Cổ phiếu chứng khoán đang kém hấp dẫn hơn cổ phiếu ngân hàng?
Năm 2022, các các công ty chứng khoán đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng với lợi nhuận dự kiến tăng thấp, trong khi đó các ngân hàng tiếp tục kỳ vọng vào tăng trưởng cao...
Trong báo cáo mới công bố, đánh giá về định giá cổ phiếu nhóm ngân hàng và chứng khoán, FiinGroup cho rằng, chỉ số giá ngành chứng khoán có giá tăng tốt trong nửa cuối năm 2021. Động lực tăng giá đến từ câu chuyện phát hành tăng vốn và các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận tích cực như thanh khoản thị trường tăng mạnh và VN-Index tiếp tục đi lên.
Cùng thuộc khối Tài chính, khi xét về định giá P/B, cổ phiếu ngành chứng khoán đang thu hẹp khoảng cách với ngành Ngân hàng, nhưng hiện vẫn neo ở vùng cao so với lịch sử và vượt 1 lần độ lệch chuẩn của trung bình giai đoạn từ 2018 đến nay.
"Khi xem xét thêm tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận 2022, chúng tôi nhận thấy cổ phiếu ngành Chứng khoán đang kém hấp dẫn hơn so với cổ phiếu ngành Ngân hàng. Năm 2022, các các công ty chứng khoán đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng với lợi nhuận dự kiến tăng thấp, trong khi đó các ngân hàng tiếp tục kỳ vọng vào tăng trưởng cao", Fiingroup nhấn mạnh.
Cụ thể, ngành Ngân hàng sẽ có tăng trưởng lợi nhuận sau thuế ở mức 20-25% năm 2022 nhờ các yếu tố sau: Tín dụng toàn ngành dự kiến tăng 14% với sự hồi phục kinh tế cùng gói kích thích của chính phủ; NIM tiếp tục duy trì kể cả khi lãi suất huy động tăng do các ngân hàng sẽ cắt giảm hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp; Thu nhập phí tiếp tục đà tăng trưởng tốt khi kinh tế phục hồi.
Một số ngân hàng đã trích lập sớm trước thời hạn của Thông tư 03/2021/TT-NHNN sẽ không phải trích lập và/hoặc có cơ hội hoàn nhập dự phòng vì một phần nợ xấu do ảnh hưởng bởi COVID sẽ giảm áp lực trước sự hồi phục của nhiều nhóm ngành.
Một số ngân hàng đã công bố kế hoạch kinh doanh 2022 cho thấy sự lạc quan về triển vọng năm nay, đặc biệt là khối ngân hàng tư nhân. Các ngân hàng triển vọng có cơ cấu chi phí thấp và khả năng sinh lời cao cùng với mức nợ xấu thấp và bao phủ nợ xấu cao, đồng thời CAR cao so với mức quy định cho phép tăng trưởng tín dụng tốt cùng khả năng tăng trưởng thu nhập phí tốt do nền tảng khách hàng lớn.
Tuy nhiên, theo FiinGroup, định giá ngành ngân hàng nói chung đang ở mức cao. Nhà đầu tư cần theo dõi giá và cập nhật triển vọng của từng ngân hàng khi ra quyết định đầu tư.
Đối với nhóm công ty chứng khoán, lợi nhuận sau thuế năm 2022 của 11/36 công ty chứng khoán niêm yết dự kiến tăng 6,9% thấp hơn so với mức tăng rất cao của năm 2021 là 216,3%. Kế hoạch 2022 của hầu hết các công ty này dựa trên giả định VN-Index có thể chạm mức cao nhất là 1.800 điểm, tương đương với tiềm năng tăng 22,5%, trong khi giá trị giao dịch bình quân ở mức 30 nghìn tỷ/phiên, cao hơn 3,4% so với mức bình quân từ đầu năm đến nay và tăng 22,5% so với năm ngoái.
Có sự phân hóa mạnh trong việc lập kế hoạch kinh doanh năm 2022. Cụ thể, một số công ty chứng khoán tầm trung như MBS và ORS đưa ra kế hoạch lợi nhuận khá cao nhờ đẩy mạnh mảng môi giới và cho vay margin. Trong khi đó, các công ty chứng khoán có quy mô lớn hơn hoặc nhỏ hơn đặt kế hoạch khá thận trọng vì lo ngại cạnh tranh cao trong mảng môi giới (đối với VCI) hay hoạt động đầu tư kém tích cực (đối với FTS và VDS).
Điểm tích cực đó là sau nhiều năm gánh lỗ, ngành Chứng khoán đang có lãi gộp từ hoạt động môi giới, với biên lợi nhuận gộp Q4/2021 đạt 11,1% (so với -19,5% trong Q4-2020). Trong khi đó biên lãi từ hoạt động cho vay margin cũng đang dần cải thiện nhờ lãi suất cho vay tăng lên và chi phí vốn đi ngang.
Ngoài ra, để tăng bộ đệm vốn cho hoạt động cho vay margin, các công ty chứng khoán đang đẩy mạnh phát hành tăng vốn, với giá trị phát hành dự kiến cho năm 2022 cập nhật đến ngày 20/3/2022 lên đến 43 nghìn tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với giá trị phát hành năm 2021.
VN-Index gần như đi ngang từ đầu năm đến nay trong khi thanh khoản chưa thực sự cải thiện, khiến tăng trưởng lợi nhuận ngắn hạn của ngành Chứng khoán khó có thể bứt phá.
Với định giá hiện cao hơn so với ngành Ngân hàng, cổ phiếu ngành Chứng khoán đang kém hấp dẫn về đầu tư. Tuy nhiên, vẫn có một số cổ phiếu của các công ty chứng khoán quy mô vừa và nhỏ đáng quan tâm nhờ (i) triển vọng lợi nhuận tích cực đến từ kế hoạch phát hành tăng vốn (bao gồm VDS, ORS, CTS) hoặc (ii) bán vốn cho đối tác chiến lược (MBS).