Bộ Y tế đưa ra cảnh báo về thuốc kháng sinh giả xuất hiện trên thị trường
Bộ Y tế nhận được phản ánh về việc thuốc kháng sinh Cefixime 200 giả xuất hiện tại một số cơ sở bán lẻ ở nhiều địa phương...
Ngày 30/7, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đưa ra cảnh báo trên đến các Sở Y tế sau khi nhận được phản ánh của một số địa phương, về việc thuốc kháng sinh Cefixime 200 giả xuất hiện tại một số cơ sở bán lẻ.
Theo đó, Cục Quản lý Dược nhận được công văn gửi kèm phiếm kiểm nghiệm của Trung tâm Kiểm nghiệm tỉnh Thanh Hóa báo cáo về việc mẫu sản phẩm có các thông tin ghi nhãn: Viên nén bao phim Cefixime 200, số giấy đăng ký lưu hành: VD-28887-18, số lô: 15030723, ngày sản xuất: 030723, hạn dùng 030725, nơi sản xuất: Công ty Cổ phần dược phẩm Cửu Long.
Mẫu thuốc do Trung tâm Kiểm nghiệm tỉnh Thanh Hóa lấy tại Công ty Cổ phần dược phẩm Hưng Thịnh (địa chỉ: 207 tiểu khu Hưng Long, thị trấn Nga Sơn, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Mẫu thuốc không đạt yêu cầu chất lượng về chỉ tiêu định tính cefixim theo tiêu chuẩn cơ sở.
Cục Quản lý Dược cũng nhận được công văn của Trung tâm kiểm nghiệm tỉnh Bình Dương, gửi kèm phiếu kiểm nghiệm số báo cáo về việc mẫu sản phẩm có các thông tin ghi nhãn: Viên nén bao phim Cefixime 200, số giấy đăng ký lưu hành: VD-28887-18, số lô: 28201123, ngày sản xuất: 201123, hạn dùng: 201125, nơi sản xuất: Công ty Cổ phần dược phẩm Cửu Long.
Mẫu thuốc do Trung tâm Kiểm nghiệm tỉnh Bình Dương lấy tại Quầy thuốc tây Thanh Duy (địa chỉ: 174, tổ 4, Lai Khê, Lai Hưng huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương). Mẫu thuốc không đạt yêu cầu chất lượng về chỉ tiêu định tính cefixim theo tiêu chuẩn cơ sở.
Về việc này, Công ty Cổ phần dược phẩm Cửu Long cũng đã báo cáo việc sản xuất các lô thuốc Cefixime 200, và dấu hiệu khác biệt giữa mẫu thuốc lưu tại công ty và mẫu thuốc do Trung tâm Kiểm nghiệm tỉnh Thanh Hóa thu được trên thị trường.
Sau khi đối chiếu, xem xét, để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các địa phương, y tế các ngành thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc thông tin về thuốc giả.
Các thuốc giả này trên nhãn ghi: Viên nén bao phim Cefixime 200, số giấy đăng ký lưu hành: VD-28887- 18; số lô: 15030723, ngày sản xuất: 030723, hạn dùng: 030725, số lô: 04200623, ngày sản xuất: 200623, hạn dùng: 200625 và số lô: 28201123, ngày sản xuất: 201123, hạn dùng: 201125; cơ sở sản xuất là Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long.
Những thuốc này có các đặc điểm, dấu hiệu phân biệt với thuốc thật như sau:
Cục Quản lý Dược đề nghị các đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.
Đồng thời, thực hiện nghiêm các chỉ đạo tại công văn số 7173 của Bộ Y tế về việc tăng cường quản lý, kiểm tra chất lượng thuốc, đấu tranh chống thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Các đơn vị cũng phối hợp với cơ quan công an, quản lý thị trường, Ban chỉ đạo 389, và các cơ quan chức năng liên quan tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn.
Điều tra, xác minh thông tin và truy tìm nguồn gốc về sản phẩm Cefixime 200 giả nêu trên. Xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định hiện hành; kịp thời phát hiện và ngăn chặn việc sản xuất, buôn bán và sử dụng thuốc Cefixime 200 giả.
Cùng với đó, Sở Y tế cần chỉ đạo Trung tâm Kiểm nghiệm tăng cường lấy mẫu, kiểm tra chất lượng thuốc lưu hành trên địa bàn đối với các thuốc có nguy cơ bị làm giả, hoặc kém chất lượng; báo cáo kịp thời các vụ việc phát hiện tới Sở Y tế và cơ quan chức năng liên quan.
Đơn vị cũng cần thiết lập đường dây nóng, tiếp nhận các thông tin về thuốc giả, thuốc nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn, để kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý.
Bên cạnh đó, cần phối hợp với các cơ quan truyền thông, thông tin tới các cơ sở buôn bán, sử dụng thuốc và người dân biết để không buôn bán, sử dụng sản phẩm Cefixime 200 giả có các dấu hiệu nhận biết nêu trên.
Chỉ mua bán thuốc tại các cơ sở kinh doanh dược hợp pháp; không mua bán thuốc không rõ nguồn gốc; kịp thời thông báo các dấu hiệu nghi ngờ về sản xuất, kinh doanh thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc tới cơ quan y tế và cơ quan có chức năng liên quan.