09:18 01/02/2011

Về một “ông nghị” không ngại làm thiểu số

Vân Chi

Ông chỉ không “sợ”, không ngại làm thiểu số khi thấy cần phải bảo vệ quan điểm mà mình cho là đúng, chứ không để “nổi tiếng”

Không chỉ ở hội trường mà khi thảo luận tại tổ ông cũng rất "chăm" phát biểu - Ảnh: Thế Dũng.
Không chỉ ở hội trường mà khi thảo luận tại tổ ông cũng rất "chăm" phát biểu - Ảnh: Thế Dũng.
Kết thúc phiên biểu quyết về phân bổ ngân sách năm 2011 tại kỳ họp Quốc hội thứ tám vừa qua, ông không ngần ngại cho biết mình là 1 trong số 13 đại biểu nhấn nút không thuận. Tức là thiểu số.

Nhưng khi bị “quy kết” là muốn làm thiểu số thì ông không đồng tình. Ông bảo ông chỉ không “sợ”, không ngại làm thiểu số khi thấy cần phải bảo vệ quan điểm mà mình cho là đúng thôi, chứ không muốn làm thiểu số để “nổi tiếng”.

1. Dù vậy, ông vẫn là vị đại biểu khá nổi trong số gần 500 “ông nghị, bà nghị” của Quốc hội khóa 12. Gõ tên ông vào phần tìm kiếm của Google, sẽ thấy ngay hơn 1,1 triệu kết quả.

Và cho dù ông không “ăn ảnh”, cũng không hay có những phát ngôn gây “sốc”, chưa kể là chất giọng miền trong buộc người nghe phải rất chăm chú mới có thể hiểu, song báo chí vẫn rất “khoái” ông. Đầu tiên là vì hay “chộp” được ý tưởng hay từ các phát biểu. Sau nữa là vì sự sâu sắc, không chỉ là kết quả của quá trình làm việc nghiêm túc mà còn ở sự từng trải và kinh nghiệm hoạt động nghị trường, mà không phải vị đại biểu nào cũng có được.

Ông kể, khi còn là đại biểu Quốc hội khóa 9, ông đã từng kiên quyết bảo vệ quan điểm của mình, dù khác với quan điểm của một vị lãnh đạo cấp cao, khi Quốc hội thảo luận về Luật Tổ chức Chính phủ. Theo ông, nhiệm vụ của chính phủ phải “ổn định kinh tế vĩ mô” chứ không chỉ là phải”chống lạm phát” như  vị lãnh đạo đó đề nghị. Bởi, trong nhiều trường hợp chính phủ phải chống cả “giảm phát” hoặc phải chủ động “lạm phát” để kích thích tăng trưởng, nếu cần thiết. Kết quả khi Quốc hội biểu quyết thì ý kiến của ông được đa số đại biểu đồng tình.

Kể lại việc này, ông cũng không khỏi có chút “tiếc nuối”. Bởi việc đại biểu tranh luận để đào sâu về một vấn đề nào đó trước khi biểu quyết rất quan trọng trong hoạt động nghị trường. Tuy nhiên, không phải lúc nào ưu điểm này cũng được phát huy. Bởi thế nên vẫn có tình trạng luật khó đi vào cuộc sống hoặc vừa ban hành xong đã phải tính chuyện sửa.

Trải qua hai khóa (9 năm) hoạt động nghị trường, điều rất dễ nhận thấy ở ông là trước mỗi vấn đề ông luôn có sự chuẩn bị kỹ càng, và luôn “hiến kế” chứ không chỉ phê bình “suông”. Và càng không dễ “buông” vấn đề mà mình nung nấu, theo đuổi.

 2. Hai trong số nhiều  vấn đề ông theo đuổi là tái cấu trúc, chuyển đổi mô hình tăng trưởng  kinh tế và xây dựng Luật quản lý kinh doanh vốn Nhà nước. Ông cho rằng tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã làm bộc lộ tất cả những tồn tại yếu kém của nền kinh tế Việt Nam.

Cơ cấu kinh tế thiếu sức cạnh tranh, nền công nghiệp ngày càng mang nặng tính chất gia công, tỷ trọng nội địa trong cơ cấu giá trị sản phẩm thấp; mô hình tăng trưởng dựa chủ yếu vào sự tăng vốn, lao động rẻ và khai thác tài nguyên thô... đã làm cho nền kinh tế rất dễ bị “tổn thương” khi có tác động tiêu cực từ bên ngoài. Nó chính là nguyên nhân sâu xa của tình trạng nhập siêu triền miên của nền kinh tế.

Muốn tăng trưởng bền vững và đặc biệt chuyển nền kinh tế Việt Nam từ “lệ thuộc” các nền kinh tế khác sang quan hệ “tương thuộc” trong quá trình hội nhập chính là sự độc lập tự chủ về kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hoá.

Tại kỳ họp Quốc hội thứ 3 (giữa năm 2008) ông đã đề nghị Chính phủ phải xây dựng đề án tái cấu trúc nền kinh tế và báo cáo Quốc hội. Kiên trì “đeo đuổi” vấn đề này cho đến kỳ họp thứ 8 vừa qua, ông đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ về những chính sách và giải pháp để thực thi. Bởi, ông cho rằng đây là vấn đề trọng tâm của kinh tế vĩ mô Việt Nam, nếu càng chậm giải quyết càng khó khăn trong quá trình công nghiệp hóa nền kinh tế.

Việc chậm ban hành luật quản lý kinh doanh vốn nhà nước cũng không ít lần khiến vị đại biểu này phải “thở dài”. Bởi  vấn đề này đã được cá nhân ông cùng nhiều vị đại biểu khác đã đề nghị từ đầu nhiệm kỳ. Đến kỳ họp gần đây nhất,  khi Quốc hội “nóng” lên về tình hình Vinashin thì ông lại tiếp tục kiến nghị với nhấn mạnh phải giải quyết từ gốc những lỗ hổng về pháp lý trong quản lý.

Tài liệu lưu trữ về các kỳ họp của Quốc hội cho biết, từ nhiều kỳ họp trước, ông đã đặt vấn đề là sau thời điểm 1/7/2010 khi Luật Doanh nghiệp Nhà nước hết hiệu lực, cần phải có luật để điều chỉnh phần vốn kinh doanh của Nhà nước, mà lực lượng doanh nghiệp Nhà nước đang nắm giữ trên 30 tỷ USD (vốn chủ sở hữu trên sổ sách), chưa kể đất đai, mặt bằng hàng trăm triệu m2 chưa định giá. Cần phải luật hóa mối quan hệ giữa chủ sở hữu là nhà nước với người quản trị doanh  nghiệp Nhà nước; cần xác định chức năng của doanh nghiệp Nhà nước trong điều kiện kinh tế thị trường và cần phải giám sát hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước thông qua cơ chế cụ thể…

Phải làm được điều này để tránh xảy ra “tình trạng Vinashin”, ông nói.

3. Đã từng đặt chân đến nhiều vùng đất của hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ, đủ cả Âu, Á, Phi… thấy nhiều cái hay và cũng không ít điều dở. Học người để làm cho mình tốt lên, ông nói “kẻ sĩ” phải coi đất nước là trên hết. Phê bình thì dễ nhưng “hiến kế” thì khó lắm.

Phẩm chất của “kẻ sĩ”, nhưng lại trong vai trò đại biểu của dân, theo ông phải chọn lọc vấn đề vừa hợp lòng của cử tri nhưng cũng phải giúp Nhà nước kế sách tháo gỡ những khó khăn vướng mắc thông qua cơ chế và chính sách tùy theo lĩnh vực mà mình học hỏi được. Đi nước ngoài học tập kinh nghiệm là cần, nhưng nếu không nghiên cứu cặn kẽ những điều kiện cụ thể mà chỉ “bê” những điểm tốt của những nước có điều kiện khác nhau vào nước mình, thì coi chừng cái tích cực có thể trở thành cái tiêu cực.

Một lần trên diễn đàn Quốc hội, ông phát biểu, mỗi một hệ thống luật pháp có ưu và có nhược, nhưng mang tính hệ thống thì nó vận hành được. Còn nếu chỉ lấy cái ưu của mỗi hệ thống mà ráp lại với nhau, thì sẽ dẫn đến xung đột không thể vận hành. Ông ví von, như nếu lấy máy của xe Toyota mà ráp với bộ phận truyền lực của xe Mercedes, thì hai cái ưu đó trở thành cái nhược.

Tại kỳ họp Quốc hội thứ 2 (cuối năm 2007) ông đã khiến nghị trường ồ lên tiếng cười khi cho rằng, nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài cho thấy, trong quá trình đô thị hóa của nhiều nước họ đã biến đất đô thị thành “con gà đẻ trứng vàng” để phát triển đô thị, nhưng ở Việt Nam thì “quả trứng” này dường như lại không muốn “chui” vào ngân sách. Vì thế phải có chính sách tài chính về đất đai để tạo nguồn vốn đầu tư cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị.

Đến nay, ông vẫn chưa thôi trăn trở về vấn đề này, với tâm tư không chỉ của một đại biểu Quốc hội, mà còn của một người làm công tác nghiên cứu chính sách. Có người gọi ông là ông “ba trong một”, vì ông còn là người có thâm niên trên 30 năm nghiên cứu khoa học và là thành viên của các tổ chức tư vấn trong nhiều nhiệm kỳ của chính phủ.
   
Dù vậy, ông vẫn sẵn sàng từ chối những “sự vụ” chưa thực sự cần thiết để có mặt ở nhiều sân golf. Bởi với một người “ba trong một” như ông, golf không chỉ là một môn thể thao đơn thuần, mà golf còn là điều kiện để bồi dưỡng thể - trí lực; rèn luyện tính kiên nhẫn và cách vượt qua chính mình.

Khi có thời gian và cơ hội, ông cũng thích “lang thang” đất kinh kỳ và không bỏ lỡ khoảnh khắc ngắm hoàng hôn Tây Hồ bảng lảng dưới sương thu. Ông bảo, nếu ở Sài Gòn có không gian nên thơ như Hồ Tây thì chắc sẽ có nhiều “chiêu” kinh doanh lắm, chứ không lặng lẽ như ở Hà Nội thế này. Nhưng dù sao, ông vẫn rất yêu “hồn quê” miền Bắc. Nơi mà cái se lạnh cuối thu đầu đông đặc biệt đến mức khiến ông thấy “thèm” mỗi khi trở về phương Nam tràn nắng.

Nhưng dường như ngay cả những lúc tự cho mình thảnh thơi đó, ông cũng vẫn ngẫm nghĩ đến những vấn đề đã “theo đuổi” nhưng chưa đến hồi kết. Bởi theo ông, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, của “kẻ sĩ” với đất nước là không có nhiệm kỳ.

4. Ông là Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội khóa 12 (trước đó đã là đại biểu Quốc hội khóa 9), tiến sỹ kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Tp.HCM, hiện là Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Bạn muốn gặp ông, khi Quốc hội đang họp, hãy đến hành lang bên trái của Hội trường Bộ Quốc phòng. Nếu không bị báo chí “vây” thì ông thường lặng lẽ hút thuốc và “tán chuyện” với vài đại biểu khác có cùng sở thích, mà ông thường nói vui là “những con người lạc hậu” của thế kỷ 21 gặp nhau.