20:59 28/03/2024

TP.HCM: GRDP ước tăng 6,54% trong quý 1/2024

Thanh Thủy

Tổng cục Thống kê ước tính GRDP quý 1 năm 2024 của TP.HCM tăng 6,54%. Trong đó, tiêu dùng nội địa vẫn là động lực tăng trưởng, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 12,2% so cùng kỳ. Tuy nhiên, giải ngân đầu tư công của TP.HCM vẫn khó đạt được kế hoạch đề ra…

Uớc tính GDRP quý 1/2024 của TP.HCM tăng 6,54% - Ảnh minh họa
Uớc tính GDRP quý 1/2024 của TP.HCM tăng 6,54% - Ảnh minh họa

Sáng 27/3, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã tổ chức Hội nghị lần thứ 28; Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chủ trì Hội nghị.

NHIỀU CHỈ SỐ TĂNG TRƯỞNG TÍCH CỰC

Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết Hội nghị nhằm đánh giá tình hình kinh tế xã hội quý 1, nhiệm vụ trọng tâm quý 2 và thời gian còn lại của năm; thảo luận việc thành lập các tiểu ban để chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ thành phố khóa XII.

Theo Bí thư Thành ủy TPHCM, năm 2024, đứng trước bối cảnh còn nhiều thách thức, thành phố đã cân nhắc và đề ra mục tiêu tăng trưởng cả năm là 7,5 - 8% và có nhiều giải pháp để đạt ra mục tiêu, kế hoạch đề ra một cách tích cực.

Ngay từ đầu năm, dưới sự chỉ đạo sâu sát kịp thời của Trung ương, sự kiên trì quyết liệt, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, nhân dân, doanh nghiệp, các công tác thực hiện theo chương trình đề ra.

Đến nay, các chỉ số tăng tưởng đạt khá, thu ngân sách tiếp tục giữ mức ổn định, nhiều lĩnh vực của thành phố đang trên đà phục hồi, nhất là một số ngành sản xuất công nghiệp, dịch vụ trọng yếu. Cùng với đó, công tác chuyển đổi số, đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng, chỉnh trang đô thị được đẩy mạnh và triển khai thực hiện có hiệu quả.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại Hội nghị sáng 27/3 - Ảnh: Vũ Phong
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại Hội nghị sáng 27/3 - Ảnh: Vũ Phong

Tuy nhiên, quý 1 vẫn còn không ít hạn chế như các động lực tăng trưởng của thành phố chưa đạt như kì vọng, khả năng hấp thụ vốn còn yếu, các yếu tố cạnh tranh để thu hút vốn đầu tư FDI chưa hấp dẫn nhà đầu tư và góp phần thúc đẩy phát triển. Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, cải cách thủ tục hành chính chuyển biến chưa mạnh.

Do đó, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đề nghị hội nghị tập trung đánh giá thực chất tình hình để đề xuất giải pháp trước mắt và cả trung và dài hạn, tận dụng tối đa các nguồn lực để tăng tốc phát triển.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM, cho biết quý 1 năm 2024, Tổng cục Thống kê ước tính GRDP thành phố tăng 6,54%.

Theo Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM, kinh tế thành phố quý 1 có mức tăng cao hơn so với nhận định của các chuyên gia (tăng trên 5,5%) sẽ tạo đà tăng trưởng các quý còn lại.

Trong đó, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 5,37%, sản xuất công nghiệp đang có những chuyển biến tích cực. Tiêu dùng nội địa vẫn là động lực tăng trưởng của thành phố , doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ quý 1 tăng 12,2% so cùng kỳ…

Ngoài ra, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước quý 1 năm 2024 ước tăng 7,6% so với cùng kỳ (quý 1 năm 2023 tăng 1,7%).

Thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn cho nền kinh tế trong trung và dài hạn trong tháng 2/2024 có mức tăng trưởng ấn tượng với khối lượng giao dịch tăng 47,4% và giá trị tăng 87,9%.

Thành phố vẫn là thị trường tiềm năng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài với 247 dự án FDI, tăng 14,4% nhưng quy mô vốn hiện khá thấp khi đạt 0,44 triệu USD/dự án, chỉ đạt 81% so với quy mô cùng kỳ (quý 1 năm 2023 vốn đạt 0,62 triệu USD/dự án). Ông Hoàng cho rằng điều này cho thấy thành phố chưa thu hút được các doanh nghiệp FDI quy mô lớn.

Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM nhận định tăng trưởng năm nay càng về sau sẽ khó khăn. Vì vậy, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2024 thì trước mắt tiêu dùng nội địa vẫn là động lực chính của tăng trưởng thành phố vì hiện tổng cầu nội địa thấp hơn khoảng 5 điểm % so với tiềm năng của thành phố và trong bối cảnh xuất khẩu chưa cải thiện nhiều.

Đồng thời, vốn đầu tư công được xem như "mệnh lệnh" tăng trưởng cho các động lực khác. Thành phố cũng cần tiếp tục đồng hành, tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp để phục hồi sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, cần cải thiện năng suất lao động chính là vấn đề then chốt cho tăng trưởng bền vững dài hạn. Song song đó là khơi thông các nhóm thể chế và môi trường pháp lý, gắn tinh thần trách nhiệm trong điều hành và thực thi công vụ.

TẬP TRUNG GIẢI NGÂN ĐẦU TƯ CÔNG

Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn cho biết giải ngân đầu tư công của thành phố khó đạt kế hoạch đề ra. Dự kiến hết quý 1 năm 2024, số tiền giải ngân được chỉ hơn 5.600 tỷ đồng (đạt 7,1%), trong khi mục tiêu là trên 10% (tương đương gần 8.000 tỷ đồng).

 
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại Hội nghị sáng 27/3 - Ảnh: An Phương
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại Hội nghị sáng 27/3 - Ảnh: An Phương

“Giải ngân vốn đầu tư công đạt kế hoạch là việc không hề dễ dàng. Sở ngành, quận huyện phải xem đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt, các đơn vị cần tập trung công tác giải phóng mặt bằng và tháo gỡ thủ tục để đẩy nhanh tiến độ" -  Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Trước đó, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai, cho biết năm 2024 TP.HCM phải giải ngân hơn 79.260 tỷ đồng vốn đầu tư công. Thành phố đặt mục tiêu giải ngân đạt từ 95% trở lên.

Cụ thể, phấn đấu quý 1 đạt hơn 10% (tương đương gần 8.000 tỷ đồng), quý 2 đạt từ 30% trở lên, quý 3 hơn 70% thì mới đảm bảo quý 4 đạt hơn 95%. Tuy nhiên, tính đến hết ngày 26/3, Kho bạc Nhà nước thành phố mới giải ngân gần 2.500 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 3,1% trên tổng kế hoạch vốn giao.

Chủ tịch Phan Văn Mãi cho rằng đến 31/3 để giải ngân đầu tư công đạt 5.600 tỷ đồng, kho bạc phải làm việc cả ngày thứ bảy, chủ nhật. Các quý còn lại mỗi quý phải giải ngân hơn 20.000 tỷ là điều không dễ nếu không có sự quyết tâm cao của cả hệ thống. Do đó, giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ, chủ đề trọng tâm xuyên suốt của cả năm 2024.

Ngoài ra, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố cũng đề xuất các giải đẩy nhanh tiến độ giải ngân như: linh động điều chỉnh kế hoạch vốn, kiên quyết cắt giảm vốn dự án chậm tiến độ, bổ sung vốn kịp thời cho dự án triển khai tốt; khuyến khích các đơn vị tăng tốc thi công, thực hiện ba ca, bốn kíp, tháo gỡ vướng mắc trong thi công như tìm nguồn cát bổ sung phục vụ san lấp; rút ngắn ít nhất 30% thời gian giải quyết hồ sơ, thủ tục đầu tư...