08:59 31/05/2017

Chỉ bồi thường cho thân nhân người bị oan đã chết

Nguyễn Lê

Nếu quy định bồi thường đối với người thân thích của người bị thiệt hại trong trường hợp người đó còn sống thì dễ phát sinh phức tạp

<span style="font-family: 'Times New Roman'; font-size: 15px;">Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình dự án luật.</span>
<span style="font-family: 'Times New Roman'; font-size: 15px;">Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình dự án luật.</span>
Bàn đi bàn lại, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định chưa luật hoá quy định bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với người thân thích của người bị oan trong trường hợp người đó còn sống.

Sáng 31/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).

Một trong những vấn đề được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội báo cáo giải trình là bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với người thân thích của người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự kể cả trong trường hợp người đó còn sống. Bởi vì trên thực tế, người thân thích của người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự cũng chịu những tổn thất nghiêm trọng về mặt tinh thần mà không phụ thuộc vào việc người bị oan còn sống hay đã chết. 

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì quy định việc bồi thường thiệt hại về tinh thần chỉ trong trường hợp người bị thiệt hại đã chết như dự thảo luật sửa đổi là kế thừa quy định của luật hiện hành, đồng thời phù hợp với quy định tại điều 591 Bộ luật Dân sự, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng chi trả của ngân sách nhà nước. 

Hơn nữa, bồi thường thiệt hại về bản chất là bồi thường trực tiếp cho người bị thiệt hại, nhưng trong trường hợp người đó đã chết thì người thừa kế được hưởng. Vì vậy, nếu quy định bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với người thân thích của người bị thiệt hại trong trường hợp người đó còn sống thì không hợp lý và dễ phát sinh phức tạp trong quá trình thực hiện. 

Mặt khác, vấn đề này chưa được tổng kết, đánh giá tác động và nghiên cứu kỹ các nội dung liên quan. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định như dự thảo luật.  

Trước đó, vấn đề này cũng đã được bàn thảo tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội với nhiều ý kiến trái chiều, nhưng có một thực tế được Phó chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Tống Anh Hào nêu là vừa qua cũng đã giải quyết bồi thường cho thân nhân người bị oan rồi.

Phiên thảo luận sáng 31/5, một số vị đại biểu bày tỏ sự đồng tình với lý lẽ của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và cho đó là phương án khả thi.

Bên cạnh nội dung trên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng giải trình về việc xác định cơ quan giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự.

Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định cho biết, qua thảo luận đa số ý kiến thống nhất với quy định xác định cơ quan giải quyết bồi thường như dự thảo Luật theo nguyên tắc chung là cơ quan ra quyết định gây oan sau cùng chịu trách nhiệm bồi thường.

Có ý kiến đề nghị quy định trách nhiệm bồi thường tại khoản 3 điều 34 của dự thảo luật thuộc về viện kiểm sát vì cho rằng trong giai đoạn này viện kiểm sát đã thực hành quyền công tố và do đó cần xác định viện kiểm sát là cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường. Có ý kiến đề nghị xác định trách nhiệm liên đới bồi thường giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội lập luận rằng, trong hoạt động tố tụng hình sự, các trường hợp gây oan cho công dân thường liên quan đến trách nhiệm của nhiều người thi hành công vụ trong các cơ quan tiến hành tố tụng đã tham gia điều tra, truy tố, xét xử vụ án. Để giải quyết bồi thường cho người bị oan, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hiện hành và dự thảo luật Chính phủ trình Quốc hội đều thống nhất nguyên tắc xác định cơ quan ra quyết định gây oan sau cùng sẽ chịu trách nhiệm thay mặt Nhà nước giải quyết bồi thường. 

Tuy nhiên, trong thực tế, đặc biệt là trong các giai đoạn tiến hành tố tụng có những “điểm rơi” khó xác định một cách rành mạch cơ quan nào là cơ quan ra quyết định gây oan sau cùng. Dự thảo luật Chính phủ trình Quốc hội đã quy định rõ hơn việc giải quyết vấn đề này trên cơ sở nguyên tắc nêu trên, đồng thời bảo đảm nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong từng giai đoạn tố tụng. 

Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan chỉnh lý cụ thể từng điều, khoản và xây dựng 2 phương án tại các điều này để lấy ý kiến các cơ quan tiến hành tố tụng, đồng thời gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội và đưa ra thảo luận tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách. Qua tổng hợp, đa số ý kiến đều thống nhất với phương án quy định tại các điều này như dự thảo Luật Chính phủ trình - báo cáo nêu rõ.