Đổi mới sáng tạo mở: Xu thế tất yếu để doanh nghiệp phát triển và tồn tại
Tiến trình toàn cầu hóa tiếp tục đặt Việt Nam trước cơ hội phát triển và cả những thách thức trước sự gia nhập từ các hệ sinh thái nước ngoài. Vì lẽ đó, đổi mới sáng tạo mở được cho à một xu thế tất yếu và một trong những ưu tiên hàng đầu mà doanh nghiệp cần thực hiện…
Chúng ta đang tiến vào một thế giới BANI - Nơi mọi thứ trở nên Mong manh (Brittle), Lo lắng (Anxious), Phi tuyến (Non-Linear) và Khó lường (Incomprehensible) (khái niệm do nhà nhân chủng học người Mỹ, tác giả và nhà tương lai học Jamais Cascio đề cập).
Trong bối cảnh này, các hệ thống có thể tan vỡ ngay cả với những sự cố nhỏ, mất định hướng trở thành điều thường thấy, và sự phức tạp biến thành một cuộc phiêu lưu khám phá không tưởng. Do đó, cần phải tiến tới việc phá bỏ các giới hạn, kể cả quy mô của các doanh nghiệp để tiến đến đồng sáng tạo các giải pháp mới, chung tay đối phó với những vấn đề mới của thế giới BANI.
Đây là những chia sẻ đáng chú ý của Bà Nguyễn Hương Quỳnh, CEO của Nền tảng kết nối Đổi mới sáng tạo BambuUP tại Lễ khởi động Dự án Báo cáo Hệ sinh thái ĐMST mở Việt Nam 2023 ngày 3/10. “Vì lẽ đó, đổi mới sáng tạo mở sẽ không chỉ một lựa chọn, mà sẽ là một xu thế tất yếu và là một trong những ưu tiên hàng đầu mà doanh nghiệp cần thực hiện để phát triển và tồn tại đến năm 2030”, bà Quỳnh nhấn mạnh.
VIỆT NAM TRONG TIẾN TRÌNH HỘI NHẬP VỚI DÒNG CHẢY ĐỔI MỚI SÁNG TẠO TOÀN CẦU
Trong những năm vừa qua, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam có hướng phát triển tích cực, sự tham gia của các chủ thể trong hệ sinh thái ngày càng tăng trưởng tốt cả về chất lượng và số lượng. Theo Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index) năm 2023 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ toàn cầu (WIPO) vừa mới công bố, Việt Nam xếp vị trí 46/132 quốc gia, tăng 2 bậc so với năm 2022.
Tiến trình toàn cầu hóa, khu vực hóa tiếp tục đặt Việt Nam trước cơ hội phát triển và cả những thách thức trước sự gia nhập và cạnh tranh lành mạnh từ các hệ sinh thái nước ngoài. Theo các chuyên gia, để hệ sinh thái trong nước nhận định đúng và đủ về tiềm lực; chủ động tiếp thu, học tập, ứng dụng linh hoạt, sáng tạo các bài học từ hệ sinh thái nước ngoài; cải thiện môi trường nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, sẽ là những công tác quan trọng cần được quan tâm.
Trước yêu cầu chuyển đổi từ lượng sang chất, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước về đổi mới sáng tạo mở, Báo cáo Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo mở 2023 được kỳ vọng sẽ góp phần giúp xúc tiến những cơ hội hợp tác và đầu tư mới, tạo điều kiện để Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo mở của khu vực và thế giới.
Đây cũng là năm thứ ba Báo cáo được tiến hành để tiếp nối thành công của hai mùa đã qua, khắc họa bức tranh hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở tại Việt Nam năm 2023 trong xu thế toàn cầu hóa. Năm nay, Báo cáo tiếp tục được phát hành dưới sự bảo trợ của Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (NATEC) và Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp Sáng tạo Quốc gia (NSSC) thuộc Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, do Nền tảng kết nối Đổi mới sáng tạo BambuUP thực hiện.
“THẾ GIỚI PHẲNG CỦA ĐỔI MỚI SÁNG TẠO"
Với chủ đề “Thế giới phẳng của Đổi mới Sáng tạo” (The Flat World of Innovation), báo cáo năm nay cũng sẽ khắc họa thành công bức tranh toàn cảnh về hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, đúng với tinh thần đổi mới sáng tạo không biên giới.
Một trong những điểm mới quan trọng trong Báo cáo năm nay chính là sự chung tay của các đối tác quốc tế. Đây sẽ là mùa Báo cáo đầu tiên chứng kiến sự tham gia đóng góp của các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau như: Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Quảng Đông - Hồng Kông - Ma Cao, Trung Quốc...
Ông Lee Byoung Moog, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Công nghệ thông tin Hàn Quốc (KICC) (Bộ Khoa học & Công nghệ thông tin Hàn Quốc) cho biết: “Kể từ sau Covid-19, số lượng doanh nghiệp Hàn Quốc gia nhập thị trường Việt Nam đã tăng lên đáng kể, nhưng thông tin về thị trường tại Việt Nam lại chưa đầy đủ".
Ông Lee cho biết, phiên bản Báo cáo năm 2022 đã là một tài liệu giá trị, cung cấp một cơ sở tham khảo hoàn thiện, hữu ích, đa chiều đối với chính Trung tâm hợp tác CNTT Hàn Quốc, đặc biệt là khi tổ chức này đang thực hiện dự án thường niên, nhằm tìm kiếm các công ty khởi nghiệp tiêu biểu của Việt Nam và hỗ trợ họ tham gia vào thị trường Hàn Quốc.
Cùng với sự mở rộng quy mô đồng kiến tạo ra phạm vi quốc tế, mùa Báo cáo thứ 3 này sẽ mang đến nhiều nội dung phục vụ nhu cầu về thông tin của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở Việt Nam cũng như thu hút nhiều hơn nữa các làn sóng thương mại, kinh doanh, đầu tư từ thế giới. Báo cáo sẽ tiếp tục được công bố tại TECHFEST toàn quốc tổ chức vào cuối năm 2023.