Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước: 5 giải pháp quyết liệt để nâng hạng thị trường chứng khoán
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, chỉ riêng dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII), TTCK Việt Nam có thể thu hút khoảng 25 tỷ USD đến năm 2030...
Phát biểu tại diễn đàn thường niên Đối thoại tháng 7 với chủ đề “Nâng hạng, gọi vốn và phát triển nhà đầu tư tổ chức” diễn ra sáng nay 19/7, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương cho biết năm 2025 là mục tiêu phấn đấu để thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi theo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, chỉ riêng dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII), thị trường chứng khoán Việt Nam có thể thu hút khoảng 25 tỷ USD đến năm 2030.
Thời gian qua, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước luôn chú trọng tới công tác thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Số lượng nhà đầu tư nước ngoài tham gia ngày càng gia tăng; dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng đã hiện diện ngày càng nhiều ở các doanh nghiệp với nhiều vai trò khác nhau, từ cổ đông chiến lược, cổ đông lớn hay nhà đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp trên thị trường thông qua các quỹ đầu tư.
Tính đến ngày 31/12/2023, tổng giá trị danh mục đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 45,64 tỷ USD, tương đương 19% quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu.
Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã, đang khẩn trương rà soát và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp lý để từng bước gỡ các nút thắt trong việc xem xét nâng hạng theo các tiêu chí của các tổ chức quốc tế, đồng thời phối hợp tích cực với các Bộ, ngành liên quan quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm đáp ứng các tiêu chí của các tổ chức đánh giá xếp hạng thị trường hướng tới mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ Cận biên lên Mới nổi, cụ thể:
Thứ nhất, về pháp lý, Ủy ban Chứng khoán đã và đang tích cực làm việc với các thành viên thị trường, các tổ chức trong và ngoài nước để đề ra giải pháp khả thi đối với những vướng mắc chính trong việc xem xét nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi thông qua dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung 04 thông tư về giao dịch, về đăng ký, lưu ký và thanh toán bù trừ, về hoạt động của công ty chứng khoán và về công bố thông tin nhằm sửa đổi 2 quy định về yêu cầu ký quỹ trước trước giao dịch và yêu cầu công bố thông tin bằng tiếng Anh.
Đến nay, Bộ Tài chính đang trong quá trình hoàn thành dự thảo cuối cùng của Thông tư. Dự kiến trong tháng 7 này, Bộ sẽ đăng tải toàn bộ nội dung của dự thảo này cùng các nội dung tiếp thu, giải trình lên trang Web của Bộ Tài chính trước khi ban hành.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong và ngoài nước, các giải pháp, quy định mới trong dự thảo Thông tư là phù hợp và có tính khả thi cao. Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước kỳ vọng việc ban hành Thông tư sẽ tác động tích cực đến quá trình xét nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thứ hai, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán đã và đang tiếp tục làm việc với bộ ngành có liên quan như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để cùng phối hợp đưa ra các giải pháp đáp ứng các tiêu chí nâng hạng.
Các bộ, ngành đang tích cực triển khai các giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam, như việc sửa đổi quy định pháp lý liên quan đến thủ tục mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp theo hướng giảm thiểu thủ tục và rút ngắn thời gian mở tài khoản, cập nhật và công bố đầy đủ tỉ lệ sở hữu nước ngoài tối đa đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hạn chế tiếp cận đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ ba, tích cực chủ động làm việc thường xuyên với các tổ chức xếp hạng, các nhà đầu tư quốc tế lớn nhằm tuyên truyền về chủ trương, định hướng và sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong công tác nâng hạng thị trường; tăng cường phối hợp với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài để giải đáp thắc mắc và ghi nhận, tháo gỡ các khó khăn của nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư tại Việt Nam; tranh thủ sự ủng hộ của nhà đầu tư nước ngoài về mục tiêu nâng hạng.
Thứ tư, cơ quan quản lý thường xuyên trao đổi, phối hợp và trao đổi với các công ty chứng khoán, ngân hàng lưu ký để các thành viên thị trường cập nhật thông tin mới nhất về việc sửa đổi khung pháp lý nhằm hỗ trợ các thành viên thị trường có sự chủ động để chuẩn bị sẵn sàng về hệ thống kết nối, hệ thống vận hành, nguồn lực về vốn và các giải pháp quản trị phù hợp khi các văn bản pháp lý được ban hành và đưa vào triển khai thực hiện.
"Việc nâng hạng phụ thuộc vào sự đánh giá khách quan của các tổ chức xếp hạng quốc tế thông qua trải nghiệm thực tế của các nhà đầu tư nước ngoài. Do vậy, dưới sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh sự nỗ lực cao nhất của cơ quan quan quản lý, để đem lại kết quả như kỳ vọng cần sự tham gia và quyết tâm của các bộ, ngành có liên quan.
Đồng thời, rất cần sự chung sức của các thành viên thị trường trong cung cấp dịch vụ, các công ty niêm yết, đặc biệt là các tổ chức niêm yết lớn trong vấn đề công bố thông tin minh bạch, công bố thông tin bằng tiếng Anh, quản trị công ty theo thông lệ tốt…", Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Vũ Thị Chân Phương nhấn mạnh.