11:04 11/06/2015

Tiêu thụ nông sản làm nóng phiên chất vấn Bộ trưởng Phát

Anh Minh

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là người “mở hàng” phiên chất vấn tại Quốc hội sáng 11/6

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát tại nghị trường sáng 11/6 - Ảnh: TT.<br>
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát tại nghị trường sáng 11/6 - Ảnh: TT.<br>
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát là người “mở hàng” phiên chất vấn tại Quốc hội sáng 11/6. Trước đó, ông cho hay đã nhận được chất vấn của 13 đại biểu Quốc hội, với 23 câu hỏi tại 15 giấy ghi chất vấn.

Các câu hỏi của đại biểu gửi tới Bộ trưởng Cao Đức Phát gồm 5 nhóm vấn đề, bao gồm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, thuỷ lợi và phát triển nông thôn. Với các chất vấn này, Bộ trưởng Phát cho hay đã trả lời chi tiết từng câu hỏi, trước khi ông nhận được hàng loạt câu hỏi mới, trực tiếp tại phiên chất vấn.

Đối với vấn đề tiêu thụ nông sản, trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) và đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), Bộ trưởng Phát cho biết có nhiều nguyên nhân.

Về ngắn hạn là do tình trạng sản xuất cung vượt cầu đối với cao su, hoặc vướng mắc về thị trường tiêu thụ đối với dưa hấu ở cửa khẩu Tân Thanh tháng 4-5/2015 hay việc Indonesia dừng nhập khẩu hành tím từ Việt Nam.

Trong khi đó, về dài hạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang theo dõi sát sao diễn biến của thị trường, xử lý kịp thời những khó khăn có tính chất tình huống.

Cụ thể, đã và đang phối hợp thực hiện các giải pháp để tăng khả năng thông quan ở các cửa khẩu với Trung Quốc; đàm phán với Indonesia để tái xuất khẩu hành tím; phối hợp với các nước sản xuất, xuất khẩu cao su thiên nhiên chính để hạn chế tăng nguồn cung, chống đầu cơ ép giá...

Liên quan đến giải pháp đầu ra cho sản phẩm cao su và quy hoạch, kế hoạch phát triển bền vững cao su ở Việt Nam, đại biểu Nguyễn Hữu Đức (Bình Định) chất vấn rằng sau một giai đoạn phát triển mạnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao, hiện nay ngành cao su đang đứng trước khó khăn, cần phải làm gì để khắc phục?

Ông Phát cho biết sẽ điều chỉnh quy mô sản xuất, theo đó tạm dừng không trồng mới cao su; tập trung tái canh vườn cây hết tuổi khai thác và thâm canh các vườn cây hiện có để nâng cao năng suất, chất lượng.

Đối với vùng duyên hải Trung bộ, Bắc Trung Bộ, những diện tích trồng  ngoài quy hoạch có nguy cơ cao do gió bão không tiếp tục trồng cao su, sau khi đã hết chu kỳ kinh doanh, diện tích bị ảnh hưởng nặng do bão, cần thanh lý trồng lại hoặc chuyển đổi sang cây trồng khác.

Trong khi đó, đối với vùng miền núi phía Bắc, tạm dừng không tiếp tục mở rộng diện tích ở vùng đã quy hoạch (Sơn La, Điện Biên, Lai Châu); không chủ trương trồng tiếp cao su ở các tỉnh vùng Đông Bắc; tập trung chăm sóc, thu hoạch diện tích đã trồng, đánh giá hiệu quả kinh tế.

Trả lời chất vấn của đại biểu Phạm Văn Tấn (Nghệ An) chất vấn về nguyên nhân và trách nhiệm trong việc chậm triển khai thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, Bộ trưởng Phát cho hay, qua hai năm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, về cơ bản đã hoàn thành việc xây dựng các văn bản, tài liệu cụ thể hóa định hướng và các giải pháp tái cơ cấu trong từng tiểu ngành, lĩnh vực và hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện.

Ở các địa phương, chủ trương và đề án tái cơ cấu cũng đã được quán triệt và triển khai thực hiện, tuy nhiên, mức độ, hình thức tổ chức thực hiện và kết quả đạt được là khác nhau.

Việc chậm xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện chương trình hành động tái cơ cấu trước hết thuộc trách nhiệm của UBND các địa phương mà nguyên nhân chính là sự quan tâm, chỉ đạo thiếu sâu sát quyết liệt của cấp có thẩm quyền.

Mặt khác, có sự lúng túng trong việc xác định nội dung, giải pháp thực hiện tái cơ cấu ở địa phương; nguồn lực để thực hiện tái cơ cấu hạn chế.

Bộ trưởng cũng cho hay tại phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo liên ngành tái cơ cấu nông nghiệp mới đây, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã yêu cầu các địa phương còn lại phê duyệt ngay đề án, kế hoạch hành động tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn.