23:41 26/11/2014

Tôn giả, tôn nhái và hai cách “móc túi” người tiêu dùng

Mạnh Đức

Hiện rất nhiều cơ sở sản xuất nhập tôn không có nguồn gốc từ Trung Quốc với giá rẻ

Tôn 0.26 mm thay vì 0.30 mm - Nguồn: Thanh Niên.<br>
Tôn 0.26 mm thay vì 0.30 mm - Nguồn: Thanh Niên.<br>
Nạn tôn giả, tôn nhái đang bùng phát trên thị trường hiện nay không những là mối nguy hại khôn lường đối với người tiêu dùng mà còn là “kẻ thù” của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Vàng, thau lẫn lộn


Hiện có hai hình thức gian lận thương mại phổ biến mà các cơ sở kinh doanh tôn giả, tôn nhái sử dụng để “móc túi” người tiêu dùng.

Thứ nhất là tôn kém chất lượng, có độ dày thép nền và độ dày lớp mạ trên bề mặt tôn không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.

Các sản phẩm thương hiệu tôn nổi tiếng trên thị trường thường xuyên bị các cơ sở sản xuất lợi dụng làm giả là Tôn Việt Nhật (SSSC), Tôn Việt Hàn (POSHACO), Tôn Hoa Sen (Hoa Sen Group), Tôn Tân Vạn Phúc (TVP), Tôn Thăng Long (VN Steel), Poshaco...

Thứ hai là tôn giả, tôn nhái. Chỉ cần trang bị máy in phun cỡ khoảng từ 100 - 150 triệu đồng, các cơ sở kinh doanh dễ dàng “phù phép” các sản phẩm tôn kém chất lượng thành hàng chính hãng.

Ngoài hai hình thức nêu trên, hình thức gian lận nghiêm trọng không kém cũng đang diễn ra trong kinh doanh tôn là thực trạng các doanh nghiệp không xuất hóa đơn khi bán hàng.

Do đó, tôn bán ra sẽ có giá thấp hơn so với các đơn vị kinh doanh tuân thủ pháp luật về hóa đơn, thuế. Số hóa đơn không xuất sẽ trở thành nguồn lợi lớn để tiếp tục mua, bán hóa đơn khống trên thị trường.

Điều này dẫn đến thực trạng các đơn vị tuân thủ pháp luật bị cạnh tranh không lành mạnh về giá, và quan trọng hơn là Nhà nước sẽ bị chiếm đoạt một khoản đáng kể thuế VAT.

Nguy hiểm hơn nữa là hiện rất nhiều cơ sở sản xuất nhập tôn không có nguồn gốc từ Trung Quốc với giá rẻ, sau đó in giả nhãn mác, độ dày “theo yêu cầu” để lừa khách hàng.

Như vậy, không chỉ gian lận cả chất lượng, độ dày, thương hiệu mà còn trốn được 10 - 20% thuế. Với từng ấy chi phí, giá bán của tôn chính hãng không thể cạnh tranh nổi.

Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Sen Vũ Văn Thanh cho biết, nhãn hiệu Tôn Hoa Sen đang bị làm giả nhiều nhất.

Môi trường kinh doanh bị cạnh tranh không lành mạnh bằng các chiêu thức gian dối sẽ triệt tiêu động lực sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chân chính trong nước, kéo theo việc suy giảm cả ngành công nghiệp tôn thép và thiệt hại cho nền kinh tế.

Sẽ tổng kiểm tra

Mới đây, Tập đoàn Hoa Sen đã kiến nghị Bộ Công Thương, Cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý cạnh tranh, Cục Sở hữu trí tuệ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Thép Việt Nam, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam và các cơ quan chức năng liên quan khẩn trương cùng vào cuộc để ngăn chặn tình trạng tôn giả, tôn nhái.

Theo kiến nghị này, cần thực thi nghiêm túc Thông tư liên tịch số 44/2013/TTLT - BCT- BKHCN ban hành ngày 31/12/2013 về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu để ngăn chặn các sản phẩm tôn, thép kém chất lượng đang nhập khẩu ồ ạt vào thị trường Việt Nam.

Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế quản lý chặt chẽ, quy trình kiểm tra, rà soát chất lượng trong việc kinh doanh sản xuất tôn của các doanh nghiệp trong nước.

Đặc biệt, có hình thức xử lý thích đáng, chế tài mạnh và mang tính răn đe đối với các trường hợp vi phạm gian lận.

Chia sẻ với các doanh nghiệp, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) Nguyễn Trọng Tín nói, để ngăn chặn xử lý các vi phạm gian lận thương mại đối với chất lượng thép xây dựng, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương đang xây dựng phương án chống buôn lậu, gian lận thương mại  đối với mặt hàng sắt thép xây dựng.

Theo đó, từ nay đến cuối năm 2015, lực lượng chức năng sẽ tiến hành tổng kiểm tra.

Đồng thời, Cục Quản lý thị trường sẽ chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường toàn quốc tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh tôn, thép xây dựng.