09:11 11/10/2010

Tp.HCM tập trung bình ổn thị trường cuối năm

Võ Nhàn Hạ

Nhiều mặt hàng đã tăng giá, song những mặt hàng trong chương trình bình ổn giá vẫn bảo đảm bán đúng giá niêm yết

Hiện tại, giá các mặt hàng trong hệ thống siêu thị Saigon Co.op vẫn ổn định.
Hiện tại, giá các mặt hàng trong hệ thống siêu thị Saigon Co.op vẫn ổn định.
3 tháng cuối năm là thời gian thị trường hàng hoá ở Tp.HCM có nhiều biến động. Tiêu thụ có xu hướng tăng cao bởi vào mùa cưới, giáng sinh và tăng cầu hàng hoá phục vụ sản xuất, xuất khẩu vào tết Nguyên đán Tân Mão 2011.

Góp phần tích cực vào việc kìm chế chỉ số giá tiêu dùng gia tăng, việc cung ứng các mặt hàng thiết yếu được đảm bảo, tháng khuyến mãi tại Tp.HCM vừa kết thúc đã mang lại hiệu quả tốt. Tổng doanh thu bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tăng lên 269.000 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, sau tháng khuyến mãi tại nhiều siêu thị đã nhận được thông báo của các nhà cung cấp sẽ tăng giá từ 5-10% một số mặt hàng.

Ông Huỳnh Hữu Tuấn, Giám đốc chi nhánh siêu thị City mart cho biết: đầu tháng 10 có khoảng 50% đối tác báo giá sẽ tăng giá 5-10%. Sữa Vinamilk tăng khoảng 5%, bánh kẹo 7-10%, dầu ăn, đường cũng tăng nhưng chúng tôi đang có nhiều biện pháp để bình ổn.

Theo qui định, nhà cung cấp muốn tăng giá phải báo trước 15 ngày, như vậy ngày 15/10 sẽ có một số mặt hàng tăng giá. Giá có tăng nhưng không nhiều vì các nhà cung cấp sẽ có chương trình khuyến mãi kèm theo như là tặng sản phẩm, hay mua hoá đơn 300 nghìn đồng thì được một phiếu cào trúng thưởng trị giá 10.000-50.000 đồng và nhiều hình thức khác.

Còn theo ông Nguyễn Thành Nhân, Phó giám đốc Saigon Co.op thì hiện nay, giá các mặt hàng trong hệ thống siêu thị Saigon Co.op vẫn ổn định. Đặc biệt là các mặt hàng nhu yếu phẩm, thực phẩm, trừ nhóm hàng nhập khẩu như rượu, đồ hộp, nước giải khát. Nhóm hàng này tăng giá cũng không tác động nhiều bởi 90% là hàng Việt Nam, hàng nhập chỉ chiếm 10%.

"Chúng tôi đang khuyến mãi 1.000 mặt hàng nhân dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Tháng 10, Saigon Co.op vẫn tiếp tục khuyến mãi nhưng tháng 11 dự tính sẽ có đợt khuyết mãi lớn”, ông Nhân nói.

Để đảm bảo bình ổn giá, Sở Công Thương Tp.HCM đang tích cực chuẩn bị xây dựng nguồn nguyên liệu cung cấp cho các doanh nghiệp thông qua việc phối hợp với các sở công thương khu vực Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Công Thương cho biết: Hiện nay, những mặt hàng trong chương trình bình ổn vẫn đảm bảo giá cả và nguồn hàng. Doanh nghiệp có kế hoạch tạo nguồn hàng, đảm bảo bán theo đúng giá đăng ký. Một số nhà cung cấp đề nghị tăng giá do giá vàng, giá đôla và một số mặt hàng sản xuất từ nguyên liệu ngoại nhập tăng giá. Hiện nay Sở đã làm việc với các nhà cung cấp, làm sao điều chỉnh một cách hợp lý không gây biến động thị trường. Những mặt hàng trong chương trình bình ổn thì vẫn bảo đảm bán đúng giá niêm yết.

Vấn đề quan trọng nhất để bình ổn giá là phải bảo đảm được nguồn hàng cung ứng cho tiêu thụ nội địa. Tạo được nguồn hàng phụ thuộc rất lớn vào sự phối hợp của các sở công thương, doanh nghiệp trên các địa bàn các tỉnh lân cận. Hiện Sở đang hoàn tất các bước cần thiết để xây dựng chuỗi cửa hàng, siêu thị chuyên bán các mặt hàng thuộc diện bình ổn”.

Chương trình bình ổn giá thị trường trong năm 2010 cho đến tết Tân Mão đã được UBND Tp.HCM triển khai từ đầu tháng 6/2010. Theo đó sẽ bình ổn 8 mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu và giao cho 14 doanh nghiệp đầu mối có năng lực, sản xuất kinh doanh phân phối tham gia bình ổn với tổng mức hỗ trợ vốn là 380 tỷ 600 triệu đồng.

Trước và sau Tết 2011, giá bán của doanh nghiệp tham gia chương trình thấp hơn giá sản phẩm từng loại trên thị trường ít nhất là 10% trong suốt quá trình thực hiện bình ổn. Các đơn vị được UBND Tp.HCM tạo điều kiện tham gia bình ổn giá cần phải cam kết bán hàng giảm giá 10% với các mặt hàng thiết yếu so với giá cả thị trường và đảm bảo chất lượng cung ứng đầy đủ hàng.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó chủ tịch UBND Tp.HCM: trong chương trình bình ổn giá hàng hoá năm nay, không chỉ các kênh bán hàng ở các siêu thị, trung tâm thương mại, mà còn khuyến khích doanh nghiệp đưa hàng bình ổn vào chợ thông qua giao hàng trực tiếp cho tiểu thương như là trứng Ba Huân, thịt heo Vissan... đã đưa hàng vào chợ khá thành công.

Nếu làm tốt công tác này thì không chỉ có 1.500 điểm mua bán hàng bình ổn trên đia bàn Tp.HCM, mà cả mạng lưới phân phối hàng hoá cũng sẽ hoạt động hiệu quả hơn, bà Hồng nói.