khó tính, đòi hỏi cao, chú trọng đến nhu cầu được thợ quen hiểu gu của mình.

Tương đương với mức giá ở tiệm Tâm, tiệm Được trên đường Đinh Tiên Hoàng cũng được nhiều người đánh giá khá tốt.

Mức giá nhỉnh hơn một chút so với Tâm và Được, tiệm Sấm Lily nhìn chung được biết đến với phong cách phục vụ và các kiểu tóc cá tính. Lũ Đông Kinh ở Lý Tự Trọng cũng được đánh giá sang trọng và phục vụ nhiều người nước ngoài.

Một số tiệm khác, với các nghệ nhân có tiếng từ những cuộc thi tạo mẫu tóc, thường được các ngôi sao ưa chuộng là tiệm Thìn (tạo mẫu được nhiều người khen đẹp nhưng hơi “chảnh”) với hoa hậu Hà Kiều Anh; tiệm Nghĩa Bàn Cờ (tạo mẫu đẹp với giá rẻ bất ngờ) với những người mẫu Anh Thư, Phùng Ngọc Yến; tiệm Cường Hoàn Lệ (tạo mẫu đẹp, giá vừa phải nhưng các người mẫu hay đến nên khách phải chờ lâu, ưu tiên cho “sao”) với ca sĩ Hồ Ngọc Hà, Thanh Hằng… Tiệm Khánh Vĩnh Hoàng cũng có khách hàng thân thiết là ca sĩ Đan Trường, Thanh Thảo, Phương Thanh…

Qua trao đổi với các chủ tiệm, xu hướng thời trang tóc đang được ưa chuộng mùa hè này là các kiểu tóc ngắn và uốn, đặc biệt là uốn setting. Màu đang “hot” là đỏ rượu chát và đỏ tím.

Yến Lê (SGTT)