22:56 21/11/2022

CEO Microsoft: "Tôi rất lạc quan về Châu Á, đặc biệt là Ấn Độ và Trung Quốc"

Bảo Ngọc

Giám đốc Điều hành Microsoft nói rằng ông lạc quan về châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ, khi hãng công nghệ này có kế hoạch xây dựng thêm các trung tâm dữ liệu trên khắp thế giới….

"Chắc chắn rồi. Chúng tôi rất, rất lạc quan về những gì đang xảy ra ở châu Á", ông Satya Nadella, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Microsoft, chia sẻ với CNBC trong một cuộc phỏng vấn mới đây, nói thêm rằng Microsoft đang đầu tư vào ít nhất 11 khu vực.

"Ngày nay, chúng tôi chủ yếu làm việc để hỗ trợ các công ty đa quốc gia hoạt động tại Trung Quốc và một số công ty đa quốc gia bên ngoài Trung Quốc".

Ông cũng nói thêm rằng Ấn Độ là một "thị trường tăng trưởng khổng lồ" sau đại dịch.

"Sự hiện diện trước đó của Microsoft ở Ấn Độ chủ yếu là liên kết, hỗ trợ các công ty đa quốc gia hoạt động tại đây. Nhưng hiện tại, bối cảnh đã hoàn toàn thay đổi", vị CEO này nhận định.

"Cục diện đã hoàn toàn đảo ngược, khi các công ty ở Ấn Độ, cho dù là tập đoàn lớn hay công ty khởi nghiệp mới, đều đang sử dụng công nghệ đám mây và AI để đổi mới và tạo ra các dịch vụ phổ biến ở Ấn Độ và một số khu vực khác".

Microsoft trước đây đã trả lời phỏng vấn với hãng truyền thông Ấn Độ Economic Times rằng có nhu cầu rất lớn trong việc phát triển các ứng dụng đám mây gốc hoàn toàn mới tại quốc gia này.

SA THẢI HÀNG LOẠT TRONG LĨNH VỰC CÔNG NGHỆ

Microsoft vào tháng 10 đã công bố một đợt sa thải ảnh hưởng đến ít nhất 1% số lượng nhân viên.

Tương tự, những gã khổng lồ công nghệ Mỹ đã sa thải công nhân trên quy mô lớn, nhưng CEO Nadella khẳng định rằng ông vẫn lạc quan về thị trường lao động.

Meta đã cắt giảm 11.000 công nhân, Snap đang sa thải hơn 1.000 người, trong khi Twitter cắt giảm khoảng một nửa lực lượng lao động vào tháng trước sau khi Elon Musk nắm quyền kiểm soát gã khổng lồ truyền thông xã hội.

Ông Nadella nói: "Thị trường lao động hiện tại có khả năng phục hồi tốt hơn nhiều", và khẳng định rằng hầu hết các tổ chức, từ công ty năng lượng đến ngân hàng và nhà bán lẻ đều cần những kỹ sư phần mềm.

Rõ ràng, không có ngành công nghiệp nào miễn nhiễm với các vấn đề kinh tế vĩ mô. "Vì vậy, mọi tổ chức phải quản lý chi phí và nhu cầu một cách hợp lý".

"Một trong những điều hấp dẫn ở thị trường Mỹ là lượng vốn đang được đầu tư", vị CEO cho biết thêm rằng những cơ sở hạ tầng công nghiệp mới như nhà máy chế tạo, nhà máy điện và nhà máy sản xuất pin cũng đang được xây dựng ngày càng nhiều.

"Tôi tập trung hơn nhiều vào việc quan sát về những sự tăng trưởng mới bên trong Hoa Kỳ. Vì vậy, tôi cũng rất, rất lạc quan về Mỹ và thế giới".