Chứng khoán Mỹ và giá dầu đồng loạt giảm
“Thị trường bắt đầu chuyển sang trạng thái nghiền ngẫm sau mấy phiên tăng mạnh trong tuần này”...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (22/3), nhưng hoàn tất một tuần tăng điểm sau khi có hai phiên liên tiếp lập kỷ lục trong tuần. Giá dầu thô cũng giảm do thông tin về cuộc đàm phán nhằm đi đến một kế hoạch ngừng bắn cho dải Gaza.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 305,47 điểm, tương đương giảm 0,77%, còn 39.475,9 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,14%, còn 5.234,18 điểm. Riêng chỉ số Nasdaq tăng 0,6%, đạt 16.428,82 điểm.
Cả ba chỉ số cùng tăng điểm trong tuần này, với S&P 500 tăng 2,3%. Dow Jones tăng 2%, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 12. Nasdaq vượt trội, ghi nhận mức tăng gần 2,9% cả tuần.
“Thị trường bắt đầu chuyển sang trạng thái nghiền ngẫm sau mấy phiên tăng mạnh trong tuần này”, đồng giám đốc đầu tư (CIO) Keith Lerner của công ty Truist nhận xét về phiên giao dịch ngày thứ Sáu. “Chúng tôi cho rằng xu hướng chung của thị trường vẫn là tăng, nhất là sau khi thị trường đã bứt phá lên những đỉnh cao mới như vừa rồi và đang trên đà hoàn tất tháng tăng điểm thứ 5 liên tiếp”.
Một lý do khiến giới đầu tư lạc quan trong tuần này là kết quả cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương này quyết định giữ nguyên lãi suất và không thay đổi dự kiến có 3 lần giảm lãi suất trong năm nay. Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng ngầm chỉ báo rằng việc giảm lãi suất sắp diễn ra, mặc cho các báo cáo thống kê gần đây cho thấy lạm phát còn nóng - những điểm dữ liệu đã khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại Fed có thể trì hoãn việc hạ lãi suất.
“Chừng đó đã đủ để thị trường đi lên”, ông Lerner nói về chất xúc tác mà Fed mang đến cho thị trường trong tuần này.
Hôm thứ Năm, cả ba chỉ số cùng đóng cửa ở mức cao kỷ lục và lập kỷ lục nội phiên. Đây cũng là phiên tăng thứ tư liên tiếp của cả ba chỉ số.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,35 USD/thùng, chốt ở mức 85,43 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,44 USD/thùng, chốt ở mức 80,63 USD/thùng.
Cả tuần, giá của hai loại dầu đều giảm gần 1%.
Giá dầu đối mặt áp lực giảm do có tin tốt về Gaza. “Mọi người đều đang chờ xem sẽ có điều gì xảy ra với Gaza vào cuối tuần này”, nhà quản lý quỹ John Kilduff của công ty Again Capital LLC nhận định. Ông Kilduff nói rằng nếu các cuộc đàm phán ngừng bắn thành công, phiến quân Houthi của Yemen sẽ dừng các cuộc tấn công vào tàu bè, trong đó có tàu chở dầu, đi qua Biển Đỏ.
Hôm thứ Năm, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bày tỏ tin tưởng rằng các cuộc đàm phán đang diễn ra ở Qatar có thể đi tới một thoả thuận ngừng bắn ở dải Gaza giữa Israel và Hamas. Theo dự kiến, thoả thuận ngừng bắn mà các bên đang đàm phán sẽ có hiệu lực trong 6 tuần.
Sức ép mất giá đối với dầu còn đến từ xu hướng tăng của đồng USD. Đồng bạc xanh có tuần tăng giá thứ hai liên tiếp sau khi Ngân hàng Trung ương Thuỵ Sỹ (SNB) vào hôm thứ Năm tuần này bất ngờ cắt giảm lãi suất.
Khả năng Fed tiến tới cắt giảm lãi suất trong năm nay - một sự thay đổi chính sách tiền tệ có lợi cho kinh tế Mỹ nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung - đang hỗ trợ cho giá dầu. Ngoài ra, giá “vàng đen” cũng được nâng đỡ bởi căng thẳng gia tăng giữa Nga và Ukraine, khi phía Ukraine liên tục dùng thiết bị bay không người lái để tổ chức các cuộc tấn công nhằm vào các nhà máy lọc dầu của Nga thời gian gần đây.
Tuy nhiên, thị trường đang rộ lên thông tin nói rằng Nga sẽ giảm giá bán dầu sâu hơn trong bối cảnh căng thẳng leo thang - theo tiết lộ của ông Bob Yawger, giám đốc phụ trách mảng năng lượng giao sau của ngân hàng Mizuho. Việc Nga giảm mạnh giá bán dầu sẽ khiến dầu Nga hấp dẫn hơn đối với khách mua quốc tế, từ đó có thể gây áp lực mất giá lên thị trường dầu lửa nói chung.