Cổ phiếu nhỏ hồi trước, thanh khoản sụt giảm mạnh, khối ngoại rút ròng hơn 840 tỷ đồng
Thanh khoản không có cải thiện rõ rệt trong phiên chiều nay khiến các cổ phiếu blue-chips tiếp tục là gánh nặng đáng kể cho VN-Index. Dù vậy dòng tiền đầu cơ có biểu hiện phục hồi khá rõ nét ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, giúp các mã này hồi lên tích cực hơn hẳn. HSG thậm chí tăng kịch trần với thanh khoản kỷ lục lịch sử, giá lên đỉnh 2 năm...
Thanh khoản không có cải thiện rõ rệt trong phiên chiều nay khiến các cổ phiếu blue-chips tiếp tục là gánh nặng đáng kể cho VN-Index. Dù vậy dòng tiền đầu cơ có biểu hiện phục hồi khá rõ nét ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, giúp các mã này hồi lên tích cực hơn hẳn. HSG thậm chí tăng kịch trần với thanh khoản kỷ lục lịch sử, giá lên đỉnh 2 năm.
Tổng thể mặt bằng các cổ phiếu vừa và nhỏ mạnh hơn phiên sáng đáng kể. Rổ VN30 chỉ có thêm 1 mã tăng giá so với buổi sáng nhưng độ rộng toàn sàn HoSE có thêm khoảng 22 mã đảo chiều tăng thành công. Hơn nữa phiên sáng cũng mới có 64 mã tăng được quá 1%, chiều nay là 82 mã.
Nhóm cổ phiếu thép vẫn là xuất sắc nhất về thanh khoản trong nhóm tăng giá mạnh nhất: HSG đóng cửa ở mức kịch trần, tương đương chiều nay tăng thêm khoảng 1,21% nữa. Thanh khoản đặc biệt lớn với gần 43,65 triệu cổ trị giá 1.982,4 tỷ đồng. HPG cũng nhích giá thêm một chút, đóng cửa tăng 1,2%, thanh khoản 1.014,6 tỷ đồng. NKG tăng 4,28%, thanh khoản 421,5 tỷ. Loạt cổ phiếu khác thanh khoản rất tốt và giá tăng trên 1% có thể kể tới HAH, EVF, POW, VSC, DPM, HVN, CTR, VOS…
Giao dịch mạnh mẽ ở các cổ phiếu trung bình và nhỏ cho thấy sự ổn định khá nhanh trong tâm lý. Cũng phải nhớ lại rằng trước khi thị trường đột ngột để mất cơ hội vượt đỉnh, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đã có nhịp tăng dài và khoảng 3 phiên vừa qua điều chỉnh trở lại. Giá hôm nay nhanh chóng phục hồi bất chấp các blue-chips vẫn gây khó khăn cho chỉ số, phản ánh khả năng thu hút đầu cơ ở nhóm vốn hóa nhỏ. Dù vậy thanh khoản sụt giảm là khá rõ ràng: Nhóm Midcap giảm giao dịch 25% so với phiên trước, Smallcap cũng giảm 28%.
Riêng với rổ VN30, chiều nay giá không giảm thêm nhiều, nhưng nhìn chung vẫn là suy yếu. Cụ thể, có 16/30 mã của rổ tụt xuống mức thấp hơn giá chốt buổi sáng và 11 mã có cải thiện. Độ rộng lúc đóng cửa vẫn là 8 mã tăng/20 mã giảm. Trong số các mã thay đổi giá, hiện tượng trụ kiềm chế lẫn nhau khiến chỉ số hầu như không có tiến triển, đóng cửa vẫn giảm 0,51% so với tham chiếu.
HPG vẫn là cổ phiếu mạnh nhất trong nhóm trụ, tăng 1,2% lúc đóng cửa nhưng tính riêng buổi chiều thì chỉ tăng được khoảng 0,17% so với giá chốt buổi sáng. VHM và VPB là hai cổ phiếu trong Top 10 vốn hóa có diễn biến đảo chiều thành công: VHM phục hồi 0,92% so với giá buổi sáng và chốt phiên tăng 0,26%. VPB phục hồi 0,81% thành tăng 0,27% so với tham chiếu. Tuy nhiên đối ứng với hai trụ này lại là VIC đánh mất toàn bộ mức tăng 1,31% buổi sáng và lui về tham chiếu; VCB đang từ tham chiếu thành giảm 0,46%. BID có nhịp rơi cực mạnh 1,48% chiều nay, thành giảm tới 2,11% lúc đóng cửa. Cũng phải nhắc lại là BID vốn hóa lớn thứ 2 thị trường chỉ sao VCB. GAS cũng là trụ lớn khác giảm hơn 1% chiều nay, mở rộng mức giảm chung cuộc lên -1,77%...
Nhóm giảm giá chiều nay nhiều hơn hẳn so với buổi sáng, độ rộng ghi nhận 275 mã đỏ (so với 204 mã buổi sáng). Thêm nữa, chốt phiên sáng VN-Index mới có 74 cổ phiếu giảm quá 1%, đóng cửa là 105 mã. Chiều nay cũng có nhiều hơn số lượng cổ phiếu bị xả quy mô lớn: FPT giảm tới 1,68% với giao dịch 631,2 tỷ đồng; MWG giảm 1,59% với 587,4 tỷ; HCM giảm 1,56% với 517,7 tỷ; MSN giảm 2,31% với 479,7 tỷ; DIG giảm 1,46% với 343,1 tỷ; CMG giảm 3% với 264,1 tỷ… Nếu như phiên sáng nhóm giảm quá 1% chỉ chiếm gần 20% tổng thanh khoản khớp lệnh sàn HoSE thì chiều nay tỷ trọng lên tới 33,5%.
Nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục bán rất nhiều trong buổi chiều, tổng giá trị xả khoảng 1.347 tỷ đồng trên HoSE. Bên mua cũng đạt 1.016 tỷ đồng tương ứng bán ròng 331 tỷ đồng. Phiên sáng khối này đã bán ròng hơn 456 tỷ. Như vậy tính riêng HoSE, tổng giá trị bán ròng trong ngày đạt gần 787 tỷ đồng, chưa kể HNX và UPCOM cũng bị bán ròng khoảng 56 tỷ đồng nữa. Các cổ phiếu bị rút vốn nhiều nhất là HPG -147,3 tỷ; FPT -111,1 tỷ, VHM -101,8 tỷ, VNM -101,6 tỷ, HDB -101,3 tỷ, MSN -83,8 tỷ, CMG -81,8 tỷ, HCM -80,8 tỷ, VRE -72,7 tỷ, VND -61,6 tỷ. Bên mua có HSG +107 tỷ, SAB +89,9 tỷ, NKG +45 tỷ, EVF +41,5 tỷ.