Blog chứng khoán: Thanh khoản dữ dội, cơ hội còn nhiều
Xu hướng tăng giá của cổ phiếu hàng hóa vẫn được chứng minh rằng yếu tố hỗ trợ mang tính cơ bản vẫn mạnh hơn sức ép ngắn hạn. Thị trường qua chỉ số thì lệt xệt rất “nguy”, nhưng dòng tiền thì mạnh dữ dội, tức là nhà đầu tư phải thấy cơ hội ở đâu đó ngoài những gì chỉ số đang thể hiện...
Xu hướng tăng giá của cổ phiếu hàng hóa vẫn được chứng minh rằng yếu tố hỗ trợ mang tính cơ bản vẫn mạnh hơn sức ép ngắn hạn. Thị trường qua chỉ số thì lệt xệt rất “nguy”, nhưng dòng tiền thì mạnh dữ dội, tức là nhà đầu tư phải thấy cơ hội ở đâu đó ngoài những gì chỉ số đang thể hiện.
Mấy ngày qua thị trường không lập kỷ lục nào về giao dịch, nhưng liên tiếp 6 phiên tính đến hôm nay, giao dịch toàn trên 30k tỷ. Khả năng duy trì liên tục như vậy chỉ nhìn thấy được hồi đầu tháng 1/2022 khi VNI đạt đỉnh lịch sử.
Thanh khoản là “máu” của thị trường và khả năng luân chuyển một lượng tiền lớn cho thấy hiệu quả. Từ góc độ cơ hội, không ai lại xuống tiền mạnh nếu lo ngại rủi ro, nếu sợ thì sẽ thu tiền về và đứng ngoài.
Một điểm cũng nên lưu ý trong thanh khoản, là nhóm tài chính đang “thất sủng” về dòng tiền. Giai đoạn hai tuần đầu tháng 1/2022 thanh khoản rất lớn thì chủ yếu phụ thuộc vào cổ phiếu ngân hàng, trung bình tới 25-30% tính riêng cho khớp lệnh sàn HSX. Tuy nhiên 6 phiên trở lại đây tỷ trọng co lại còn khoảng 13-15%. Vậy mà thanh khoản của thị trường chung vẫn đang duy trì mức trung bình rất cao, tức là tiền phải mạnh lên ở các nhóm cổ phiếu khác.
Điều này phản ánh sự dịch chuyển của dòng tiền và sự phân hóa sức mạnh giữa các nhóm cổ phiếu. Thị trường đang trong giai đoạn vận động theo nhóm ngành, nên yếu tố đại diện chung cho thị trường như chỉ số VNI, VN30 không phản ánh hết được. Ngược lại sự vận động này thể hiện rất rõ nếu quan sát qua các chỉ số ngành. Chỉ cần nhóm các cổ phiếu cùng ngành lại (nên theo tỷ trọng doanh thu) và tạo một chỉ số để theo dõi, có thể thấy sự vận động đồng nhịp rất sớm qua giai đoạn tích lũy và đang ở giai đoạn bùng nổ.
Sự vận động nhóm ngành hiện tại cũng không phải thuần túy dựa trên dòng tiền mà có yếu tố cơ bản. Nếu chỉ đơn thuần là dòng tiền, thì rủi ro đồng loạt bị xả sau khi đạt biên độ giá tăng nhất định là rất cao. Yếu tố cơ bản sẽ khuyến khích nhiều nhà đầu tư duy trì nắm giữ dài hơn là đánh vài vòng T, hoặc chỉ trading hạ giá vốn với khối lượng nhỏ trong các phiên rung lắc. Do đó các đợt chốt lời thường kết thúc nhanh và lực mua mạnh trở lại ngay lập tức.
Nói chung cho đến lúc này xu hướng tăng giá hàng hóa cơ bản trên toàn cầu vẫn còn rất mạnh. Cuộc chiến lệnh trừng phạt lẫn nhau có ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với xung đột nóng. Khả năng hạ nhiệt trừng phạt cũng rất mờ mịt vì xuống thang là chấp nhận thua, mà lúc này thua tức là yếu hơn, là mất vị thế quốc tế. Dĩ nhiên sẽ đến lúc xu hướng tăng giá này kết thúc, nhưng cho đến khi các tín hiệu rõ hơn, nắm giữ dài và trading hạ giá vốn vẫn hiệu quả hơn nhảy nhót.
Cổ phiếu hàng hóa cơ bản hôm nay phục hồi mạnh với nhiều mã biên độ thậm chí còn lớn hơn mức giảm hôm qua. Đó là cơ hội trading rất tốt, khối lượng giữ nguyên, giá vốn giảm. Tuy mất lợi thế T+ cho một khối lượng nào đó, nhưng trong một xu hướng tăng thì rủi ro này không có gì là lớn.
Thị trường phái sinh hôm nay có basis rất chặt, phù hợp với chiến lược canh Short, nhưng nhịp rơi tốt nhất đầu phiên sáng khi VN30 quay đầu tại 1497.xx xuống 1486.xx thì F1 lại mở basis dương. Thời gian còn lại basis hẹp thì VN30 lại dao động hẹp, Short không hiệu quả. Chiến lược vẫn là canh Short.
VN30 chốt hôm nay tại 1489.25, ngay tại một mốc. Cản gần nhất ngày mai là 1494; 1497; 1502; 1509; 1515; 1519; 1522. Hỗ trợ 1486; 1481; 1476; 1472; 1467; 1460; 1455.
“Blog chứng khoán” mang tính chất cá nhân và không đại diện cho ý kiến của VnEconomy. Những quan điểm, đánh giá là của cá nhân nhà đầu tư và VnEconomy tôn trọng quan điểm cũng như văn phong của tác giả. VnEconomy và tác giả không chịu trách nhiệm về những vấn đề phát sinh liên quan đến các đánh giá và quan điểm đầu tư được đăng tải.