Báo lãi kỷ lục 6 tháng song thời huy hoàng của công ty chứng khoán sắp hết?
Sau một thời gian tăng trưởng bứt phá, các công ty chứng khoán nhiều khả năng sẽ rơi vào chu kỳ tăng trưởng chậm lại…
Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2/2021 đang bắt đầu cũng là lúc bức tranh về kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán - nhóm vốn dĩ được nhà đầu tư quan tâm nhờ triển vọng thị trường chứng khoán thiết lập nhiều kỷ lục đang dần hé lộ.
NHIỀU CÔNG TY BÁO LÃI KỶ LỤC 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2021
Công ty CP Chứng khoán VnDirect (mã chứng khoán VND) vừa công bố báo cáo tài chính riêng quý 2/2021 ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng bứt phá so với cùng kỳ năm 2020.
Cụ thể, doanh thu hoạt động trong kỳ của VND ghi nhận 1.091 tỷ đồng, tăng 166% so với quý 2/2021. Doanh thu tăng mạnh nhờ lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (EVTPL) ghi nhận 327,8 tỷ đồng, tăng 2,6 lần, trong đó lãi từ nghiệp vụ tự doanh ghi nhận 185 tỷ đồng, tăng 55%. Lãi từ các khoản cho vay và phải thu ghi nhận 244 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần. Doanh thu nghiệp vụ môi giới chứng khoán ghi nhận 371 tỷ đồng, tăng 3,4 lần.
Kết thúc quý 2/2021, VnDirect lãi sau thuế 389 tỷ đồng, tăng gần 3 lần so với quý 2/2021. Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2021, VnDirect ghi nhận lãi 904,6 tỷ đồng, tăng gần gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Báo cáo tài chính quý 2 vừa công bố, chứng khoán VIX ghi nhận doanh thu đạt 356 tỷ đồng, gấp 2,1 lần cùng kỳ năm trước. Kỳ này, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt 265 tỷ đồng, tăng 79%. Trong đó, lãi bán tài sản tài chính là 292 tỷ đồng. Lãi từ cho vay và phải thu ở mức 36,5 tỷ đồng, gấp 3,6 lần quý 2/2020. Doanh thu môi giới đạt 48,5 tỷ đồng, gấp 7,6 lần.
Nhờ đó, VIX báo lãi sau thuế quý 2 gần 108 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng, doanh thu VIX đạt 867 tỷ đồng, gấp 3,3 lần nửa đầu năm 2020. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 427 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ là hơn 46 tỷ đồng và hoàn thành 78% kế hoạch cả năm 2021.
Chứng khoán KIS Việt Nam cũng ghi nhận doanh thu hoạt động tăng trưởng bứt phá trong quý 2 năm nay đạt 568,8 tỷ đồng, tăng gần 13 lần so với quý 2/2021. Trong đó, lãi bán các tài sản tài chính ghi nhận 346,5 tỷ đồng, tăng 12,8 lần; lãi từ các khoản cho vay và phải thu 119 tỷ đồng, tăng 2 lần; nghiệp vụ môi giới chứng khoán 110,4 tỷ đồng, tăng gần 3 lần.
Kết thúc quý 2/2021, Chứng khoán KIS ghi nhận lợi nhuận sau thuế 132,6 tỷ đồng, tăng hơn 3 lần. Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2021, KIS ghi nhận lãi sau thuế 237 tỷ đồng, tăng 3 lần.
Chứng khoán Rồng Việt cũng ghi nhận tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt hơn 530 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch cả năm 2021 và tăng trưởng 311% so với 6 tháng đầu năm 2020. Trong đó, doanh thu từ các nghiệp vụ kinh doanh chính như môi giới, ngân hàng đầu tư và đầu tư đều hoàn thành và vượt kế hoạch cả năm 2021.
Lợi nhuận trước thuế ước đạt hơn 306 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước tính đạt hơn 245 tỷ đồng, bằng 170% kế hoạch năm 2021 và bằng 18,6 lần so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mức lợi nhuận cao nhất mà Rồng Việt đạt được kể từ khi thành lập cho đến nay.
Tương tự, nhờ doanh thu từ hoạt động cho vay, nghiệp vụ tự doanh và môi giới chứng khoán tăng mạnh, chứng khoán TCBS cũng ghi nhận doanh thu tăng 3,5 lần trong quý 2 năm nay, đạt 413 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 801 tỷ đồng, tăng 31,7%. Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2021, TCBS ghi nhận 1.475 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2021.
Chứng khoán TVSI cũng ghi nhận doanh thu quý 2/2021 đạt 320,5 tỷ đồng, tăng 89% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng, tăng 2,3 lần. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, TVSI ghi nhận 219 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Chứng khoán Everest ghi nhận doanh thu và lợi nhuận quý 2 lần lượt 118 tỷ đồng và 103 tỷ đồng, tăng 3 lần và 6,8 lần. Luỹ kế 6 tháng đầu năm doanh thu 197 tỷ đồng, lợi nhuận 178 tỷ đồng, tăng 48 lần.
THỜI HUY HOÀNG CỦA CÔNG TY CHỨNG KHOÁN SẮP KẾT THÚC?
SSI Research cũng ước tính lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của 4 công ty chứng khoán niêm yết lớn nhất gồm SSI, HCM, VCI và cả VND sẽ tăng trưởng xuất sắc 155% so với cùng kỳ năm 2020 nhờ mức thấp trong 6 tháng đầu năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19. Kết quả này là nhờ giá trị giao dịch trung bình ngày đạt 22,8 nghìn tỷ đồng (889 triệu USD), tăng ấn tượng 375% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến tháng 6/2021, VN-Index vượt qua ngưỡng kháng cự 1.400 và đóng cửa ở 1.408,55 điểm - mức đỉnh mọi thời đại. Kể từ đầu năm, chỉ số VN-Index ghi nhận mức tăng 27,6%, giúp thị trường chứng khoán Việt Nam là một trong những thị trường tăng mạnh nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, SSI Research ước tính tăng trưởng lợi nhuận của 4 công ty này sẽ bình thường trở lại ở mức tăng 7,7% so với cùng trong nửa cuối năm 2021 so với mức cao trong nửa cuối năm 2020. Tăng trưởng lợi nhuận ước tính là 66,8% so với cùng kỳ cho cả năm 2021 và sẽ bình thường hóa ở mức +21,4% vào năm 2022.
Thực tế, đà tăng trưởng của nhiều công ty đã bắt đầu chậm lại trong quý gần đây. Đơn cử Chứng khoán VIX báo lãi sau thuế quý 2 gần 108 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ năm trước tuy nhiên, mức lợi nhuận này của VIX là thấp nhất trong vòng 4 quý vừa qua. Một số công ty khác ghi nhận lỗ như Chứng khoán Eurocapital (ECC), lỗ 1,1 tỷ đồng quý 2 do nguồn thu không đáng kể; Chứng khoán Đại Việt (DVSC) cũng lỗ 4,2 tỷ đồng trong quý 2/2021.
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán đang bước vào mùa “thấp điểm” khi mà chỉ số Vn-Index dần lùi về mốc 1.200 điểm, thanh khoản mỗi phiên cũng thấp hơn do cú sốc Covid-19 gây tâm lý tiêu cực cho nhà đầu tư. Nếu như trong 6 tháng đầu năm 2021, nhà đầu tư cá nhân đã mở 620.000 tài khoản mới, vượt 50% so với cả năm 2020 thì 6 tháng cuối năm con số này dự kiến ở mức thấp hơn với khoảng 300.000 tài khoản. Dòng tiền F0 thận trọng sẽ khiến hoạt động môi giới, cho vay margin của các công ty chứng khoán cũng co lại.
Mặc dù kỳ vọng doanh thu sẽ tiếp tục tăng cho đến năm 2022 nhờ phí môi giới và cho vay ký quỹ, song SSI Research cho rằng động lực hiện tại của thị trường có thể giảm tốc trong nửa cuối năm 2021 sau khi tăng mạnh trong nửa đầu năm – tạo áp lực giảm thu nhập từ mảng tự doanh.
“Rủi ro chính của ngành còn là biên lợi nhuận giảm đối với hoạt động kinh doanh cốt lõi, bao gồm cho vay và môi giới chứng khoán, do áp lực cạnh tranh gay gắt. Lạm phát tăng, lãi suất tăng và giá cổ phiếu giảm có thể dẫn đến thanh khoản thị trường và lợi nhuận giảm”, SSI Research nhấn mạnh.