Apple thua kiện, phải trả nợ chính phủ Ireland 14,4 tỷ USD tiền thuế
Sau phán quyết cuối cùng của tòa án tối cao châu Âu mới đây, Apple bị yêu cầu phải trả tiền thuế truy thu khổng lồ là 14,4 tỷ USD (13 tỷ euro) cho chính phủ Ireland...
Quyết định này đánh dấu sự kết thúc cho cuộc chiến pháp lý kéo dài 8 năm giữa Apple, chính phủ Ireland và Liên minh châu Âu.
Theo CNBC, vụ việc bắt nguồn từ năm 2016 khi Ủy ban châu Âu ra lệnh cho Ireland thu hồi tới 13 tỷ euro (khoảng 14,4 tỷ USD) tiền thuế truy thu từ Apple. Theo đó, gã khổng lồ này bị cơ quan lập pháp châu Âu cáo buộc chuyển doanh thu bán hàng tại EU thông qua trụ sở chính tại Ireland, nhằm tận dụng mức thuế doanh nghiệp thấp của Ireland và các thỏa thuận đặc biệt giúp giảm thêm gánh nặng thuế của công ty. Apple và Ireland đã kháng cáo quyết định của ủy ban vào năm 2019
Mặc dù ban đầu Apple đã thắng kiện, tuy nhiên EU đã đưa vụ việc lên tòa án cấp cao hơn. Tòa án Công lý châu Âu hiện đã lật ngược phán quyết trước đó, giữ nguyên phán quyết ban đầu rằng Apple đã nhận được lợi ích thuế “bất hợp pháp” từ Ireland trong suốt hai thập kỷ.
Phát ngôn viên của Apple khẳng định công ty luôn hoàn thành đẩy đủ nghĩa vụ thuế tại các quốc gia mà họ hoạt động và chưa bao giờ nhận được bất kỳ giao dịch đặc biệt nào, đồng thời cho rằng Ủy ban Châu Âu chưa xem xét đầy đủ theo luật thuế quốc tế.
Trong khi đó, Chính phủ Ireland khẳng định lập trường của họ luôn là "không dành ưu đãi thuế cho bất kỳ công ty hoặc người nộp thuế nào".
Giới công nghệ hy vọng sẽ sớm thiết lập các quy tắc toàn cầu về thuế đối với các công ty đa quốc gia để những trường hợp tương tự sẽ không xảy ra trong tương lai. Tổng giám đốc điều hành Apple Tim Cook đã công khai ủng hộ ý kiến này.
Phán quyết của Tòa án Công lý châu Âu được đưa ra vài giờ sau khi công ty công bố các sản phẩm mới, bao gồm iPhone, Apple Watch và AirPod.
Đây không phải là lần đầu Apple nằm trong tầm ngắm của EU. Gần đây nhất, Ủy ban châu Âu đã phạt Apple 1,8 tỷ euro vào tháng 3 vì lạm dụng vị thế thống lĩnh của mình trên thị trường phân phối ứng dụng phát nhạc trực tuyến.
Riêng Đạo luật thị trường kỹ thuật số toàn diện của EU đã buộc các công ty phải thay đổi một số hoạt động của họ tại châu Âu. Ủy ban đã mở nhiều cuộc điều tra theo DMA đối với các gã khổng lồ công nghệ, bao gồm Apple, Alphabet và Meta.