09:35 01/03/2012

Tiêu thụ thép liên tục “giật lùi”

Huyền Vi

Hiện nay, lượng thép tồn kho khoảng 350 nghìn tấn, chưa kể 560 nghìn tấn phôi thép chuẩn bị sản xuất cho tháng tới

Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), lượng thép tiêu thụ trong tháng 2 chỉ đạt 360 nghìn tấn, tăng khoảng 130 nghìn tấn so với tháng 1, nhưng vẫn ở mức thấp so với mức bình quân 400 - 420 nghìn tấn/tháng trước đây.

Hiện nay, lượng thép tồn kho khoảng 350 nghìn tấn, chưa kể 560 nghìn tấn phôi thép chuẩn bị sản xuất cho tháng tới. VSA cũng dự báo, trong bối cảnh các dự án bất động sản, các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng có vốn đầu tư của Nhà nước vẫn được kiểm soát chặt thì trong các tháng tới nhu cầu thép trong nước vẫn sẽ ở mức thấp.

Trong cuộc họp bàn về tình hình sản xuất, kinh doanh năm 2012 diễn ra mới đây giữa VSA và một số doanh nghiệp  sản xuất thép lớn, có ý kiến cho rằng, với những khó khăn của thị trường tiêu thụ và các chính sách kinh tế thắt chặt thì mức tăng trưởng toàn ngành dự kiến 4% cho năm 2012 là khó thực hiện, nên đề nghị hạ chỉ tiêu xuống thấp hơn. Nguyên nhân là do lượng tiêu thụ thép toàn ngành liên tục “đi giật lùi” từ mức 11,7 triệu tấn năm 2009, xuống còn 11 triệu tấn năm 2010 và đến năm 2011 chỉ còn 9,9 triệu tấn.

Tuy nhiên, theo VSA cho dù trong những tháng đầu năm 2012, tình hình tiêu thụ thép tiếp tục gặp khó khăn nhưng dự báo những tháng cuối năm sẽ tăng trưởng trở lại. Giải thích điều này, VSA cho rằng, các doanh nghiệp thép vẫn đang kỳ vọng vào mức tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) mà Chính phủ đặt ra trong năm 2012 là khoảng 6% thì sẽ có cơ hội cho các dự án đầu tư hiệu quả, kéo theo việc tiêu thụ các loại hàng hóa thiết yếu, trong đó có ngành thép.

Hơn nữa, lượng tiêu thụ thép năm 2011 giảm 10% nhưng lượng sản xuất toàn ngành cùng thời điểm chỉ giảm 1% chứng tỏ lượng hàng thép mà các doanh nghiệp sản xuất ra vẫn ổn định. Sự suy giảm chỉ tập trung vào nhóm các mặt hàng thép nhập khẩu là chủ yếu. Do vậy, việc duy trì mức tăng trưởng toàn ngành khoảng 4% là vẫn khả thi.

Theo dự tính, trong năm 2012 ngành thép đặt kế hoạch sản xuất khoảng 9,8 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2011. Song theo nhận định của nhiều doanh nghiệp thép, với tình hình ảm đạm như hiện nay thì năm nay lượng tiêu thụ thép thậm chí còn giảm từ 5 - 7% so với năm ngoái.

Khó khăn của ngành thép vẫn còn tiếp tục kéo dài ít nhất thêm 6 tháng nữa, thậm chí có thể đến hết năm 2012. Hiện nay, mức lãi suất cho vay ở mức 17 - 18% vẫn là quá cao, đặt nhiều doanh nghiệp vào tình cảnh khó khăn.

Một thách thức khác mà ngành thép đang phải đối mặt là sự không công bằng giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Về vấn đề này, Tổng giám đốc Công ty thép Việt (Pomina) Đỗ Duy Thái cho biết, các doanh nghiệp nước ngoài không phải đóng thuế, trong khi đó các doanh nghiệp trong nước lại phải đóng thuế hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Bởi vậy, ông Thái đề nghị VSA kiến nghị với Chính phủ nên tạo sự công bằng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, đặc biệt về vấn đề thuế. Đồng thời cần có những biện pháp khuyến khích doanh nghiệp nội địa phát triển.

Đối với những dự án FDI đã được cấp phép nhưng không thực hiện hoặc triển khai chậm thì cần ngưng lại, bởi những dự án này đã phần nào lấy đi cơ hội sử dụng đất, cảng biển... khiến cho cơ hội của các doanh nghiệp nội bị thu hẹp hơn, trong khi nhu cầu mở rộng đầu tư thực tế của các doanh nghiệp nội còn rất lớn.

Về phía Tổng công ty thép Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Mai Văn Tinh kiến nghị, nên hạn chế nhập khẩu để tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm nội địa. Cần có một số chính sách tháo gỡ nếu khó khăn còn kéo dài hết năm 2012, đồng thời kiến nghị Chính phủ xem xét biện pháp hạn chế nhập khẩu bằng hàng rào kỹ thuật.

Trong bối cảnh này, song song với các giải pháp từ cơ chế, chính sách, thì nhiều doanh nghiệp trong ngành thép đều xác định một trong những giải pháp hiệu quả là các doanh nghiệp cần phải quyết liệt làm ngay là giảm chi phí tài chính, sản xuất, kinh doanh. Từ đó mới có thể hạ giá thành sản phẩm, thúc đẩy cạnh tranh và đạt tăng trưởng.

Đặc biệt, vấn đề sống còn của ngành thép trong năm 2012 là phải nâng cao “sức khỏe” cho các doanh nghiệp, trong đó sẽ đầu tư mạnh cho công nghệ, chứ không phải là sản xuất bằng mọi giá.