08:47 26/07/2010

Tạm trữ cà phê: Vì sao phá sản?

Hưng Văn

Kết thúc thời hạn mua tạm trữ, 13 doanh nghiệp được phân bổ lượng mua tạm trữ cà phê chỉ mua được dưới 20% chỉ tiêu

Nếu bảo quản đúng cách, cà phê có thể tồn trữ được khá lâu.
Nếu bảo quản đúng cách, cà phê có thể tồn trữ được khá lâu.
Cây cà phê cho thu hoạch từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau, rộ trong 3 tháng 11, 12 và tháng 1. Thế nhưng tại 2 tỉnh trồng loại cây này nhiều nhất là Đắc Lắc và Lâm Đồng, từ tháng 4/2010 đến nay, càng ngày càng xuất hiện nhiều nhà treo bảng “mua cà phê tươi, khô”. Liệu đây có phải là tín hiệu lạc quan cho người trồng?

Nhiều ý kiến cho rằng cà phê là loại nông sản nếu biết bảo quản có thể tồn trữ được lâu (theo phương pháp dân gian cũng được từ 1-2 năm). Ngày càng xuất hiện nhiều nhà thu mua cò con vì họ mua ngay, bán ngay, không sợ bị lỗ do có doanh nghiệp lớn hơn cho giá mua, giao hàng ngày. Các “kho” có thể đón đầu thời điểm giáp vụ, giá sẽ lên cao.

Kết thúc sáu tháng đầu năm, cả nước xuất khẩu được 664.000 tấn cà phê, thu 925 triệu USD. Nếu tính cả niên vụ, năm 2008-2009 cả nước xuất khẩu đạt 1,16 triệu tấn; đầu vụ 2009-2010 Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) dự báo sản lượng cả nước giảm 20%. Tỉnh Đắc Lắc có nhiều sản lượng cà phê nhất trong 6 tháng xuất khẩu 170.175 tấn, hết tháng 7 xuất đạt 190.000 tấn, bằng 55,8% kế hoạch cả năm.

Nếu cộng lượng đã xuất khẩu 3 tháng đầu vụ thì đến nay coi như cả niên vụ đã gần... hết hàng. Giá trị xuất khẩu cà phê cả nước trong 6 tháng đem lại 925 triệu USD, giảm đến 16,2% cùng kỳ năm trước, trong khi số lượng chỉ giảm 10,5%.

Phá sản kế hoạch mua tạm trữ

Đơn giá xuất khẩu cà phê xuống mức thấp nhất là trong tháng 3/2010, chỉ còn 1.320 USD/tấn, giá mua trong nước có lúc chỉ còn 22.500 đồng/kg. Người trồng cà phê bị lỗ nặng nên theo đề nghị của Hiệp hội Vicofa, ngày 13/4 Chính phủ đã quyết định cho mua tạm trữ 200.000 tấn, thời hạn mua trong 3 tháng nhưng lãi suất hỗ trợ với mức 6%/năm được cho áp dụng trong 6 tháng, từ 15/4 đến 15/10/2010.

Ngay thời điểm này, những người am hiểu sản xuất ngành hàng đã than rằng: cà phê còn đâu nữa mà mua. Người trồng do thiếu vốn đã bán gấp với giá rẻ ngay khi mới thu hoạch. Quả là đến khi kết thúc thời hạn mua tạm trữ, 13 doanh nghiệp được phân bổ lượng mua tạm trữ cà phê chỉ mua được dưới 20% chỉ tiêu. Mong muốn “bảo đảm lợi nhuận tối thiểu 30% cho người trồng cà phê” coi như bị phá sản.

Nguyên nhân của sự phá sản này là cơ quan đề xuất tính sai thời điểm đưa ra chương trình hỗ trợ bằng cách cho mua tạm trữ. Bên cạnh đó các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam còn "ôm" nợ ngân hàng nên ngay khi cả đã có chủ trương cho vay ưu đãi để mua cà phê tạm trữ thì việc nhận được đồng vốn vay từ ngân hàng cũng rất khó khăn.

Diễn biến nổi cộm qua mùa sản xuất cà phê năm nay là số lượng hàng cà phê xuất khẩu đã được các công ty nước ngoài thâu tóm khi giá còn quá thấp. Có ý kiến cho rằng nguyên do còn vì các doanh nghiệp trong nước không phán đoán được diễn biến giá cả thị trường thế giới, quá tin vào những dự báo ảo. Mức giá công bố trên các sàn giao dịch thường chỉ có giá trị đối với những người tiêu dùng.

Sản lượng cà phê Việt Nam chỉ chiếm một phần nhỏ so với lượng tiêu dùng toàn cầu, khoảng 14% (17 triệu bao cà phê so với 135 triệu bao) nên các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam khó điều tiết được giá cả thị trường. Nếu như vậy thì có cách nào để đưa cà phê thành ngành hàng có lợi cho cả người trồng và các nhà kinh doanh xuất khẩu?

Mua tạm trữ từ đầu vụ thu hoạch

Xuất khẩu cà phê từng đạt giá trị kim ngạch 2,2 tỷ USD trong năm 2008, năm 2009 cũng đạt 1,7 tỷ USD. Với giá xuất khẩu tăng cao trở lại trong 2 tháng qua (hiện ở mức hơn 1.650 USD/tấn) nếu tổ chức tốt việc mua, chế biến nguyên liệu thì kim ngạch cả năm vẫn có thể đạt mức 1,5 tỷ USD.

Cả nước hiện có khoảng hơn 140 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cà phê, nhiều doanh nghiệp có lượng xuất khẩu lớn nhưng hoàn toàn chỉ là mua đi bán lại. Theo nhiều ý kiến, để bảo đảm mức lãi 30% cho người trồng, trước tiên phải tính đủ giá thành làm ra 1 kg cà phê. Tổng diện tích cà phê cả nước hiện nay là 550.000 ha; 5 tỉnh Tây Nguyên chiếm 80% diện tích và 90% sản lượng, có cùng điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu tương đương nhau thì việc tính ra giá thành là không khó.

Như vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND từng tỉnh nên định ra giá sàn cà phê để các doanh nghiệp kinh doanh, đứng đầu là Câu lạc bộ 20 nhà xuất khẩu cà phê hàng đầu có nghĩa vụ bao tiêu sản phẩm bảo đảm cho người trồng có lãi tối thiểu 30% như chỉ đạo của Chính phủ. Như vậy, việc cho vay vốn ưu đãi nên dành cho cả người trồng cà phê. Ngân hàng căn cứ “tài sản thế chấp” theo sản lượng dự kiến trên diện tích trồng của từng hộ.

Theo ông Đoàn Triệu Nhạn, chuyên gia cao cấp của Vicofa thì khoảng hơn 50% diện tích cây cà phê kinh doanh trong cả nước đã vào tuổi già cỗi, trong đó 25% cần được tái canh, thay thế. Để bảo đảm sản xuất bền vững về lâu dài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất nguồn vốn đầu tư cho chương trình này. Tiếp theo là hướng dẫn thâm canh, tăng năng suất theo chương trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP). Được vậy thì người nông dân trồng cà phê sẽ không chán nản, bỏ vườn khi thua thiệt về giá bán khi mới thu hoạch như hiện nay.