Bổ sung quy hoạch cảng Cần Giờ vào danh sách ưu tiên đầu tư
Bộ Giao thông Vận tải đề xuất bổ sung cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ vào quy hoạch, có thể đón tàu 250.000 tấn hoặc lớn hơn. Đồng thời, nâng 3 cảng biển khác thành cảng cửa ngõ và cảng trung chuyển quốc tế…
Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến các bộ, ngành hồ sơ điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Trong đó, đề xuất bổ sung cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ vào diện ưu tiên đầu tư.
CẢNG CẦN GIỜ VÀO DANH SÁCH ƯU TIÊN ĐẦU TƯ
Theo dự thảo điều chỉnh Quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Giao thông Vận tải cho biết quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2021, chưa có nội dung quy hoạch cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Trong khi, Nghị quyết 81/2023 của Quốc hội về định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia nêu rõ về nâng cấp, xây dựng các cảng biển cửa ngõ có chức năng trung chuyển container quốc tế tại Lạch Huyện (Hải Phòng) và Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu); xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (TP.HCM).
Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng việc trình Thủ tướng điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển là cần thiết.
Mục tiêu là nâng cảng biển TP.HCM từ loại 1 lên loại cảng đặc biệt tương tự như cảng biển Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu; cập nhật dự báo lượng hàng trung chuyển quốc tế phát sinh mới cũng như cập nhật dự báo nhu cầu vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa phát sinh tương ứng.
Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông vận tải đề xuất quy hoạch bổ sung bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ vào nhóm cảng biển TP.HCM (thuộc nhóm cảng biển số 4).
Bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được quy hoạch vùng đất và vùng nước tại cửa sông Cái Mép (bên trái luồng Vũng Tàu - Thị Vải) với chức năng trung chuyển container quốc tế, đón tàu 250.000 tấn hoặc lớn hơn.
Theo đó, các bến cảng tiềm năng tại huyện Cần Giờ được quy hoạch bên trái luồng Sài Gòn - Vũng Tàu, khu vực Bình Khánh, cửa sông Ngã Bảy và khu Cù Lao Gò Gia phù hợp với các quy định bảo tồn vùng dự trữ sinh quyển quốc gia. Các bến này sẽ được phát triển đồng bộ với hạ tầng giao thông kết nối cảng, đón tàu trọng tải đến 150.000 tấn, tàu khách 225.000 GT.
Chức năng của cảng Cần Giờ là trung chuyển container quốc tế, được quy hoạch với quy mô, lộ trình đầu tư phù hợp với “Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, TP.HCM” được cấp thẩm quyền phê duyệt. Lượng hàng trung chuyển container quốc tế thông qua bến cảng Cần Giờ khoảng 3,84 triệu TEU đến năm 2030, theo đề án của TP.HCM.
Dự kiến, bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ được đầu tư bằng nguồn vốn của doanh nghiệp, với số tiền khoảng 38.500 tỉ đồng.
Song song đó, Bộ Giao thông vận tải cũng đề xất đưa cảng Nam Đồ Sơn được quy hoạch tại khu vực Nam Đồ Sơn và sông Văn Úc từ hạ lưu cầu Khuể đến cửa sông trở thành cảng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế, phục vụ quốc phòng - an ninh khi có yêu cầu.
Khu vực này sẽ ưu tiên xây dựng các bến cảng phục vụ cụm công nghiệp và bến cảng trung tâm điện khí phù hợp quy hoạch tổng thể về năng lượng, quy hoạch phát triển điện lực và phục vụ di dời các bến cảng trên sông Cấm phù hợp với quy hoạch Hải Phòng.
Cảng Nam Đồ Sơn gồm các bến tổng hợp, hàng rời, container, hàng lỏng, khí, vận chuyển hành khách, các cơ sở đóng mới, sửa chữa, phá dỡ tàu. Bến cảng Nam Đồ Sơn có thể đón tàu tổng hợp đến 200.000 tấn, tàu hàng lỏng/khí đến 150.000 tấn, tàu khách đến 225.000 GT.
NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN CẢNG TRUNG CHUYỂN QUỐC TẾ
Ngoài bổ sung hai cảng cửa ngõ trên, Bộ Giao thông vận tải cũng đề xuất nghiên cứu cơ chế phát triển cảng trung chuyển quốc tế tại Vân Phong (Khánh Hòa) và bến cảng Trần Đề (Sóc Trăng) để có thể triển khai đầu tư khi có đủ điều kiện.
Đồng thời, quy mô tăng trưởng của các nhóm cảng biển cũng được điều chỉnh. Nhóm cảng số 1 (gồm Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình) dự báo đến năm 2030 có lượng hàng hóa thông qua từ 322 đến 407 triệu tấn, hành khách từ 281.000 đến 302.000 lượt. Theo quy hoạch hiện tại, hàng hóa thông qua đạt 305-367 triệu tấn, hành khách 162.000-164.000 lượt.
Với nhóm cảng số 4 (TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và Long An), đến năm 2030 hàng hóa thông qua từ 500 đến 564 triệu tấn, hành khách từ 2,8 đến 3,1 triệu lượt. Dự báo này đã tăng mạnh so với quy hoạch hiện nay là hàng hóa 461-540 triệu tấn, hành khách 1,7 - 1,8 triệu lượt đến năm 2030.
Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cũng đề xuất nhu cầu xây dựng cảng biển đến năm 2030 khoảng 351.500 tỷ đồng từ nguồn ngoài ngân sách, vốn doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác. Vốn ngân sách tập trung cho hạ tầng hàng hải công cộng tạo sức lan tỏa. Số vốn này tăng so với quy hoạch hiện nay là 313.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, một số ngành thay đổi định hướng phát triển như than, xăng dầu, LNG, khoáng sản..., một số nhà máy sản xuất gang thép lớn ở Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên... điều chỉnh theo quy hoạch tỉnh cũng làm ảnh hưởng đến dự báo nhu cầu vận tải biển. Do vậy, ngành giao thông tính toán, điều chỉnh tương ứng về quy hoạch hạ tầng giao thông vận tải.
Năm 2021, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050. Quy hoạch phân loại theo 5 nhóm cảng biển từng vùng địa lý và mục tiêu phát triển từng nhóm, kế hoạch đầu tư trong tương lai.
Theo đó, về xếp hạng, quy hoạch có 2 cảng được xếp hạng đặc biệt là cửa ngõ quốc tế, trung chuyển là cảng biển Hải Phòng và cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu; 15 cảng biển tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (xếp loại 1); 6 cảng biển tổng hợp địa phương (loại 2); 13 cảng biển chuyên dùng (loại 3) phục vụ chủ yếu cho hoạt động của doanh nghiệp.