Bình Định "mở cánh cửa đầu tiên" để thành trung tâm công nghiệp bán dẫn, AI
Bình Định đã xác định mở lần lượt các cánh cửa để tạo thành công cho sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Theo đó, một trong những cánh cửa đầu tiên là phát triển AI, bán dẫn, an ninh mạng và nguồn nhân lực công nghệ...
Tại Hội nghị Chiến lược phát triển ngành trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn và an ninh mạng do UBND tỉnh Bình Định phối hợp cùng Tập đoàn FPT tổ chức ngày 18/8/2024, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng thông tin: Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra mục tiêu phát triển Bình Định trở thành một trung tâm kinh tế mạnh, bền vững, dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Việc phát triển AI, công nghiệp bán dẫn và an ninh mạng là những bước đi quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu này, góp phần xây dựng tỉnh trở thành trung tâm công nghệ cao của miền Trung nói riêng và cả nước nói chung.
MỞ CÁNH CỬA ĐẦU TIÊN PHÁT TRIỂN AI, BÁN DẪN
AI đang mở ra những cơ hội đột phá trong mọi lĩnh vực. Ông Dũng cho biết Bình Định đã bắt đầu nghiên cứu để áp dụng AI trong các lĩnh vực như quản lý đô thị thông minh, áp dụng văn bản quy phạm pháp luật, trong y tế và nông nghiệp công nghệ cao… Những ứng dụng này không chỉ giúp cải thiện chất lượng dịch vụ mà còn mang lại những giải pháp tối ưu, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả quản lý.
Tuy nhiên, để AI thực sự trở thành động lực chính cho sự phát triển, cần phải xây dựng một hệ sinh thái công nghệ mạnh mẽ, bao gồm việc đầu tư vào hạ tầng số hiện đại, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu.
Còn theo ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, sau khi quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh được phê duyệt, Bình Định đã xác định mở lần lượt các cánh cửa để tạo thành công cho sự phát triển, trong đó, một trong những cánh cửa đầu tiên là phát triển AI, bán dẫn, an ninh mạng và nguồn nhân lực công nghệ.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng nhấn mạnh muốn làm công nghệ phải làm từ gốc chính là nguồn nhân lực. Trong ngắn hạn có thể tạo ra các chính sách để thu hút nhân tài về Bình Định nhưng trong dài hạn, để 5- 10 năm nữa, Bình Định có thể làm chủ nguồn nhân lực công nghệ cần đào tạo cho học sinh tiếp cận các tri thức công nghệ mới, và phải bắt đầu ngay từ cấp mẫu giáo, tiểu học.
Nhiều năm qua, Bình Định đã chọn đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những đột phá của tỉnh. Với những định hướng phát triển và các bước đi hành động của tỉnh, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT tin rằng Bình Định sẽ nhanh chóng trở thành trung tâm AI, bán dẫn, an ninh mạng của khu vực và thậm chí là trên thế giới.
Để làm được điều này thì cái gốc là giáo dục, đào tạo. Bình Định đang nắm trong tay cơ hội ngàn năm có một để tạo sự phát triển vượt trội cho thế hệ trẻ. “Chúng tôi sẽ song hành cùng Bình Định đào tạo, phát triển nguồn nhân lực AI và thu hút các chuyên gia AI hàng đầu của Việt Nam, của thế giới về với Bình Định”, ông Bình cho hay.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương, Bình Định là địa phương có tiềm năng phát triển công nghiệp công nghệ số khi đang có sẵn những lợi thế, đặc biệt là những lợi thế về nguồn nhân lực và khả năng ứng dụng công nghệ số trong các ngành chủ lực của tỉnh như du lịch, nông nghiệp.
Để phát triển thực sự bứt phá, bình định cần tiếp tục đầu tư vào hạ tầng số và đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực số chất lượng cao trong các lĩnh vực mũi nhọn.
Bộ Thông tin và Truyền thông cam kết đồng hành cùng tỉnh Bình Định, các doanh nghiệp công nghệ số nói chung. Ông Phương kỳ vọng với sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh và sự hỗ trợ mạnh mẽ của FPT, công nghiệp công nghệ số của Bình Định sẽ có những bước chuyển mình mạnh mẽ, sớm trở thành một trong những trung tâm công nghệ số của đất nước góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của tỉnh và của cả nước.
CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI ĐẶC BIỆT THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ SỐ, BÁN DẪN
Ông Phương cho biết trong những năm qua, Đảng và nhà nước luôn quan tâm đến việc hoàn thiện xây dựng các thể chế thúc đẩy sự phát triển, hoàn thiện của ngành công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ số trong nước.
Nghị quyết 29 Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành TW Đảng cũng đã nêu rõ cần ưu tiên nguồn lực và có cơ chế chính sách khuyến khích đủ mạnh phát triển những lĩnh vực ưu tiên của các ngành công nghiệp hiện đại, trong đó có bao gồm công nghệ số, trong đó có ưu tiên phát triển AI, dữ liệu lớn, Blockchain, điện toán đám mây, IoT...
Hiện nay công nghiệp công nghệ thông tin, công nghệ số đã thành ngành kinh tế có quy mô rất lớn, một trong những ngành lớn nhất, 2015 đến nay tăng trưởng trung bình khoảng 11%/năm đóng góp lớn cho GDP. Năm 2023 doanh thu của ngành công nghiệp công nghệ thông tin, công nghệ số ước đạt hơn 140 tỷ USD.
Ông Phương cho rằng trong lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghệ số hiện nay một trong những đột phá có tốc độ phát triển nhanh nhất chính là AI và bán dẫn. Bán dẫn chính là ngành công nghiệp nền tảng thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số, công nghiệp điện tử và góp phần mạnh mẽ thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Nhờ sự phát triển mạnh mẽ của bán dẫn dẫn đến sự phát triển vượt bậc của công nghệ AI trong những năm vừa qua.
Bán dẫn và AI đã đi vào tất cả mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội góp phần to lớn nâng cao năng suất lao động, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Trong xu thế phát triển mạnh mẽ của công nghệ AI, bán dẫn, hiện nay có rất nhiều tập đoàn, tổng công ty toàn cầu đang có xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng sang các quốc gia khác trên thế giới thay vì chỉ tập trung vào các quốc gia hay vùng lãnh thổ như hiện nay.
Trong xu thế đó, Việt Nam là một trong các quốc gia đang được rất nhiều tập đoàn lớn trên thế giới quan tâm, cân nhắc lựa chọn làm một điểm đến mới do những lợi thế về địa chính trị, nguồn nhân lực, đồng thời có những tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước như FPT hỗ trợ thúc đẩy hoạt động này.
Ngoài ra, Việt Nam cũng quan tâm xây dựng những cơ chế chính sách, ưu đãi hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này tham gia đầu tư.
Ông Phương thông tin, hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông được chính phủ giao triển khai xây dựng Luật công nghiệp công nghệ số, Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Bộ đã trình Chính phủ cả hai văn bản này.
Các văn bản này nhằm xây dựng hành lang pháp lý, những chính sách đột phá và những nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành công nghiệp mũi nhọn, bắt kịp những xu thế hiện nay về AI , bán dẫn thu hút đón đầu các làn sóng chuyển dịch của các tập đoàn công nghệ lớn vào Việt Nam.
Chia sẻ về một số vấn đề chính trong dự thảo luật công nghệ số, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, sản xuất sản phẩm công nghệ số và cung cấp dịch vụ công nghệ số là ngành nghề được ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật với nhiều ưu đãi đặc biệt như: thuế suất, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm thuế thu nhập cá nhân cho các chuyên gia làm việc, miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Bên cạnh đó, phân quyền, phân cấp cho các địa phương căn cứ điều kiện thực tế để có ngân sách từ ngân sách địa phương hỗ trợ không hoàn lại cho các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, hỗ trợ cho nhà đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn, AI một phần chi phí trong mua thiết bị, chuyển tài sản dây truyền thiết bị công nghệ, chi phí dự án đầu tư mới và hỗ trợ một phần chi phí nhân lực có trình độ chuyên môn cao làm việc trong những lĩnh vực này…