17:31 05/04/2012

“Mừng và lo” với tăng trưởng GDP của Việt Nam

An Huy

Tốc độ tăng GDP của Việt Nam giảm mạnh trong quý 1 khiến giới quan sát cảm thấy vừa mừng vừa lo, Financial Times bình luận

Sự giảm tốc tăng trưởng “mạnh và bất ngờ” diễn ra giữa lúc tăng trưởng tín dụng bị siết chặt gây tác động bất lợi tới các lĩnh vực sản xuất và xây dựng, đã khiến một số nhà đầu tư cảm thấy lo ngại về triển vọng tăng trưởng trong thời gian tới - Ảnh: Getty.
Sự giảm tốc tăng trưởng “mạnh và bất ngờ” diễn ra giữa lúc tăng trưởng tín dụng bị siết chặt gây tác động bất lợi tới các lĩnh vực sản xuất và xây dựng, đã khiến một số nhà đầu tư cảm thấy lo ngại về triển vọng tăng trưởng trong thời gian tới - Ảnh: Getty.
Tốc độ tăng GDP của Việt Nam giảm mạnh trong quý 1 khiến giới quan sát cảm thấy vừa mừng vừa lo, Financial Times bình luận.

Theo bài viết “Vietnamese GPD: Getting into balance” (tạm dịch: GDP Việt Nam: Đi vào thế cân bằng” đăng trên tờ báo kinh tế của Anh hôm 5/4, sự suy giảm trong tốc độ tăng trưởng là một bằng chứng cho thấy chính sách thắt chặt tiền tệ của Việt Nam đã được thực thi thành công, giúp đưa tỷ lệ lạm phát trong tháng 3 xuống mức 14% so với cùng kỳ năm trước, từ mức đỉnh 23% trong tháng 8 năm ngoái.

Tuy nhiên, sự giảm tốc mà theo nhận định của Financial Times là “mạnh và bất ngờ”, diễn ra giữa lúc tăng trưởng tín dụng bị siết chặt gây tác động bất lợi tới các lĩnh vực sản xuất và xây dựng, đã khiến một số nhà đầu tư cảm thấy lo ngại về triển vọng tăng trưởng trong thời gian tới.

Theo thống kê chính thức công bố, GDP quý 1 của Việt Nam tăng 4%, thấp nhất trong 3 năm, so với mức tăng 6,1% đạt được trong quý 4/2011.

Mức tăng trưởng này khiến ngân hàng Citigroup cắt giảm dự báo GDP của Việt Nam năm nay xuống 5% từ mức dự báo 6% trước đó. Ngoài ra, Citigroup cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2013 xuống còn 5,6% từ mức 6,3% trong lần dự báo trước.

Chuyên gia kinh tế Johanna Chua của Citigroup tại Hồng Kông cảnh báo: “Môi trường khó khăn hiện nay ở Việt Nam đối với lĩnh vực xây dựng và sự giảm tốc tăng trưởng cũng sẽ đồng nghĩa với những vấn đề nảy sinh thêm trong chất lượng tài sản của các ngân hàng. Điều này sẽ làm gia tăng gánh nặng về tái cấp vốn cho Chính phủ”.

Financial Times bình luận, trong bối cảnh những vấn đề đáng lo ngại về cấu trúc của nền kinh tế mà Việt Nam đang đối mặt - từ hoạt động đầu tư kém hiệu quả của khu vực kinh tế quốc doanh, tới tình trạng nặng nợ của các ngân hàng - thì những con số tăng trưởng mới nhất quả thực không phải là điều khiến các nhà đầu tư cảm thấy yên tâm. Giới đầu tư càng có lý do để quan ngại khi mà các nền kinh tế khác trong khu vực đang tăng trưởng khá tích cực. Chẳng hạn, kinh tế Indonesia trong quý 1 tăng 6,5%, mức tăng cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997.

Mặc dù vậy, sau 5 năm đầy những biến động, trong đó kinh tế Việt Nam trải qua hai chu kỳ kinh tế liên tục, một số nhà kinh tế lại tin rằng, sự ổn định là yếu tố sống còn để ghìm giữ những kỳ vọng lạm phát và tăng cường niềm tin vào đồng nội tệ.

“Tuy tăng trưởng giảm tốc, sự suy giảm của nhu cầu đã giúp làm nhẹ bớt các áp lực lạm phát, cũng như cải thiện tình trạng thâm hụt thương mại”, chuyên gia kinh tế Trinh Nguyen thuộc ngân hàng HSBC tại Hồng Kông đưa ra nhận định trong một báo cáo được Financial Times trích dẫn.

“Động cơ tăng trưởng của Việt Nam có thể chạy chậm lại trong năm 2012 này so với tốc độ tăng trưởng dài hạn bình quân 7%. Tuy nhiên, điều đó sẽ giúp tạo ra một môi trường vĩ mô ổn định hơn”, báo cáo này có đoạn viết.

Theo Financial Times, Chính phủ Việt Nam đã khiến giới quan sát có phần hơi lo ngại về việc vừa qua nới lỏng chính sách tiền tệ quá sớm. Phóng viên Ben Bland của báo này nhận định, động thái nới lỏng chính sách tiền tệ của Việt nam xuất phát từ “áp lực đem đến tốc độ tăng trưởng kinh tế cao như một biện pháp nhằm tạo ra sự gia tăng thu nhập cho người dân”.

Tuy nhiên, sau khi con số thống kê ảm đạm của quý 1 được công bố, thì chuyên gia kinh tế Matt Hildelbrant thuộc ngân hàng JP Morgan Chase lại lo ngại, rủi ro lớn hơn đối với Việt Nam ở thời điểm hiện nay có thể là việc Chính phủ không kích thích tăng trưởng đủ sớm.

“Sẽ càng khó để giải quyết những khó khăn trong hệ thống ngân hàng nếu nền kinh tế rơi vào trạng thái trì trệ. Chúng ta cần nhìn vào bức tranh lớn hơn. Chúng tôi không muốn GDP Việt Nam chững lại như thế ở một thời điểm mà chúng tôi thấy là Việt Nam cần ‘sang số’ và kích thích tăng trưởng kinh tế”, ông Hildelbrant nói với Financial Times.