18:00 10/01/2022

Thông xe kỹ thuật cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận trước Tết Nhâm Dần

Xuân Nghi

Các tuyến chính đã hoàn thành cơ bản, các tuyến nối và hoàn tất việc kết nối, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận (dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông) đang gấp rút chuẩn bị thông xe kỹ thuật, kịp đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán Nhâm dần, đáp ứng nhu cầu đi lại của bà con trong dịp tết sắp tới...

Sau 12 năm xây dựng kể từ năm 2009, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ hoàn thành và thông xe kỹ thuật vào trước Tết Nhâm Dần, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân ĐBSCL.
Sau 12 năm xây dựng kể từ năm 2009, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ hoàn thành và thông xe kỹ thuật vào trước Tết Nhâm Dần, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân ĐBSCL.

Thông tin trên vừa được ông Nguyễn Tấn Đông, Tổng giám đốc Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, và nói thêm hiện đã sẵn sàng cho việc thông xe.

Theo ông Nguyễn Tấn Đông, trong tổng chiều dài 51,5 km của tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có gần 40 km đường đi qua vùng địa chất yếu nên cần phải xử lý nền bằng phương pháp cắm bấc thấm gia tải. Phía công ty (doanh nghiệp dự án) đã chủ động mời chuyên gia đến nghiên cứu, lựa chọn các giải pháp kỹ thuật tối ưu nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật dự án, bảo đảm chất lượng công trình và rút ngắn tiến độ thi công.

Trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 trong thời gian qua, doanh nghiệp dự án đã chẳng những không gián đoạn thi công mà còn chạy đua với thời gian, luôn có hơn 1.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân trên công trường để kịp đưa công trình vào sử dụng theo đúng kế hoạch.

Để chủ động phòng, chống Covid-19 trong đội ngũ thi công cũng như nhân viên trong công ty, đơn vị đã chủ động làm việc với cơ quan chức năng để cho toàn bộ cán bộ nhân viên tiêm vaccine Covid-19 kịp thời. Tập đoàn Đèo Cả, chủ đầu tư dự án, đã chủ động ứng 500 tỷ đồng bổ sung cho dự án để không làm ảnh hưởng đến tiến độ chung, khi các nhà đầu tư cùng các nhà thầu gặp khó khăn do không đủ nguồn vốn.

Vấn đề khan hiếm nguồn nguyên vật liệu, giá cả biến động lớn trong thời gian giãn cách xã hội, doanh nghiệp dự án đã chủ động tìm kiếm nhà cung cấp và ký kết hợp đồng bình ổn giá. Ban điều hành dự án cũng đã kịp thời bổ sung và thay thế các nhà thầu chậm tiến độ. Công ty đã phải mời các chuyên gia nghiên cứu và tiến hành xử lý kỹ thuật về địa chất như nền đất yếu, giải quyết bài toán nguồn nguyên vật liệu khan hiếm, giá cả leo thang,…

Trước đó, ngày 25/10, báo cáo với Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cùng đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải, trong chuyến kiểm tra tiến độ thực hiện dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, ông Nguyễn Tấn Đông cũng đã nêu lên những khó khăn của doanh nghiệp dự án. Đó là, đề án thu phí của tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương cho đến nay vẫn chưa được phê duyệt và chưa xác định được thời gian thu phí. Do đó, khi dự án Trung Lương - Mỹ Thuận hoàn thành vào cuối năm 2021 sẽ không thể đưa vào vận hành khai thác do chưa kết nối với hệ thống thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương để triển khai thu phí.

Với tổng mức đầu tư 12.668 tỷ đồng, dài 51,5 km, rộng 17 m, 04 làn xe mỗi làn 3,5 m, theo hợp đồng giữa Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận và Uỷ ban nhân dân tỉnh Tiền Giang, dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng quý II/2021. Song vì nhiều lý do, dự án đã phải xin gia hạn đến ngày 30/11/2021 hoàn thành. Lần này sẽ thông xe kỹ thuật vào trước Tết Nhâm Dần,nhằm giảm tải cho quốc lộ 1 đoạn qua địa phận tỉnh Tiền Giang.

Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận được khởi công vào năm 2009 và dự kiến hoàn thành năm 2013. Tuy nhiên, do nhà đầu tư thiếu năng lực, công trình bị đình trệ. Sau nhiều lần thay đổi chủ đầu tư và cả cơ quan quản lý dự án (Bộ Giao thông vận tải), dự án được giao về cho Uỷ ban nhân dân tỉnh Tiền Giang quản lý, chủ đầu tư mới là Tập đoàn Đèo Cả, vốn dự án được điều chỉnh còn hơn 12.000 tỷ đồng.

 

Là dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông nối TP.HCM đi Cần Thơ, kết nối vùng Tây Nam Bộ với TP.HCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận dài 51,5 km chạy dọc địa bàn tỉnh Tiền Giang qua 5 huyện và thị xã gồm: huyện Châu Thành, huyện Tân Phước, huyện Cai Lậy, thị xã Cai Lậy và huyện Cái Bè; có điểm đầu tại nút giao thông Thân Cửu Nghĩa (cũng là điểm cuối của cao tốc TP.HCM – Trung Lương, thuộc huyện Châu Thành) và điểm kết phía tả ngạn sông Tiền tại Mỹ Thuận, cách cầu Mỹ Thuận hiện hữu về phía thượng nguồn.