Blog chứng khoán: Cẩn thận với tình trạng “xanh vỏ đỏ lòng”
Kết quả kinh doanh quý 3 và dòng tiền yếu đang tạo sự phân hóa sâu sắc trên thị trường. Có những cổ phiếu đem lại lợi nhuận khá, nhưng phần lớn khác có nguy cơ tạo thua lỗ nặng nếu chỉ nhìn vào biến động của chỉ số...
Kết quả kinh doanh quý 3 và dòng tiền yếu đang tạo sự phân hóa sâu sắc trên thị trường. Có những cổ phiếu đem lại lợi nhuận khá, nhưng phần lớn khác có nguy cơ tạo thua lỗ nặng nếu chỉ nhìn vào biến động của chỉ số.
VNI kết phiên hôm nay tăng nhẹ 0,58 điểm và cũng chỉ tăng ở nhịp ATC. Các mã lớn như VCB, VNM, MSN, CTG được đẩy tăng vọt lên ở đợt đóng cửa cuối cùng tạo vừa đủ điểm số. Tuy vậy độ rộng vẫn giảm nhiều hơn tăng.
Kết quả kinh doanh là một yếu tố, nhưng quan trọng hơn là dòng tiền nhắm tới các cổ phiếu khác nhau. Chỉ số trong tình trạng như vậy chỉ là hệ quả của dòng tiền. Nếu tiền không đẩy giá những mã lớn thì chỉ số sẽ không tăng được.
Nhìn chung các blue-chips vẫn đang có sức mạnh tốt hơn nhóm còn lại. Điều này đảm bảo cho khả năng các chỉ số sẽ vẫn dập dình loanh quanh vùng đáy hiện tại. Thị trường không đủ tiền để tăng đều nên cơ hội tốt nhất cũng chỉ là xoay vòng tăng luân phiên. Vấn đề khó đoán chính là bao giờ đến lượt các cổ phiếu khác, thậm chí có thể là không. VÌ vậy những mã yếu nếu vi phạm ngưỡng quản trị rủi ro thì tốt nhất nên giải tán hoặc cắt giảm. Chỉ vài ngày nữa là ảnh hưởng của kết quả kinh doanh không còn, thị trường tập trung vào các vấn đề lớn hơn.
Trước mắt sẽ là đợt tăng lãi suất của FED. Liệu lãi suất trong nước có lại tăng hay không? Vùng trống thông tin sau đợt kết quả kinh doanh quý 3 và áp lực đáo hạn trái phiếu những tháng cuối năm trong bối cảnh tín dụng vẫn căng. Lợi nhuận quý 4 sẽ là câu hỏi lớn và ít nhất phải tới đầu năm 2023 thì room tín dụng mới được làm mới. Thị trường sẽ khó tìm thấy sự đồng thuận khi không có thông tin nào tạo kỳ vọng.
Với mức giá đã chiết khấu rất sâu, dĩ nhiên cơ hội là tốt cho các vị thế đầu tư dài hạn. Vấn đề là phải thật sự đầu tư dài hạn đúng nghĩa, quan tâm tới giá trị doanh nghiệp và bỏ qua những biến động ngắn hạn. Phần lớn các giao dịch đầu cơ được “khoác áo” đầu tư dài hạn và vẫn bám bảng suốt ngày nên khó chịu nổi sức ép từ thị trường giảm giá. Một cổ phiếu tốt vẫn giảm giá như thường và dài hạn không có nghĩa là cứ nhắm mắt mua. Mặt khác, luôn cần ghi nhớ mọi số liệu chỉ là quá khứ, không thể dùng để lý giải hiện tại.
Thị trường phái sinh hôm nay mở rộng chiết khấu rất nhanh ở F1, trung bình buổi sáng tới gần -20 điểm, gấp đôi mức trung bình cả phiên trước. VN30 ngay đầu phiên đã không vượt nổi mức cản đầu tiên dự kiến, nghĩa là rất yếu và xác suất giảm là cao. Tuy nhiên F1 chiết khấu như vậy làm giảm vùng đệm rủi ro, nên chiến lược Short trước không thực hiện, chuyển sang canh Long. F1 điều chỉnh sâu nhất tạo 2 đáy quanh 985 cũng là một ngưỡng của VN30, F1 co basis xuống dưới mức bình quân, tín hiệu của Long nhập cuộc. Các trụ TCB, VPB, MSN, GAS được kéo rực lên muộn hơn khoảng 10 phút so với tín hiệu basis. Thậm chí lực Short cover sau đó còn triệt tiêu toàn bộ chênh lệch.
Thị trường cơ sở dự kiến vẫn sẽ phập phù bất ổn, kịch bản tốt nhất cũng chỉ là đi ngang “xanh vỏ đỏ lòng”. Nói chung rủi ro ở cổ phiếu vẫn cao, không nên “mó vào”, cơ hội tốt hơn ở phái sinh nhờ tính linh hoạt. Dòng tiền yếu thì các trụ dễ bị tác động. Chiến lược là Long trước, Short sau.
VN30 chốt hôm nay tại 1026.84. Cản gần nhất ngày mai là 1028; 1038; 1045; 1049; 1058. Hỗ trợ 1021; 1016; 1007; 1001; 997; 989; 985; 982.
“Blog chứng khoán” mang tính chất cá nhân và không đại diện cho ý kiến của VnEconomy. Những quan điểm, đánh giá là của cá nhân nhà đầu tư và VnEconomy tôn trọng quan điểm cũng như văn phong của tác giả. VnEconomy và tác giả không chịu trách nhiệm về những vấn đề phát sinh liên quan đến các đánh giá và quan điểm đầu tư được đăng tải.