Nguồn nhân lực là yếu tố then chốt phát triển công nghiệp bán dẫn
Việt Nam đang đứng trước những cơ hội to lớn để thu hút đầu tư, phát triển vi mạch bán dẫn. Công nghiệp bán dẫn là một trong những ngành ưu tiên hàng đầu được Việt Nam khuyến khích phát triển. Tuy nhiên, để đón cơ hội này, việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết, trong đó có đào tạo nguồn nhân lực được coi là một trong những yếu tố then chốt...
Theo dự báo của Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Đông Nam Á (SEMI SEA), thị trường bán dẫn Việt Nam có thể tăng trưởng hơn 6% trong giai đoạn 2022-2027. Theo Tổ chức Số liệu thương mại chất bán dẫn toàn cầu (WSTS), thị trường bán dẫn toàn cầu dự kiến tăng trưởng 13,1% trong năm 2024, đạt kỷ lục 588,36 tỷ USD và sẽ tăng lên 990 tỷ USD vào năm 2030.
BÙNG NỔ NHU CẦU VỀ NHÂN SỰ BÁN DẪN
Tại hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc” do Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội phối hợp với Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc tổ chức mới đây, TS. Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), nhấn mạnh Việt Nam đang có nhiều lợi thế với sự tham gia của hàng chục doanh nghiệp bán dẫn, trong đó có hơn 40 công ty thiết kế, khoảng 20 doanh nghiệp lĩnh vực đóng gói, kiểm thử, sản xuất thiết bị ngành bán dẫn. Việt Nam có những đối tác lớn về thiết kế bán dẫn với số lượng kỹ sư tham gia lớn.
Khi tham gia vào công đoạn thiết kế, đội ngũ kỹ sư nhận mức lương khá cao so với thu nhập bình quân của Việt Nam. Theo khảo sát, lương trung bình của một kỹ sư Việt Nam khoảng 60 triệu đồng/tháng.
Thị trường bán dẫn toàn cầu đang trên đà tăng trưởng mạnh, dự tính trở thành nền công nghiệp nghìn tỷ USD vào năm 2030. Tuy nhiên, ngành này đang phải đối mặt với thách thức lớn về nguồn nhân lực và chuỗi cung ứng.
Thị trường bán dẫn toàn cầu đang trên đà tăng trưởng mạnh, dự tính trở thành nền công nghiệp nghìn tỷ USD vào năm 2030. Tuy nhiên, ngành này đang phải đối mặt với thách thức lớn về nguồn nhân lực và chuỗi cung ứng.
Quy mô thị trường lớn khiến nhu cầu nhân sự bùng nổ. Theo WSTS, đến năm 2030 thị trường cần khoảng 1 triệu lao động cho các khâu thiết kế, sản xuất, lắp ráp, đóng gói, kiểm thử chip. Dự báo ngành công nghiệp bán dẫn ở Mỹ sẽ thiếu hụt từ 70.000– 90.000 lao động trong những năm tới.
Hiệp hội ngành bán dẫn của Nhật Bản dự đoán trong thập kỷ tới, mỗi năm ngành này sẽ thiếu hụt khoảng 1.000 nhân lực chất lượng cao.
Nhu cầu nhân sự ở một số thị trường hiện nay cũng đang rất lớn. Nhật Bản đang đề xuất phối hợp với Việt Nam và ASEAN đào tạo 100.000 kỹ sư ngành công nghệ số trong đó có bán dẫn. Hiện nay các đoàn của Nhật Bản đã sang Việt Nam làm việc với các cơ quan liên quan để triển khai.
Tại Đài Loan, ông Đặng Thành Chung, Trưởng bộ phận thị trường Việt Nam FCC Partners và Liên minh ảnh hưởng Đông Nam Á, cho biết vào thời kỳ cao điểm sau Covid-19, thị trường thiếu gần 23.000 người trong các lĩnh vực bán dẫn. Nhằm giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân lực, ở Đài Loan, các trường đại học và các đơn vị đang công bố kế hoạch đào tạo, thu hút nhân tài đến từ nước ngoài, đặc biệt là Đông Nam Á.
Tại Việt Nam, các chuyên gia kinh tế dự báo trong khoảng 5 năm tới, ngành bán dẫn cần khoảng 20.000 người và 10 năm tới là 50.000 người trình độ đại học trở lên. Trong khi số nhân lực thiết kế vi mạch hiện mới chỉ có khoảng 5.000 người.
Khẳng định Việt Nam đang có cơ hội ngàn năm có một, ông Hoài cho biết tại các hội nghị gần đây, Chính phủ và các chuyên gia đều nhấn mạnh tới cơ hội này. Tuy nhiên, nếu không tận dụng nhanh, với sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị xúc tiến đầu tư, khu công nghệ cao, Việt Nam sẽ tuột mất cơ hội này trong thời gian tới.
CƠ SỞ ĐẠT MỤC TIÊU 50.000 KỸ SƯ NHÂN SỰ BÁN DẪN
Phát triển nguồn nhân lực được coi là đột phá của đột phá để phát triển công nghiệp bán dẫn. Dự thảo chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đã xác định nguồn nhân lực là một trong những điểm mạnh của Việt Nam. Việt Nam là nơi đào tạo cung cấp nhân lực bán dẫn ở trong nước và thế giới.
Trong định hướng Dự thảo chiến lược ngành bán dẫn và Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đã xác định Việt Nam trở thành một hub về đào tạo nguồn nhân lực, trong đó đội ngũ kỹ sư nắm được công nghệ chủ chốt của ngành là rất quan trọng.
Ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam được cho là có nhiều lợi thế nguồn nhân lực với số lượng lớn, tỷ lệ dân số vàng, yêu thích các ngành STEM. Việt Nam hiện có 160 trường chuyên ngành đào tạo kỹ thuật công nghệ và 134.000 sinh viên đầu vào mỗi năm tham gia ngành công nghệ, trong đó có 1.400 sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành vi mạch bán dẫn hàng năm. Đây là những lợi thế ban đầu về nhân lực cho bán dẫn.
Bên cạnh đó là các chương trình chuyển đổi đào tạo từ các ngành công nghệ gần phù hợp sang lĩnh vực bán dẫn, đào tạo ngắn hạn. Ông Hoài cho rằng đây là cơ sở để Việt Nam có thể đạt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đào tạo được 50.000 kỹ sư nhân sự bán dẫn.
Chia sẻ những định hướng chính trong Đề án phát triển nguồn nhân lực bán dẫn đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ, đại diện NIC cho biết: Đề án xác định mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư, cử nhân ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó có khoảng 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch và 35.000 kỹ sư trong lĩnh vực đóng gói, kiểm thử, sản xuất thiết bị...
Tp. Hà Nội và Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc đang tập trung thu hút một số doanh nghiệp lớn về bán dẫn ở nước ngoài, góp phần phát triển công nghiệp bán dẫn. Để thu hút đầu tư, Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã có những chính sách khác biệt, ưu đã hỗ trợ. Với những dự án đầu tư quy mô lớn (từ 4.000 tỷ đồng trở lên) được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp trong 30 năm; đồng thời có các cơ chế chính sách về hạ tầng xã hội. Khu sẽ xây dựng danh mục thu hút các dự án hạ tầng xã hội cần thiết đáp ứng nhu cầu của chuyên gia, nhà nghiên cứu, sinh viên, doanh nghiệp đến làm việc, học tập.
Cùng với đó có ít nhất 5.000 nhân sự có trình độ kỹ sư trở lên có chuyên môn sâu về AI phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn; đào tạo 1.300 giảng viên giảng dạy tại các viện nghiên cứu, trường đại học, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp.
Để đạt được các mục tiêu, Đề án đã đưa ra các nhóm giải pháp phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn. Theo đó, xây dựng hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù cho công tác đào tạo, trong đó có đề xuất đột phá như hỗ trợ học bổng cho sinh viên theo học, đào tạo ngành này...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 32-2024 phát hành ngày 05/08/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam